Nhận định chung
Viêm họng mạn tính là tình trạng viêm họng kéo dài, thể hiện dưới ba hình thức chính là: xuất tiết, quá phát và teo. Các bệnh tích có thể lan toả hoặc khu trú. Thể điển hình của viêm họng mạn tính và viêm họng mạn tính toả lan, viêm họng mạn tính khu trú gồm có viêm VA mạn tính và viêm amiđan mạn tính. Nguyên nhân có thể do:
Do viêm mũi xoang mạn tính, đặc biệt là viêm xoang sau.
Viêm amiđan mạn tính.
Hội chứng trào ngược.
Tắc mũi mạn tính do vẹo vách ngăn, quá phát cuốn, polyp mũi.
Do tiếp xúc với khói bụi, các chất kích thích như: hơi hoá học, bụi vôi, bụi xi măng, thuốc lá, rượu…
Cơ địa: dị ứng, tạng tân, tạng khớp…
Phác đồ điều trị viêm họng mạn tính
Nguyên tắc điều trị
Chủ yếu là điều trị tại chỗ và điều trị triệu chứng, kết hợp điều trị các nguyên nhân bệnh lý toàn thân khi nghĩ tới.
Điều trị nguyên nhân
Điều trị viêm mũi, viêm xoang, viêm amidan, viêm VA.
Điều trị hội chứng trào ngược: thuốc kháng H+: opmeprazol, lanzoprazol…, thuốc kháng H2: cimetidin, ranitidin…, kháng dopamin: domperidon…
Giảm bớt các kích thích như: hút thuốc lá, uống rượu.
Tổ chức phòng hộ lao động tốt, đeo khẩu trang đảm bảo khi lao động.
Điều trị tại chỗ
Thể viêm họng xuất tiết: bôi, súc họng các thuốc làm se niêm mạc, kiềm tính, giảm viêm giảm đau: glycerine iod, SMC…
Thể viêm họng teo: bôi họng, súc họng bằng các thuốc (loại có iod loãng, thuốc dầu), hoặc bằng nước khoáng.
Khí dung họng: các dung dịch giảm viêm.
Nhỏ mũi, rửa mũi: bằng nước muối sinh lý, nước biển sâu…
Điều trị triệu chứng
Thuốc làm lỏng chất nhầy như: bromhexin, acetylcystein…
Thuốc kháng viêm: alphachymotrypsin, lysozym…
Thuốc chống dị ứng: các thuốc kháng histamin như cetirizin, chlorapheniramin…
Thuốc giảm ho: thảo dược
Điều trị toàn thân
Thay đổi thể trạng: Điều trị thay đổi lối sống, môi trường sinh hoạt, làm việc nếu có thể.
Uống vitamin C, A, D.