Nhận định chung
Tâm phế mạn là trường hợp phì đại và giãn tâm thất phải và suy tim phải thứ phát do tăng áp lực động mạch phổi, gây nên bởi những bệnh làm tổn thương chức năng hoặc cấu trúc của phế quản, phổi và lồng ngực như bệnh: phế quản, phổi, mạch máu, thần kinh và cơ xương lồng ngực.
Phác đồ điều trị tâm phế mạn
Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi
Làm việc nhẹ, thích hợp không phải gắng sức. Khi đã có dấu hiệu suy tim phải thì nghỉ việc hoàn toàn.
Chế độ ăn nhạt.
Điều trị các căn nguyên gây tâm phế mạn
Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ phổi, giãn phế quản, hen phế quản…
Oxy liệu pháp
Mục tiêu:
Duy trì SaO2: 90-92%, pH: 7,36-7,42 (nếu đo được), PaCO2: 40-45 mmHg.
Chỉ định:
PaO2 < 55 mm Hg hoặc SaO2 < 88 mmHg
55 < PaO2 < 59 mmHg hoặc SaO2: 88 – 89 mmHg kèm thêm một trong các biểu hiện của tâm phế mạn, hematocrit > 55%.
Cách thực hiện:
Thở oxy liều thấp, dài hạn tại nhà, liều 1-3 lít/phút; kéo dài 18/24 giờ hằng ngày.
Nên tiến hành chọn liều oxy thích hợp cho bệnh nhân khi đang nằm viện. Bắt đầu với liều thấp 0,5 – 1 lít/phút. Làm lại khí máu sau 1 giờ.
Nếu PaO2 < 60 mmHg (hoặc SaO2 < 90%) và PaCO2 < 45 mmHg: tăng oxy thêm 0,5 lít. Điều chỉnh như vậy cho đến khi đạt mục tiêu.
Nếu PaO2 > 60 mmHg (hoặc SaO2: > 92%) và PaCO2 > 45 mmHg: giảm liều oxy mỗi 0,5 lít, cho đến khi đạt mục tiêu (SaO2: 90-92%, pH: 7,36-7,42, PaCO2 < 45 mmHg).
Nếu PaO2 < 60 mmHg (hoặc SaO2 < 90%) và PaCO2 > 45 mmHg: xét chỉ định thở máy không xâm nhập (BIPAP).
Thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu: nên dùng 3-5 ngày khi có phù chân, gan to, tĩnh mạch cổ nổi: furosemid 40 mg x 1 viên/ngày (uống buổi sáng). Trường hợp phù nặng: có thể dùng furosemid 20 mg x 1-2 ống (tiêm tĩnh mạch) trong ngày đầu, sau đó chuyển sang dùng furosemid 40 mg x 1 viên/ngày từ ngày thứ hai trở đi. Dùng kèm kaliclorua 0,6 g x 2 viên uống, hoặc kaliclorua 2 g x 1 gói (pha uống).
Các lợi tiểu khác có thể dùng: spiromid 20/50 (dạng kết hợp kháng aldosterol furosemid), spironolaton 25 mg x 1-2 viên/ngày x 3-5 ngày. 3.5.
Không dùng các thuốc
Morphin, gardenal và các thuốc an thần khác vì gây ức chế trung tâm hô hấp.
Không dùng thuốc giảm ho.
Phác đồ điều trị tâm phế mãn trong một số trường hợp
Khi có đợt bội nhiễm
Bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh. Thuốc kháng sinh có thể dùng: penicillin, ampicillin, amoxilin, amoxilin + acid clavulanic, các cephalosporin thế hệ 1-2-3, quinolon.
Tâm phế mạn do các bệnh phổi có rối loạn thông khí tắc nghẽn
Nên dùng thêm các thuốc corticoid dạng phun hít và thuốc giãn phế quản
Corticoid: Dạng xịt: beclomethason; budesonid. Dạng khí dung: budesonid; beclomethason. Dạng viên: prednisolon; prednison; methylprednison. Dạng tiêm: depersolon; methylprednison.
Thuốc giãn phế quản: Các chất cường beta: salbutamol, terbutalin, fenoterol.
Kháng cholinergic: ipratropium, tiotropium.
Methylxanthin: Theophyllin, diaphyllin.
Tâm phế mạn do hen phế quản
Dùng corticoid dạng phun hít sớm và kéo dài.
Tâm phế mạn do xơ phổi
Thường không có ứ trệ CO2, nên chỉ cần thở oxy rộng rãi và cho corticoid.
Tâm phế mạn do béo phì
Cho ăn chế độ làm giảm cân.
Tâm phế mạn do gù vẹo cột sống, dị dạng lồng ngực
Tập thở, chống bội nhiễm phổi, có thể điều trị chỉnh hình từ sớm.
Tập thở
Làm tăng độ giãn nở của phổi và lồng ngực, tăng thông khí phế nang, nhất là thở bằng cơ hoành.
Loại bỏ những yếu tố kích thích
Không hút thuốc lào, thuốc lá, tránh khói, bụi công nghiệp… Ngoài ra, cũng cần tìm và điều trị nguyên nhân gây tâm phế mạn.