Nhận định chung

Viêm mũi họng cấp tính là viêm cấp tính niêm mạc vùng mũi và họng, thường kết hợp với viêm amiddan, VA,… thuộc vòng bạch huyết Waldeyer khi bệnh nhân còn các tổ chức lympho này. Đây là một bệnh lý cấp tính hay gặp trong chuyên khoa tai mũi họng, có thể xuất hiện đơn thuần hoặc là biểu hiện viêm long đường hô hấp trên trong giai đoạn đầu của nhiều bệnh nhiễm trùng lây.

Viêm mũi họng cấp tính thường gặp vào mùa lạnh, khi thời tiết thay đổi, khởi đầu là một viêm nhiễm virus, dưới tác dụng của độc tố sức đề kháng giảm sút, là điều kiện cho bội nhiễm vi trùng, thường là vi trùng nằm vùng có sẵn trong mũi họng như liên cầu, phế cầu đặc biệt là liên cầu bê-ta tan huyết nhóm A, có thể lây lan trong cộng đồng từ nước bọt, nước mũi do khi nói, khi ho hay hắt hơi…

Viêm mũi họng đỏ cấp đơn thuần hay kết hợp có bựa trắng

Có thể do vi khuẩn hoặc virus.

Do vi khuẩn

Chiếm 20 – 40% tổng số viêm mũi họng gồm:

Liên cầu bê- ta tan huyết nhóm A,B,C,G.

Haemophilus influenzae.

Tụ cầu vàng.

Moraxella catarrhalis.

Các vi khuẩn kị khí.

Do virus

Chiếm 60 – 80% gồm:

Adénovirus.

Virus cúm.

Virus para – influenzae.

Virus Coxsakie nhóm A hoặc B trong đó nhóm A gây viêm họng có bóng nước Herpanginne.

Virus Herpes gây viêm họng có bóng nước nhưng gây viêm miệng nhiều hơn ở họng.

Virus Zona gây viêm họng có bóng nước Zona.

Epstein Barr Virus (E.B.V) gây bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn và gây viêm mũi họng cấp tính.

Viêm mũi họng loét chỉ xẩy ra ở khoảng 5%. Thường bị một bên như viêm họng cấp Vincent, săng giang mai, bị cả hai bên như viêm họng do các bệnh về máu như bệnh bạch cầu cấp, bệnh mất bạch cầu hạt, viêm họng có giả mạc như viêm họng bạch hầu…

Phác đồ điều trị viêm mũi họng cấp tính

Nguyên tắc điều trị

Nhiều tác giả trong và ngoài nước đều thống nhất rằng tất cả mọi viêm mũi họng đỏ cấp, có chấm mủ trắng hay bựa trắng trên bề mặt amiddan đều phải điều trị như viêm mũi họng đỏ cấp do liên cầu khi chưa có xét nghiệm phân loại vi khuẩn hay virus. Đó là điều trị kháng sinh, hạ sốt, kháng viêm, giảm đau, sát trùng họng và nhỏ mũi sát khuẩn, co mạch, chống dị ứng…

Phác đồ điều trị

Dù chưa có xét nghiệm vi trùng, virus, kháng sinh đồ, kháng virus đồ thì chúng ta cũng phải điều trị kháng sinh ngay cho kịp thời, khi có kết quả xét nghiệm (thường sau 3, 4 ngày) ta lại điều chỉnh phù hợp kháng sinh đồ.

Kháng sinh.

Hạ sốt giảm đau.

Giảm viêm.

Điều trị kháng sinh theo đúng kháng sinh đồ.

Chế độ ăn uống và sinh tố nâng cao thể trạng.

Kháng sinh

Peniciline V uống 50-100 UI/kg cho trẻ, 3 triệu UI cho người lớn, chia 3 lần trong ngày kéo dài trong 10 ngày.

Peniciline chậm loại Benzathin-Peniciline G liều 600.000UI cho trẻ 30kg và 2,4 triệu UI cho người lớn.

Cephalosporine thế hệ 1, hoặc Peniciline A (Amoxicilline) trong 10 ngày.

Trường hợp bệnh nhân dị ứng với Peniciline thì có thể thay thế nhóm Macrolide như Rulide, Zithromax, Dynabac, hay Josacine trong 5-7 ngày.

Tốt nhất là điều trị theo kháng sinh đồ nếu có kết quả xét nghiệm sớm, phải thay đổi thuốc kịp thời.

Hạ sốt, giảm đau, kháng viêm

Paracetamol, Anphachymotrypsine, Aspirine… cho liều phù hợp với trẻ em và người lớn, uống sau ăn, lưu ý hỏi tiền sử viêm dạ dày tá tràng để chống chỉ định vì hầu như tất cả các thuốc giảm đau hạ sốt đều có nguy cơ chảy máu dạ dày và hệ thống đường tiêu hóa.

Chế độ dinh dưỡng, sinh tố

Chế độ dinh dưỡng tốt, nhiều chất, dễ tiêu hóa, giàu năng lượng, đặc biệt cung cấp các loại trái cây, nhiều vitamine C, B1.

Tiên lượng và biến chứng

Diễn biến, tiên lượng

Nếu viêm mũi họng do virus thì chỉ sau 3 – 5 ngày là tự khỏi, các triệu chứng giảm dần rồi hết.

Nếu viêm mũi họng do virus bị bội nhiễm đặc biệt bội nhiễm liên cầu bệnh sẽ kéo dài hơn, cần điều trị kháng sinh có hệ thống nếu không dễ bị biến chứng…

Biến chứng

Biến chứng tại chỗ: viêm tấy, áp xe quanh amiđan, áp xe thành sau, thành bên họng, biến chứng viêm mũi xoang cấp, viêm tấy hoại thư vùng cổ họng ít gặp, nhưng nếu gặp thì tiên lượng rất nặng.

Biến chứng gần: viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp.

Biến chứng xa: viêm cầu thận, viêm khớp, viêm màng tim, choáng nhiễm độc liên cầu, hoặc có thể nhiễm trùng máu…

0/50 ratings
Bình luận đóng