Nhận định chung
Suy tuyến giáp bẩm sinh là bệnh nội tiết do rối loạn sản xuất hormon tuyến giáp không đủ đáp ứng nhu cầu chuyển hoá và quá trình sinh trưởng của cơ thể. Như vậy, bất kỳ nguyên nhân nào trong thời kỳ bào thai hoặc sau sinh làm cho tuyến giáp hoạt động không bình thường, làm giảm lượng hormon giáp trong máu đều có thể gây ra suy giáp. Tùy theo nguyên nhân tác động vào tuyến giáp thời kỳ bào thai hay tuổi trưởng thành mà gây ra suy giáp bẩm sinh hoặc mắc phải.
Suy giáp bẩm sinh là bệnh có tần suất mắc khá cao ở trẻ em, tỷ lệ mắc từ 1/3.000 đến 1/5.000 trẻ sơ sinh sống sau đẻ (4,7). Bệnh tuy có từ thời kỳ bào thai nhưng các dấu hiệu lâm sàng không xuất hiện ngay sau đẻ mà biểu hiện muộn hơn ở thời kỳ bú mẹ hoặc trong giai đoạn thanh thiếu niên. Khi đó chẩn đoán thường bị muộn, trẻ vĩnh viễn bị tàn phế tinh thần. Vì vậy, từ những năm 1960 người ta đã tiến hành chương trình sàng lọc sơ sinh để phát hiện và điều trị sớm suy giáp bẩm sinh ngay sau sinh, cứu hàng triệu trẻ thoát khỏi thiểu năng trí tuệ và mang lại cuộc sống bình thường cho trẻ bị suy giáp bẩm sinh.
Phác đồ điều trị suy tuyến giáp bẩm sinh
Mục đích: Đưa tình trạng suy giáp về bình giáp càng sớm càng tốt.
Nguyên tắc
Liệu pháp điều trị thay thế hormon giáp suốt đời.
Điều trị cụ thể
Thuốc:
Hormon giáp tổng hợp được lựa chọn là Thyroxin có tác dụng sinh lý kéo dài, hấp thu qua ruột đạt 50-70%. Tại tổ chức ngoại vi có hiện tượng chuyển đổi từ T4 sang T3, dễ dàng kiểm tra nồng độ thuốc đưa từ bên ngoài để theo dõi điều
Cách dùng thuốc:
Uống ngày 1 lần vào trước bữa ăn sáng 1 giờ.
Thuốc Thyroxin:
Dạng viên, hàm lượng 50µg, 100 µg.
Liều lượng thuốc (5):
0-6 tháng 25-50 µg /ngày (8-10 µg /kg/ngày)
6-12 tháng 50-75 µg /ngày (6-8 µg /kg/ngày)
1-5 tuổi 75-100 µg /ngày (5-6 µg /kg/ngày)
6-12 tuổi 100-150 µg /ngày (4-5 µg /kg/ngày)
12 – người lớn 100-200 µg /ngày (2-3 µg /kg/ngày)
Theo dõi kết quả điều trị:
Nếu quá liều điều trị: trẻ kích thích, nhịp tim nhanh, ra nhiều mồ hôi, khó ngủ, tiêu chảy và nôn. Xét nghiệm thấy nồng độ T4 trong máu tăng cao > 200 nmol/l, TSH giảm thấp < 0,01 µUI/ml. Liều cao kéo dài, tuổi xương phát triển nhanh, trẻ sẽ bị lùn.
Nếu chưa đủ liều điều trị: Trẻ vẫn chậm lớn, chậm phát triển tinh thần. Nồng độ TSH tăng cao nhưng nồng độ T4 trong máu bình thường.
Với liều điều trị thích hợp: Các dấu hiệu suy giáp giảm dần. Trẻ phát triển đuổi kịp chiều cao so với trẻ cùng tuổi. Trẻ nhanh nhẹn, đi học bình thường. Nồng độ TSH về bình thường và T4 ở giới hạn cao của bình thường. Tuổi xương bằng tuổi thực.
Theo dõi năm đầu điều trị: 3 tháng khám lại một lần, những năm sau 6 tháng khám một lần. Cùng với khám lâm sàng, đo chỉ số DQ/IQ, xét nghiệm định lượng nồng độ TSH, T4 trong máu và chụp tuổi xương 6 tháng/ 1 lần.
Tiến triển và biến chứng
Nếu phát hiện và điều trị sớm suy giáp bẩm sinh, trẻ phát triển như bình thường, đảm bảo chất lượng sống và tham gia sức sản xuất trong xã hội.
Nếu phát hiện muộn, trẻ vĩnh viễn bị thiểu năng trí tuệ, không hòa nhập được cộng đồng, phải có người chăm sóc đặc biệt.
Phòng bệnh
Chính vì triệu chứng lâm sàng không xuất hiện ngay sau đẻ nên trẻ sơ sinh cần phải làm xét nghiệm ngay sau sinh để phát hiện và điều trị sớm suy giáp bẩm sinh.