Nhận định chung
Natri fluoroacetat và fluoroacetamid (hợp chất 1080 và 1081) là hóa chất diệt chuột mới được sử dụng từ đầu những năm 1990 ở Việt Nam, do nhập lậu từ Trung Quốc sang.
Hóa chất diệt chuột loại này thường được sản xuất dưới dạng hạt gạo màu hồng nhìn giống cốm, dạng ống dung dịch màu hồng hoặc không màu.
Cơ chế bệnh sinh: Fluoroacetat gây độc bằng ức chế chu trình Krebs làm giảm chuyển hoá glucose, ức chế hô hấp của tế bào, mất dự trữ năng lượng gây chết tế bào. Cơ quan bị tổn thương nhiều nhất là cơ, tim, não, thận.
Phác đồ điều trị ngộ độc thuốc diệt chuột loại Natri fluoroacetat và fluoroacetamid
Tuyến cơ sở
Không gây nôn vì có nguy cơ co giật.
Than hoạt 20g nếu bệnh nhân tỉnh.
An thần nếu có co giật, tư thế nằm nghiêng an toàn.
Đảm bảo hô hấp (bóp bóng, đặt nội khí quản), tuần hoàn, khống chế co giật trước và trong khi chuyển bệnh nhân.
Tại bệnh viện (các tuyến)
Chưa có co giật
Tiêm bắp diazepam (Seduxen) 10mg, nếu có phản xạ gân xương tăng.
Rửa dạ dày: hạn chế và thận trọng, vì nguy cơ co giật và chất độc được hấp thu nhanh, dùng 1-3 lít nước cho đến khi nước sạch nếu uống dạng hạt gạo.
Than hoạt: liều 1g/kg cân nặng, uống hoặc qua ống thông dạ dày, thêm sorbitol với liều gấp đôi (hoặc dùng Antipois).
Gardenal: người lớn 0,10g – 0,20g/ngày.
Calciclorua 10ml/liều dung dịch 10% tiêm tĩnh mạch chậm, hoặc calci gluconat 0.1- 0.2ml/kg (10ml/liều dung dịch 10%) tiêm tĩnh mạch chậm, nhắc lại nếu còn dấu hiệu hạ calci máu.
Truyền dịch đảm bảo nước tiểu 100ml/giờ.
Nếu có co giật hoặc co cứng toàn thân
Tiêm diazepam 10mg tĩnh mạch/lần, nhắc lại sau mỗi 5 – 10 phút cho đến 30mg, nếu không có kết quả: thiopental 200-300mg tĩnh mạch chậm trong 5 phút, sau đó truyền duy trì 2mg/kg/giờ để khống chế giật (có thể 2-3g/24giờ).
Chú ý khi dùng thiopental ở bệnh nhân tổn thương gan. Một số trường hợp co giật nhiều, khó kiểm soát có thể phải dùng giãn cơ.
Đặt nội khí quản, thở máy FiO2 = 1 trong 1 giờ, sau đó giảm xuống 0,4- 0,6. Nếu không có máy thở phải bóp bóng Ambu. Chỉ ngừng thở máy khi hết dấu hiệu cứng cơ toàn thân.
Rửa dạ dày: hạn chế áp dụng, chỉ cân nhắc thực hiện sau khi đã khống chế được co giật, dùng 1-3 lít nước. Chống chỉ định nếu đang co giật hoặc co giật nhiều cơn xuất hiện gần nhau.
Than hoạt: với liều như trên, dùng khi đã khống chế được co giật.
Calciclorua 10ml/liều dung dịch 10% tiêm tĩnh mạch chậm, hoặc Calci gluconat 0.1- 0.2ml/kg (10ml/liều dung dịch 10%) tiêm tĩnh mạch chậm, nhắc lại nếu còn dấu hiệu hạ calci máu.
Truyền dịch: Natriclorua 0,9%, glucose 5%, Ringer lactat để có nước tiểu > 200ml/giờ.
Cần chú ý theo dõi lượng nước tiểu, nếu dưới 150ml/3giờ nên đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm, theo dõi CVP, nếu trên 10cmH2O cho furosemide 20-40mg tiêm tĩnh mạch. Nếu không đo được CVP, sau khi truyền đủ 200ml/giờ sau 3 giờ mà nước tiểu vẫn dưới 50ml/giờ ở người lớn, 10ml/giờ ở trẻ em thì cho thêm furosemid.
Theo dõi chặt các chức năng sống: mạch, huyết áp, nhịp tim, nước tiểu và xét nghiệm: CK, điện não.
Các biện pháp hỗ trợ khác
Suy thận cấp: lọc máu ngoài thận nếu các điều trị khác không có kết quả.
Viêm cơ tim: truyền dobutamine 2- 40 mcg/kg/phút.
Ngoại tâm thu thất trên 10% tần số tim: tiêm xylocaine 0,05-0,10g tĩnh mạch. Đặt máy tạo nhịp tạm thời nếu có chỉ định.
Xử trí suy hô hấp cấp tiến triển.
Các loại Vitamin B.
Tiên lượng và biến chứng
Tiên lượng
Nếu không được cấp cứu khẩn trương và điều trị tích cực, bệnh nhân sẽ nhanh chóng co giật, suy hô hấp, tiêu cơ vân, suy thận, rối loạn nhịp, suy tim cấp, … và tử vong.
Biến chứng
Co giật, rối loạn ý thức.
Suy hô hấp.
Suy thận cấp do tiêu cơ vân, giảm thể tích, toan chuyển hóa.
Suy đa tạng.
Rối loạn nhịp, viêm cơ tim, suy tim cấp.