Ổn định dược liệu
Dược liệu nguồn gốc thảo mộc thường chứa nhiều enzym như: enzym thủy phân cắt các dây nối osid, enzym cắt dây nối ester, enzym đồng phân hóa, enzym oxy hóa, enzym trùng hợp hóa… Người ta đã phân lập được hàng trăm enzym khác nhau. Bản chất enzym là protein hoặc có phần cơ bản là protein, tuy nhiên cấu trúc của chúng chưa được biết một cách đầy đủ. Có thể nói enzym là những chất xúc tác hữu cơ của các phản ứng xảy ra trong các tế bào thực vật và động vật. Enzym tồn tại trong thảo dược sau khi thu hái sẽ hoạt động mạnh ở nhiệt độ 250C đến 500C với độ ẩm thích hợp. Chúng tác động lên các hoạt chất để chuyển thành các sản phẩm thứ cấp. Ví dụ: trong cây dương địa hoàng tía, enzym digipurpidase cắt bỏ một đơn vị glucose trong mạch đường của purpurea glycosid A và B để biến hai chất này thành glycosid thứ cấp là digitoxosid và gitoxosid tương ứng. Trong cây hành biển, enzym scillarenase cắt bớt một glucose của scillaren A để cho proscillarin A. Các alcaloid có dây nối ester như hyoscyamin có trong lá cây belladon, cà độc dược có thể bị enzym cắt dây nối ester để cho tropanol và acid tropic. Các glycerid thì bị enzym lipase cắt thành glycerol và acid béo. Acid ascorbic thường gặp trong thực vật thì bị enzym ascorbinodehydrogenase õy hóa. Chất ranunculin có trong một số cây thuộc họ mao dương, dưới tác dụng của enzym có sãn trong cây cũng bị thủy phân thành protoanemonin rồi chất này lại bị dimer hóa để tạo thành chất anemonin mà người ta chỉ thấy ở cây khô. Còn nhiều ví dụ để dẫn chứng sự tác động của enzym làm biến đổi hoạt chất.
Với phương pháp làm khô sẽ trình bày ở mục sau hoặc làm lạnh hoặc nghiền dược liệu tươi với một vài hóa chất như ammonisulfat, natrichlorid thường chỉ ức chế enzym. Chúng sẽ hoạt động trở lại khi có điều kiện thích hợp. Để phá hủy enzym làm cho chúng không hoạt động trở lại người ta đề ra các phương pháp gọi là phương pháp “ổn định”:
1. Phương pháp phá hủy enzym bằng cồn sôi:
Phương pháp này cho một cồn thuốc ổn định, cách làm như sau: cắt nhỏ dược liệu tươi, thả từng ít một (để cồn vẫn tiếp tục sôi) vào cồn 950 đang đun sôi. Lượng cồn dùng thường gấp 5 lần lượng dược liệu. Sau khi đã cho hết dược liệu, lắp ống sinh hàn đứng và giữ cho cồn sôi trong 30-40 phút. Để nguội, gạn lấy cồn. Dược liệu đem giã nhỏ và chiết kiệt lần hai. Như vậy ta có một dung dịch cồn hoặc cao su khi bốc hơi cồn chứa các hoạt chất của cây tươi.
2. Phương pháp dùng nhiệt ẩm:
Hơi cồn:
Dùng nồi hấp, cho vào một ít cồn 95o, xếp dược liệu trên các vĩ chồng lên nhau. Vĩ dưới cùng nằm trên mặt cồn. Vỉ trên cùng được đậy bằng một nón kim loại để tránh cồn khi đọng lại nhỏ trên dược liệu. Đậy nồi, vòi thoát để ngỏ. Đun nhanh và dẫn hơi cồn ra xa lửa bằng một ống dẫn. Sau khi đã xả hết không khí, đóng vòi lại, làm tăng áp suất và giữ vài phút ở 1,25 atmosphe. Để nguội, mở nồi lấy dược liệu ra rồi làm khô. Phương pháp này cho ta dược liệu có màu sắc đẹp, thành phần hóa học giống như dược liệu tươi.
Hơi nước:
Cách tiến hành như trên nhưng thay cồn bằng nước và giữ nhiệt độ 105-1100C trong vài phút. Phương pháp này hay dùng đối với các bộ phận dày, cứng như rễ, vỏ, gỗ, hạt nhưng có nhược điểm: tinh bột biến thành hồ, protein bị đông lại, do đó sau khi làm khô, dược liệu có trạng thái sừng làm cho việc chiết xuất hoạt chất không thuận lợi.
3. Phương pháp nhiệt khô:
Phương pháp này đã được sử dụng từ lâu để chế biến chè xanh bằng cách sao để phá huỷ enzym, ngược lại muốn chế chè đen thì để cho enzym hoạt động. Ở quy mô công nghiệp người
ta ổn định bằng cách thổi một luồng gió nóng 80-1100 có khi còn nâng nhiệt độ lên 3000 hoặc hơn trong một thời gian rất ngắn đi qua dược liệu. Phương pháp này không được hoàn hảo vì trong môi trường khô enzym khó bị phân hủy, ngoài ra vì do làm nóng nhanh nên tạo xung quanh dược liệu một lớp mỏng khô bao phía ngoài làm cho việc làm khô tiếp theo bị khó khăn, hơn nữa một vài chất trong dược liệu cũng bị biến đổi như protein bị vón, tinh dầu bị bay hơi, đường bị chuyển thành caramen.
Trên đây là một số phương pháp chính để phá hủy enzym, đảm bảo cho hoạt chất trong dược liệu sau khi làm khô được giữ nguyên vẹn như khi còn tươi. Tuy nhiên cũng có trường hợp người ta cứ để enzym tồn tại hoạt động để tăng hàm lượng hoạt chất mong muốn, ví dụ muốn tăng hàm lượng diosgenin trong nguyên liệu, người ta ủ nguyên liệu tươi với nước. Muốn chiết digitoxin trong lá dương địa hoàng thì cứ để cho enzym hoạt động.