Ô MÔI
Pulpa Cassiae grandis
            Dược liệu là cơm qủa của cây ô môi, còn gọi là bò cạp nước * – Cassia grandis L.f. hoặc Cassia fistula L. , họ Vang – Caesalpiniaceae.
Đặc điểm thực vật và phân bố         
Cây thân gỗ cao 10 – 12m, thân có đường kính 42 – 60cm, vỏ nhẵn, cành trải ra, rậm lá, cành non có góc cạnh rõ rệt và có lông nâu. Lá kép một lần lông chim chẵn dài 25 -30cm có 8 – 20 đôi lá chét. Lá chét  dài 3,5 – 6,5cm rộng 1,5 – 2cm hình bầu dục, gốc và ngọn lá đều tròn, cuống lá chét 1 – 2mm, lá chét dày, dai, có lông. Cụm hoa: chùm, ngắn, dài 12 – 15cm. Cánh hoa màu hồng. Quả dài 40 -60cm, hình trụ, đường kính 3 -4cm. Qủa khi chín có vỏ màu nâu đen, có 3 gân nổi rõ chạy từ cuống đến núm qủa. Qủa có những ngăn vách ngang chia làm nhiều ô, mỗi ô có một hạt dẹt, cơm qủa mềm ngọt màu nâu đen khi chín, có mùi hắc. Cây ô môi được trồng ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu long và một số tỉnh miền Bắc như Hải hưng, Hà tây, Hà nội. Cây ô môi có nguồn gốc ở Brasil.
Thành phần hóa học
            Cơm qủa có chứa các dẫn chất anthranoid, hàm lượng 1,1% gồm có: rhein, sennosid A và B, acid fistulic (=1,4-dihydroxy-6,7-dimethoxy-2-methyl 3-carboxyl anthraquinon). Ngoài ra còn có các đường: glucose, fructose, sucrose, tanin.
            Cơm qủa được sử dụng làm thuốc nhuận tẩy. Tác dụng kháng khuẩn cũng đã được xác nhận. Vỏ cây chứa tanin với hàm lượng cao có thể dùng để chiết tanin.
            Hoa có methyl eugenol nên hấp dẫn loại ruồi cam.
Công dụng
            Theo kinh nghiệm nhân dân, cây ô môi có cơm qủa ngọt, ăn được, chế rượu thuốc có màu đỏ nâu đẹp, có tác dụng kích thích tiêu hóa, chữa đau lưng, nhức xương. Lá dùng để chữa hắc lào, lở ngứa.
* Ở một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long còn gọi là “Canh-ki-na Việt Nam”, chú ý đừng nhầm với cây Canh-ki-na – Cinchona.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
0/50 ratings
Bình luận đóng