Những triệu chứng của bệnh xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch là một bệnh mạn tính kéo dài hàng chục năm và thường bộc lộ rõ khi con người bước vào tuổi trung niên. Bệnh này làm thay đổi một cách từ từ các động mạch lớn và vừa. Giai đoạn khởi phát thì màng trong của động mạch bị nhiễm mỡ, xét nghiệm Cholesterol tăng, sau đó màng giữa xơ hoá dần dần. Hậu quả là làm hẹp động mạch nhỏ và vừa. Trên màng xơ vữa, máu sẽ đông lại, làm lấp động mạch, ngăn trở tuần hoàn. Các cơ quan mà động mạch bị xơ vữa này chi phối sẽ bị thiếu máu cục bộ, dẫn đến suy chức năng, xơ hoá nhu mô, thậm chí dẫn đến hoại tử cục bộ.
Đây là căn bệnh rất khó phát hiện triệu chứng ngay từ ban đầu. Khi đã có những biểu hiện lâm sàng thì thực chất đã là những biến chứng của bệnh xơ vữa động mạch. Bất cứ động mạch nào của cơ thể cũng có thể bị xơ vữa, biểu hiện của căn bệnh này không nhất quán, mà tuỳ thuộc vào việc động mạch nào bị xơ vữa, cụ thể như sau:
Xơ vữa động mạch chủ ngực: Thường không có triệu chứng cụ thể. Chỉ khi chụp Xquang mới thấy cứng động mạch chủ to và đậm hơn bình thường, quai động mạch chủ giãn rộng, có khi bị calci hoá hoặc phình to. Khi tổn thương xơ vữa lần đến vận động mạch chủ hay động mạch vành tim mới có biểu hiện lâm sàng rõ ràng hơn, người bệnh thấy khó thở, hay hồi hộp và đau thắt ở ngực.
Hở van động mạch chủ: Đo huyết áp thấy chênh lệch lớn giữa huyết áp tối đa với huyết áp tối thiểu. Nghe tim thấy tiếng thổi tâm trương ở gian sườn III trái.
Động mạch vành ở tim: Do bệnh gây thiếu máu cục bộ nên người bệnh có cơn đau khắp ngực, nhồi máu cơ tim hoặc xơ động mạch vành tim, biểu hiện suy tim không hồi phục, loạn nhịp tim, rối loạn dẫn truyền.
Động mạch não: Bệnh nhân bị xơ vữa động mạch não có thể sẽ gặp triệu chứng thoáng qua như liệt, lú lẫn, quên, mất ngôn ngữ… nhưng có thể có biến chứng trầm trọng hơn như nhũn não, xuất- huyết não và các tổn thương khác ở não.
Động mạch chi: Chủ yếu gặp ở chi dưới, ở cả hai chi. Biểu hiện bệnh rõ nhất là thiếu máu khi đứng lâu, đi lại nhiều hoặc gắng sức. Ở người già có khi còn dẫn đến hoại tử chi.
Động mạch chủ bụng: Không có biểu hiện cụ thể, nhưng khi sờ sẽ thấy động mạch to, cứng và đập mạnh. Nếu tình trạng xơ vữa diễn ra ở ngã ba của động mạch chủ bụng sẽ gây thiếu máu chi dưới và liệt dương.
Các động mạch bụng: Xơ vữa ở các động mạch bụng như động mạch tạng, động mạch mạc treo tràng trên, động mạch mạc treo màng dưới… biểu hiện không rõ ràng, nhưng khá nguy hiểm vì có thể gây hoại tử một đoạn ruột.
Động mạch thận: Làm huyết áp tăng vọt do hẹp động mạch.
Động mạch tụỵ tang: Biểu hiện rõ nhất là bệnh đái tháo đường do các đảo Langgerhans bị thiếu máu.
Nói tóm lại: Để biết chính xác bệnh nhân có bị xơ vữa động mạch hay không, các bác sĩ phải tiến hành xét nghiệm cần thiết về máu và các thủ thuật khác về tim mạch và các tạng khác liên quan. Khi đã biết mình bị mắc bệnh xơ vữa động mạch, người bệnh sẽ được bác sĩ điều trị kê đơn, trong đó chú trọng đến các thuốc làm hạ mức cholesterol, thuốc tác dụng trên thành mạch, thuốc điều trị cao huyết áp. Để việc điều trị có kết quả tốt, người bệnh cần uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Khi thấy có dấu hiệu bất thường phải ngừng dùng thuốc và hỏi lại bác sĩ điều trị. Không nên tự ý dùng thuốc hoặc dùng thuốc bừa bãi. Ngoài ra, người bệnh cần có chế độ ăn uống khoa học, không ăn các thực phẩm nhiều mỡ giàu cholesterol, cần làm việc và nghỉ ngơi khoa học, tránh để đầu óc căng thẳng, nên bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin C và B1 (có thể dùng dưới dạng thuốc nếu cần).