Những kinh nghiệm trên thế giới cho thấy chỉ có điều trị liên tục bệnh thì mới mong đưa huyết áp xuống mức bình thường hoặc mức cho phép, hạn chế tiến triển của bệnh, hạn chế các biến chứng và tử vong do bệnh vì các thuốc dùng đều chỉ có tác dụng nhất thời, ngắn hạn.
Điều trị liên tục không phải là dễ thực hiện, người bệnh do thiếu những kiến thức cần thiết nên thường ngại, chỉ điều trị khi có cơn tăng huyết áp kịch phát thôi, khi huyết áp xuống thì lại ít để ý đến nữa, công việc hàng ngày bận rộn làm cho họ càng ít quan tâm đến. Ngay ở các nước phát triển như Tây Âu, Mỹ đủ điều kiện về thuốc men, số người được điều trị liên tục, điều trị đúng cũng không quá 20% tổng số người bị bệnh; ở Hoa Kỳ, trong các năm 1976 – 1980 chỉ có 10% số bệnh nhân kiểm soát được huyết áp <140/90 mmHg, tỷ lệ này đã tăng lên 27% vào các năm 1988 – 1991.
Từ năm 1980 đến 1983, chúng tô đã thử theo dõi điều trị liên tục cho 56 bệnh nhân và so sánh với một nhóm 40 bệnh nhân cùng lứa tuổi chỉ được điều trị khi có cơn tăng huyết áp kịch phát thôi; kết quả cho thấy ở nhóm bệnh nhân được điều trị liên tục:
- Ở giai đoạn 1, huyết áp từ 164,16/120,08 mmHg đã giảm xuống 134,58/85 mmHg
- Ở giai đoạn 2, huyết áp từ 175,18/110,74 mmHg đã giảm xuống 144,81/93,33 mmHg
- Ở giai đoạn 3, huyết áp từ 176,76/110 mmHg đã giảm xuống 141,76/91,47 mmHg trong khi ở nhóm bệnh nhân đối chứng, huyết áp vẫn cao, thay đổi không đáng kể; về tai biến mạch máu não, ở nhóm điều trị liên tục, trong 3 năm có 5,4% trong khi ở nhóm đối chứng là 12,5% ; về tử vong, chỉ có 2 bệnh nhân thì cả 2 đều ở nhóm đối chứng cả (1 do lụt não thất, 1 do vỡ phồng động mạch chủ). Điều trị liên tục đã làm cho huyết áp của các bệnh nhân luôn ổn định, khi có gắng sức lớn hoặc stress, khi có thay đổi thời tiết, huyết áp dao động không nhiều và bớt nguy hiểm cho người bệnh.
Trong các năm 1994 – 1998, chúng tôi cũng đã tổ chức điều trị liên tục cho 219 bệnh nhân tăng huyết áp trong một cộng đồng, kết quả cho thấy trong 4 năm theo dõi, huyết áp chung cả tâm thu lẫn tâm trương đều giảm xuống và duy trì ở các trị số bình thường hoặc gần bình thường, ít bị biến động, chỉ có 6 bệnh nhân bị tai biến mạch máu não (2,74%), 1 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim (0,46%), không có tử vong.
Điều trị liên tục bệnh tăng huyết áp phải theo các hướng dẫn sau đây:
- Bệnh nhân phải tự giác tham gia với thầy thuốc để điều trị cho mình. Sự cộng tác này là hết sức quan trọng, bệnh nhân chỉ bỏ thuốc trong một số ngày, không tuân theo những quy định trong ăn uống, sinh hoạt, công tác… dù chỉ trong một thời gian ngắn thì không thể khống chế được huyết áp. Bệnh nhân phải được theo dõi định kỳ để thầy thuốc thấy được diễn biến của bệnh và có cách xử trí kịp thời.
- Trong điều trị bệnh, các chế độ có vai trò hết sức quan trọng cũng như thuốc. Khi huyết áp thực sự ổn định kéo dài nhiều tháng với liều thuốc rất thấp thì có thể chuyển dần sang duy trì bằng chế độ ăn giảm muối, chế độ sinh hoạt và luyện tập phù hợp… có theo dõi huyết áp, khi huyết áp vì một nguyên nhân nào đó lại tăng cao thì lúc đó phải dùng lại thuốc.
- Hết sức tránh những điều kiện làm cho huyết áp tăng kịch phát nguy hiểm như gắng sức thể lực lớn, căng thẳng thần kinh, ăn quá mặn, rượu, thuốc lá, nhiễm lạnh đột ngột, bội nhiễm…
- Chế độ ăn giảm muối, tăng dầu thực vật, giảm cân (nếu béo)
- Chế độ sinh hoạt, luyện tập thể lực phù hợp
- Giải quyết các yếu tố nguy cơ, tránh các điều kiện dễ gây cơn tăng huyết áp kịch phát.
- Nếu huyết áp vẫn cao >140/90mmHg: dùng thêm thuốc (sau liều tấn công là liều duy trì) theo phác đồ.