ĐẠI CƯƠNG

Định nghĩa

Run là những vận động không chủ ý ở một hay nhiều phần của cơ thể, được gây ra do những vận động co thắt đều đặn, luân phiên nhau của các nhóm cơ vận động và đối vận. Run có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó quan trọng là những rối loạn tiểu não và ngoại tháp.

Phân loại

Trong khi thăm khám xác định run cần lưu ý về tần số, biên độ, sự nhịp nhàng, sự phân bố của nó cũng như ảnh hưởng của vận động chủ động tới triệu chứng run.

Run nhanh nhỏ có tần số 8 -10 chu kỳ/giây; run chậm, thô có tần số 3 – 5 chu kỳ/giây. Run xảy ra trong khi vận động chủ ý, tăng khi chạm đích đặc trưng cho run tiểu não. Run khi tĩnh, giảm hoặc mất khi vận động chủ ý thường gặp trong các hội chứng ngoại tháp. Run tư thế khi cơ thể cố gắng duy trì một tư thế không thuận lợi nào đó, mà không có điểm tựa. Run vô cánh còn được gọi là “dấu hiệu vẫy bàn tay” (asterixis hay flapping tremor) xảy ra trong trường hợp cánh tay duỗi thẳng, bàn tay được gấp về phía mu, khi đó bàn tay sẽ có các cử động nhịp nhàng như vẫy, gặp trong bệnh Wilson.

NGUYÊN NHÂN CỦA RUN

Do các bệnh thực thể ở não – tủy sống

Run di truyền lành tính (vô căn): đặc điểm là run biên độ nhỏ ở tay, đầu hoặc giọng nói run rẩy, có thể xảy ra trong lứa tuổi thiếu niên hoặc muộn hơn, ở nhiều thế hệ kê tiêp nhau trong một gia đình. Không thấy tổn thương thực thể trung ương thần kinh. Run tăng khi xúc động và khi vận động chủ ý, run giảm khi uống rượu.

Run Parkinson: run biên độ nhỏ, tần sọ 4 – 8ck/gy, động tác run của ngón tay 1 và 2 khiến người ta liên tưởng tới động tác vê thuốc lào hoặc động tác đếm tiền. Run thường xuât hiện ở nửa người, bắt đầu từ ngón tay sau đó đến bàn tay và toàn bộ tay, đâu, mi măt và lưỡi, run khi nghỉ, giảm hoặc mất khi vận động hoặc khi ngủ. Kèm theo run còn có tăng trương lực cơ, thiểu động và rối loạn tư thế cơ thể.

Run tuổi già: gặp ở những bệnh nhân cao tuổi, run khi vận động chủ ý và có đặc điểm giống run nguyên phát lành tính.

Run trong bệnh Wilson (thoái hoá gan – bèo): các bệnh nhân mắc chứng bệnh này thường thấy nhiều loại run khác nhau, có bệnh nhân run giống như run tiểu não, cũng có bệnh nhân run như trong bệnh Tuy nhiên, đặc trưng của run trong bệnh Wilson là run vô cánh “wing beating”, biểu hiện bằng các động tác nhanh mạnh của bàn tay hoặc của cả cánh tay.

Run kiểu này cũng hay gặp trong suy gan, có thể thấy ở các bệnh nhân tăng urê huyết, toan máu do hô hấp. Trong bệnh não do chuyển hoá cũng có thể thấy triệu chứng co giật cơ.

Run trong liệt – sa sút (dementia – paralytica): run nhanh biên độ nhỏ ở mặt, lưỡi, tay, tăng khi vận động chủ ý. Đây là triệu chứng sớm của bệnh, về giải phẫu bệnh, do tổn thương thùy trán, có thể liên quan đến thân não và tiểu não.

Run trong xơ não tủy rải rác (multiple sclerosis): đặc điểm là run khi vận động tay chân, mất khi ngủ hoặc khi nghỉ ngơi. Đay là biểu hiện tổn thương tiểu não hoặc các đường dẫn truyền của nó. Có thể có run do tư thế ở đầu.

Run trong thất điều Friedreich hoặc các bệnh thoái hoá di truyền khác của tiểu não: đặc tính của run giống như trong bệnh xơ rải rác.

Do ngộ độc

Ngộ độc rượu: là nguyên nhân hay gặp nhất của run. Run biên độ lớn và nhanh ở các ngón tay, lưỡi, chi thể và đầu. Run thường xuất hiện vào sáng sớm, trước khi ăn sáng. Run mất hoặc giảm khi bệnh nhân được uống rượu trở lại. Run do rượu có biểu hiện nặng nhất ở giai đoạn sảng rượu (delirium tremens).

Run ở các bệnh nhân phụ thuộc morphin hoặc cocain: có biên độ nhỏ, thấy ở các cơ mặt và các ngón tay. Run biểu hiện đặc biệt rõ khi cai thuốc và là triệu chứng nổi bật trong nhiễm độc các chất trên.

Ngộ độc thuỷ ngân mạn tính: gây run biên độ lớn, tương đối chậm và thấy ở các cơ mặt, cơ các chi, khi vận động run tăng.

Do bệnh nội tiết

Run do cường giáp: có đặc tính là biên độ nhỏ, nhanh và đều, thường giới hạn ở tay, nhất là khi bàn và ngón tay duỗi thẳng.

Do các bệnh chức năng

Run trong các bệnh chức năng có thể rất giống run trong các bệnh thực thể và làm cho chẩn đoán gặp rất nhiều khó khăn. Trong những trường hợp này cần phải khám kỹ chuyên ngành, dùng các test tâm lý để xác định.

Run tương đối hay gặp trong các chứng sự (cấp và mạn tính), khi đó run có đặc điểm rất giống run trong cường giáp; tuy nhiên, trong cường giáp run có biên độ lớn hơn và không thường xuyên.

Run trong rối loạn phân ly: rất phong phú về hình thái lâm sàng, không cố định ở các bệnh nhân, thậm chí không cố định ngay cả trên cùng một bệnh nhân. Run có thể thành cơn hoặc liên tục, thấy ở toàn thân hoặc chỉ giới hạn ở một phần cơ thể. Run nhanh biên độ nhỏ; nhưng cũng có thể có biên độ lớn, không đều, thậm chí biểu hiện là các động tác giật cục, tăng khi cảm xúc và vận động chủ động.

ĐIỀU TRỊ

  • Nguyên tắc chung: phải điều trị nguyên nhân, điều trị bệnh gốc.

+ Run do liệt tuần tiến: dùng penicillin.

+ Run do nhiễm độc: phải loại bỏ độc tố, nâng đỡ cơ thể.

+ Run do rượu: cần điều chỉnh chế độ ăn, dùng sinh tố.

+ Run do sợ, do rối loạn phân ly: điều trị bằng tâm lý liệu pháp.

  • Ngoài ra để điều trị triệu chứng run có thể dùng các thuốc sau:

+ Run di truyền dùng thuốc theo đường uống:

  • Dùng các thuốc an thần (phenobarbital 15 – 30mg/ngày; hoặc diazepam 2 – 10mg/ngày).
  • Dùng thuốc chẹn beta (propranolol 80 – 120mg/ngày).

+ Run Parkinson và các bệnh lý hạch nền não:

. Dùng các thuốc kháng hoạt tính cholin (anticholinergic): như Artan…

. Dùng các thuốc đồng vận với dopamin: bromocriptin, trivastal…

. Bổ sung dopamin: levodopa…

+ Run do xơ não tủy rải rác và bệnh lý tiểu não: ít chịu tác động của thuốc, tập vận động là công việc thường xuyên phải làm và có thể giúp ích được ít nhiều. Có tác giả cho rằng phẫu thuật thalamus có thể có ích.

+ Run do cường giáp: ngoài việc điều trị bệnh gốc còn có thể cho reserpin 0,1 – 0,25mg uống 1 – 2 lần trong ngày.

0/50 ratings
Bình luận đóng