Theo thống kê, 90% nguyên liệu sản xuất trong ngành dược cả tân dược và đông dược hiện đều phải nhập khẩu. Sự phụ thuộc này khiến khả năng cạnh tranh của ngành dược giảm đi đáng kể trong khi nếu quy hoạch tốt nước ta sẽ có những vùng trồng nguyên liệu đáp ứng được nhu cầu sản xuất dược phẩm trong nước.

Bộ y tế cho biết, nước ta có trên 3.000 loài cây trong rừng tự nhiên có thể sử dụng làm thuốc, trong đó có 50 loài có dược tính cao, hiện có 20 loài đang được nhân giống, trồng rộng rãi phục vụ cho việc sản xuất các loại thuốc chữa bệnh, kể cả bệnh nan y như kim tiền thảo chữa sỏi thận của Công ty cổ phần Dược phẩm OPC, thuốc Crila chiết xuất từ cây trinh nữ hoàng cung chữa bệnh u xơ tử cung…Trồng dược phẩm đang là hướng đi của một số doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu cũng như sản xuất.

Mấy năm nay, công ty TNHH sản xuất, thương mại Hồng Đài Việt đã đầu tư một vùng trồng nguyên liệu gồm cây bụp dấm, diệp hạ châu, kim tiền thảo, cỏ mực, ích mẫu tại Phú Yên với mục đích bán nguyên liệu cho một số công ty sản xuất thuốc, ngoài ra sơ chế rồi xuất khẩu. Tuy nhiên để có thể đưa được nguyên liệu sạch này vào các nhà máy, lãnh đạo công ty cũng phải mất một thời gian rất dài tiếp thị cũng như thuyết phục các đơn vị thu mua bởi giá của nguyên liệu sạch cao hơn rất nhiều so với những nguyên liệu trôi nổi đang có trên thị trường hiện nay. Ông Hoàng Xuân Lâm, phó giám đốc công ty Hồng Đài Việt nói:

Không chỉ có những đơn vị trồng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy mà những đơn vị sản xuất dược phẩm nhiều năm qua đã chủ động nguồn nguyên liệu như công ty cổ phần Y – Dược phẩm Vimedimex đầu tư khá nhiều vùng trồng nguyên liệu, chẳng hạn như thông đỏ và dừa cạn sản xuất thuốc điều trị ung thư. Ngoài ra là cây hoa hòe ở Đak Lak sản xuất hoạt chất rutin cạnh tranh với rutin nhập khẩu từ Trung Quốc. Vimedimex cũng đầu tư xây dựng quy trình sản xuất cho 10 loại cây dược liệu chiến lược của công ty tại Tây Nguyên và Tây Ninh, trong tương lai có thể không phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất nhưng trước mắt những vùng trồng này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của công ty. Hay như tập đoàn y dược Bảo Long từ lâu cũng đã đầu tư những vùng trồng nguyên liệu của riêng mình phục vụ cho hoạt động sản xuất.

Thực tế việc xây dựng vùng trồng dược liệu chẳng những giúp doanh nghiệp chủ động trong sản xuất mà còn là công cụ kinh tế giúp nông dân xóa đói giảm nghèo. Ông Hoàng Xuân Lâm cho biết, ngoài việc cung cấp giống, quy trình kỹ thuật, công ty còn đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá thành thỏa thuận ban đầu, một vụ thu hoạch diệp hạ châu bằng mấy vụ lúa, nhờ vậy nhiều nông dân trong vùng trồng nguyên liệu của công ty Hồng Đài Việt đã thoát nghèo. Dù vậy, ông Lâm cũng tâm tư, nông dân của ta hiện nay vẫn chưa thể trồng trọt một cách chuyên nghiệp khi vẫn có tư tưởng nơi nào giá cao hơn thì bán, điều này vô hình chung làm khó cho doanh nghiệp muốn mở rộng vùng trồng nguyên liệu. Về điều này, Lương y Đinh Công Bảy, Chủ tịch Hội dược liệu TPHCM cho rằng, hiện trạng phát triển dược liệu làm thuốc của nước ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng là bởi chưa có một quy hoạch tổng thể cũng như chính sách phù hợp, do vậy để phát triển bền vững cần phải có sự liên kết của 4 nhà, nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp, trong đó nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Lương Y Đinh Công Bảy cho biết thêm:

Song song với việc phát triển vùng trồng dược liệu, công tác chiết xuất và tổng hợp dược liệu của nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, bởi nếu chỉ xuất thô với giá rẻ và nhập tinh với giá đắt thì lợi nhuận thu về chẳng được bao nhiêu. Phải có các nhà máy hiện đại chiết xuất, tổng hợp dược liệu song song với vùng trồng thì mới có thể phát triển đồng bộ. Bởi dược liệu giống như rau, chỉ cần quy trình bảo quản không đúng và không thu hoạch thì dược tính trong thuốc sẽ giảm và thậm chí là hư hỏng hoàn toàn. Hơn nữa doanh nghiệp cũng phải biết giữ chữ tín của mình với nông dân. Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Tổng thư ký hiệp hội gỗ và lâm sản Việt nam nói:

Cũng theo Tiến sĩ Minh, dược liệu hiện nay đâu chỉ phục vụ cho riêng ngành dược mà còn phục vụ cho nhiều ngành khác nữa như mỹ phẩm hay lương thực thực phẩm. Chỉ đơn cử như ngành mỹ phẩm, hiện người ta có xu hướng trở lại với thiên nhiên, hương liệu nhân tạo không còn được ưa chuộng bởi sử dụng lâu dài sẽ độc với người sử dụng. Hay như nhiều đơn vị sản xuất mì ăn liền rất cần nguyên liệu xả để làm gia vị trong khi xả cũng được dùng chiết xuất tinh dầu, hay như hồi, quế vừa là gia vị vừa là thuốc chữa bệnh vừa là hương liệu của ngành mỹ phẩm.

Tại hội nghị phát triển dược liệu vào giữa tháng 6, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định sẽ có sự liên kết giữa 4 nhà trong phát triển dược liệu nhưng phương án cụ thể để phát triển nó thì chưa thấy và hầu như các doanh nghiệp mày mò tự cung tự cấp một phần, còn lại chủ yếu là nhập khẩu, nói như tiến sĩ Trương Thìn, Hội đông y quận 5 thì vẫn cần lắm những chỉ đạo sát sao và quyết liệt thì mới có thể phát triển được ngành dược như mong muốn.

Theo-baomoi.com
5/51 rating
Bình luận đóng