Việc uống rượu đã xuất hiện và tồn tại từ rất lâu trên thế giới, có tính xã hội rộng rãi và được ghi nhận sâu sắc trong truyền thông văn hoá của nhiều nền văn minh. Tuy nhiên, rượu là chất tác động tâm thần, uống rượu ở mức vừa phải đem lại cho người uống cảm giác sảng khoái, vui vẻ, hoạt bát trong giao tiếp; nhưng uống rượu nhiều, người uống dễ lâm vào trạng thái say rượu, không làm chủ được bản thân, thậm chí có thể hôn mê và tử vong do ngộ độc rượu cấp. Những người uống rượu thường xuyên với mục đích tiêu khiển, để che đậy những khiếm khuyết của bản thân, quên đi những vướng mắc trong cuộc sống… được coi là lạm dụng rượu. Từ lạm dụng rượu đến phụ thuộc rượu và nghiện rượu có ranh giới rất mỏng manh.
Trước đây, người ta hay dùng từ “nghiện rượu” để chỉ những người có thói quen uống rượu quá nhiều. Thuật ngữ này không hoàn toàn chính xác. Người nghiện rượu có thể bị tổn thương cả về mặt cơ thể, tâm thần và xã hội do uống rượu quá nhiều và lâu dài. Vì thế, ngày nay, người ta sử dụng nhiều thuật ngữ để chỉ các trạng thái khác nhau của nghiện rượu.
- Uống rượu quá nhiều: là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng uống rượu số lượng lớn hàng ngày, hàng tuần.
- Ngộ độc rượu: là chỉ các trạng thái tâm lý và sinh lý do rượu gây ra. Trạng thái này sẽ biến mất khi rượu được thải trừ hết khỏi cơ thể. Sự đáp ứng của cơ thể với tình trạng ngộ độc rượu rất khác nhau, có người thì kích động, trong khi người khác thì ủ rũ.
- Nguy cơ do sử dụng rượu: là thuật ngữ để chỉ các nguy cơ có hại về mặt tâm thần và cơ thể khi uống rượu. Tuy nhiên các tác hại của rượu hiện tại vẫn chưa xảy ra.
- sử dụng rượu gây hại: nghĩa là uống rượu gây hại cho cơ thể.
- Lạm dụng rượu: là thuật ngữ để chỉ tình trạng tiếp theo của sử dụng rượu gây hại. Bệnh nhân vẫn tiếp tục uống rượu khi đã có các tác hại về mặt cơ thể và tâm thần do rượu gây ra.
- Mất năng lực do uống rượu: là thuật ngữ dùng để chỉ bất kỳ tác hại nào về mặt cơ thể, tâm thần và xã hội do uống rượu quá nhiều gây ra.
- Phụ thuộc rượu: là thuật ngữ để chỉ các hiện tượng sinh lý và tâm lý nhất định được tạo ra do uống rượu lặp đi, lặp lại lâu ngày (bao gồm hội chứng cai rượu và thèm rượu mãnh liệt). Ngoài ra, bệnh nhân còn có hiện tượng dung nạp đối với rượu.
- Dung nạp rượu: là trạng thái trong đó bệnh nhân sau một thời gian dài liên tục uống rượu có hiện tượng giảm tác dụng của rượu. Khi đó họ phải tăng liều để giữ nguyên hiệu quả của rượu.
- Trạng thái cai rượu: là một nhóm các triệu chứng và dấu hiệu xảy ra khi bệnh nhân giảm đáng kể số lượng rượu uống hoặc ngừng uống rượu, các triệu chứng và dấu hiệu này diễn ra trong một thời gian nhất định.
- Mất trí bền vững do rượu: là thuật ngữ để chỉ tình trạng mất trí xảy ra trên bệnh nhân nghiện rượu lâu năm, hiện giờ đã cai rượu.
Y học ngày nay vẫn coi nghiện rượu là một bệnh mạn tính, vì bệnh nhân uống rượu hàng ngày, lượng rượu này ảnh hưởng đến não, gan, tim mạch… từ đó gây ra các rối loạn về tâm thần và các tổn thương ở các hệ thống tiêu hoá, tim mạch…
Xã hội cũng coi những người nghiện rượu là gánh nặng vì họ mất khả năng lao động, hay gây rối trật tự công cộng, tổn thương các mối quan hệ trong gia đình, gây ra các tai nạn giao thông, sống bê tha, nhân cách suy đồi.
Không nên nhầm lẫn giữa nghiện rượu với say rượu trong sinh hoạt thường ngày. Người nghiện rượu có các dấu hiệu bệnh cơ thế và tâm thần rõ ràng hơn. Tuy nhiên, cần biêt rằng say rượu thường xuyên là giai đoạn đầu của nghiện rượu. Những người say rượu đều có biến đổi nhân cách và suy thoái về đạo đức xã hội.
Mục lục
LẠM DỤNG RƯỢU
Ở nước ta, tổng kết các báo cáo tại Hội nghị “Sơ kết nghiên cứu dịch tễ, lâm sàng lạm dụng rượu” tổ chức năm 1994 tại Hà Nội cho thấy số người lạm dụng rượu chiếm tỷ lệ cao trong dân chúng. Tỷ lệ lạm dụng rượu trong thành phố là từ 5% đến 10,4%, cao hơn rõ rệt khu vực nông thôn (0,57-1,2% dân số).
Theo Hội Tâm thần học Mỹ (năm 1994), lạm dụng rượu phải thoả mãn một số tiêu chuẩn sau:
- Hình thức sử dụng rượu không thích hợp gây ra một số biến đổi về chức năng hoặc một sự chịu đựng có ý nghĩa lâm sàng đặc trưng bằng sự có mặt của ít nhất một trong những biểu hiện sau, xảy ra trong vòng 1 năm trở lại đây:
+ Sử dụng nhắc lại rượu dẫn đến mất khả năng thực hiện những nhiệm vụ quan trọng trong lao động, học tập và ở nhà.
+ Sử dụng nhắc lại rượu trong các tình huống có thể nguy hiểm về thể chất (bệnh tim mạch, loét dạ dày – tá tràng, bệnh viêm gan, xơ gan, lái xe hoặc lao động với các loại máy móc khi uống rượu).
+ Lặp lại những vấn đề về pháp luật liên quan đến sử dụng rượu (ví dụ bị bắt giữ vì có những hành vi không bình thường do uống rượu).
+ Sử dụng rượu mặc dù biết có những vấn đề dai dẳng hoặc tái diễn giữa cá nhân hoặc xã hội xảy ra kịch phát lên do tác động của rượu (mâu thuẫn gia đình, cơ quan, xã hội), bùng phát lên do rượu.
- Không có biểu hiện của sự phụ thuộc rượu.
NGHIỆN RƯỢU
Lạm dụng rượu dần sẽ dẫn tới nghiện rượu. Từ năm 1849, Nhà Tâm thần học Thụy Sỹ (Huss M.) đã sử dụng thuật ngữ “nghiện rượu” để chỉ những người uống rượu thường xuyên với số lượng lớn dẫn đến các vấn đề về sức khỏe cơ thể và tâm thần. Ngày nay người ta coi nghiện rượu là một bệnh mạn tính, có nhiều nguyên nhân và các yếu tố thúc đẩy khác nhau. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến khác nhau về định nghĩa nghiện rượu.
- Theo Pouquet (năm 1951) gọi là nghiện rượu khi các bệnh nhân đã dùng rượu bị mất tự do vì rượu. Định nghĩa này tuy đã nêu được sự lệ thuộc vào rượu của người nghiện, nhưng còn mơ hồ, không tiêu chuẩn hoá cụ thể được.
- Jellinek (năm 1960) định nghĩa: nghiện rượu là những người mà sử dụng rượu nhiều đến mức có hại cho bản thân, cho xã hội. Định nghĩa này lấy hậu quả có hại của rượu làm thước đo, nhưng rất khó chuẩn hoá thế nào là có hại cho bản thân và cho xã hội, vì vậy khó áp dụng vào trong thực tế.
- Tác giả Hardy p. (năm 1994) định nghĩa: nghiện rượu về mặt xã hội là tất cả những hình thái uống rượu vượt quá việc sử dụng thông thường và truyền thông. Định nghĩa này nêu được sự khác biệt về tập quán, thói quen uống rượu ở các cộng đồng dân cư khác nhau, tuy nhiên cũng như các định nghĩa nêu trên, còn rất mơ hồ và chung chung, vì chúng ta không thể hiểu chính xác thế nào là uống rượu thông thường và truyền thông.
- Năm 1994, Viện Hàn lâm khoa học Pháp xác định: nghiện rượu là uống hàng ngày vượt quá lml cồn tuyệt đối cho 1kg thể trọng hoặc 750ml rượu vang 10 độ cồn cho người đàn ông nặng 70kg. Theo định nghĩa này có thể hiểu một người nặng 60kg, nếu uống mỗi ngày trên 60ml cồn tuyệt đối thì người đó được coi là nghiện rượu. Định nghĩa này đơn giản, dễ hiểu và dễ áp dụng trong lâm sàng.
Trong thực tế, người ta không uống cồn tuyệt đối, các loại đồ uống có cồn có nồng độ cồn khác nhau. Vì thế khi tính toán lượng rượu uống, cần phải quy chuẩn ra cồn tuyệt đối. Ngày nay, nhiều tác giả khi nghiên cứu về nghiện rượu đã dùng rượu 40 độ cồn làm chuẩn để đánh giá lượng rượu uống trong ngày.
Hầu hết các công trình nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng để trở thành nghiện rượu, bệnh nhân cần uống mỗi ngày tối thiểu uống 300ml rượu 40 độ cồn, trong thời gian không dưới 10 năm. Tiêu chuẩn đánh giá nghiện rượu này hiện nay được áp dụng rộng rãi trong lâm sàng.
Năm 1977, Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra thuật ngữ hội chứng nghiện rượu để mô tả một nhóm triệu chứng xuất hiện ở một số người khi họ ngừng uống rượu. Các triệu chứng này thường là run nhiều, ảo giác thoáng qua, cơn co giật kiểu động kinh và sảng run. Có 7 triệu chứng chính của hội chứng nghiện rượu:
+ Cảm giác thôi thúc phải uống rượu: người nghiện rượu khi đã bắt đầu uống rượu thì không thể ngừng lại được. Nếu họ bỏ rượu, họ cảm thấy thèm mãnh liệt.
+ Thói quen uống rượu hằng ngày: người nghiện rượu uống rượu hết ngày này sang ngày khác. Họ uống rượu sau các khoảng thời gian nhất định để tránh hoặc làm nhẹ hội chứng cai.
+ Uống rượu được ưu tiên hơn các hành vi khác: với người nghiện rượu, uống rượu là vấn đề được ưu tiên hàng đầu, hơn cả sức khoẻ, gia đình, nhà cửa, nghề nghiệp và cuộc sống xã hội.
+ Có hiện tượng dung nạp rượu: với một nồng độ rượu trong máu bình thường, người nghiện rượu không bị ảnh hưởng. Họ cho rằng rượu đối với họ không thành vấn đề gì, nhưng thật ra quan niệm đó là sai bởi vì tăng dung nạp rượu là dấu hiệu quan trọng của sự tăng nghiện rượu. Đến giai đoạn cuối của nghiện rượu, sự dung nạp rượu tụt xuống và người nghiện rượu trở nên mất năng lực chỉ sau khi uống một lượng rượu nhỏ.
+ Lặp đi lặp lại hội chứng cai rượu: hội chứng cai rượu xảy ra với một người uống rượu nhiều trong thời gian nhiều năm, các triệu chứng xuất hiện khi nồng độ rượu trong máu tụt xuống. Các triệu chứng này xuất hiện khi thức giấc sau một đêm không được uống rượu.
+ Uống rượu buổi sáng: người nghiện rượu uống rượu ngay khi ngủ dậy để ngăn chặn hội chứng cai. ở hầu hết các nền văn hoá, uống rượu vào buổi sáng sớm bị coi là nghiện rượu.
+ Tái nghiện trở lại: những người nghiện rượu nặng sẽ dễ dàng tái nghiện sau một thời gian cai rượu. Khi được uống rượu họ sẽ nhanh chóng tái nghiện chỉ sau vài ngày uống rượu.
Theo WHO năm 1993, nghiện rượu là nhu cầu thèm muốn đòi hỏi thường xuyên uống đồ có cồn, hình thành thói quen, rối loạn nhân cách, giảm khả năng lao động và ảnh hưởng đến sức khoẻ.
MỨC ĐỘ PHỔ BIẾN CỦA NGHIỆN RƯỢU
Nghiện rượu và say rượu bệnh lý là một trong những vấn đề y tế-xã hội rất quan trọng. Mức độ phổ biến của chúng trong nhân dân khá rộng rãi và ngày càng gia tăng. Ở các nước công nghiệp phát triển, tỷ lệ nghiện rượu và say rượu bệnh lý chiếm từ 10-100 người trong 1000 dân (1-10% dân số).
Các tài liệu của WHO nghiên cứu ở 15 nước công nghiệp phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Đan Mạch,… cho thấy tỷ lệ nghiện rượu ngày càng tăng cao. Ví dụ như trước năm 1929 tỷ lệ nghiện rượu ở quốc gia này chỉ là 0,03%, năm 1940 tăng lên 0,33% và năm 1975 tăng lên 1,23% dân số. Nghiện rượu ở phụ nữ và người trẻ tuổi ngày càng tăng. Hiện nay, tỷ lệ nghiện rượu trong nhân dân ở các nước phương Tây tăng lên so với trước chiến tranh thế giới thứ hai khoảng 2-2,5 lần. Mức độ phổ biến trung bình trong nhân dân ở người trưởng thành từ 1-10% dân số.
Theo Ades J. (năm 1990), ở Pháp có khoảng 5 triệu người nghiện rượu, trong số đó có khoảng 600.000 phụ nữ.
Năm 1984, ở Liên Xô (cũ), người nghiện rượu được quản lý trong các dixpancer là 520 ngàn người thì đến năm 1986 tăng lên 532 ngàn người. Theo tài liệu của Yu.p. Lisishun, cứ 3-4 người lạm dụng rượu thì có 1 người bị bệnh nghiện rượu. Điều đó cho thấy giữa lạm dụng rượu và bệnh nghiện rượu có mối . quan hệ mật thiết với nhau.
Theo thống kê năm 1980 ở một số nước cho thấy nghiện rượu chiếm một tỷ lệ đáng kể trong dân chúng: ở Anh là 4,5% dân số) Đức là 4,5%, Pháp 4%, Liên Xô (cũ) là 5%. Các số liệu mới đây cho thấy ở Australia và New Zealand cho thấy 1/5 nam và 1/10 nữ lạm dụng rượu, tỷ lệ nghiện rượu là 4% ở nam và 1% ở nữ.
Trên phạm vi toàn thế giới, kể cả những nước mà rượu bia bị cấm kỵ, người ta nhận thấy việc tiêu thụ rượu bia có chiều hướng tăng lên trong thập kỷ vừa qua. Chính vì thế mà tỷ lệ những người nghiện rượu ngày càng tăng cao.
Đầu những năm 90, để có được một bệnh nhân loạn thần do rượu minh họa cho học sinh tại Khoa Tâm thần – Bệnh viện 103 không phải là dễ. Nhưng ngày nay, hàng ngày tại Khoa luôn có bệnh nhân loạn thần do rượu đến khám và điều trị. Có thời điểm, hơn 1/3 số bệnh nhân điều trị nội trú trong khoa là loạn thần do rượu. Điều này cũng phản ánh phần nào rằng số người nghiện rượu đang tăng lên trong những năm gần đây.
Ở nước ta, tổng kết các báo cáo tại hội nghị “Sơ kết nghiên cứu dịch tễ, lâm sàng lạm dụng rượu” tổ chức năm 1994 tại Hà Nội cho thấy số người nghiện rượu ở thành phố là 1,16-3,61% dân số, còn ở nông thôn là 0,13-2% dân số.
HẬU QUẢ CỦA LẠM DỤNG RƯỢU VÀ NGHIỆN RƯỢU
Nghiện rượu và lạm dụng rượu không những để lại hậu quả nghiêm trọng cho chính bản thân người sử dụng rượu mà còn để lại những hậu quả về mặt kinh tế và an ninh toàn xã hội.
- Hậu quả đối với cá nhân
Rượu sau khi vào cơ thể sẽ được phân bổ đến hầu hết các cơ quan, nội tạng. Việc lạm dụng rượu lâu ngày sẽ từng bước ảnh hưởng đến chức năng các cơ quan nội tạng, phát sinh ra các rối loạn và bệnh lý khác nhau.
Theo Ades J. (năm 1990), lạm dụng rượu và nghiện rượu là nguyên nhân trực tiếp gây ra 25% số bệnh tật nói chung. Riêng chẩn đoán nghiện rượu đã chiếm 4,5% số bệnh nhân điều trị trong các bệnh viện đa khoa. Còn Steudler F. (năm 1985) lại cho rằng có đến 30% những bệnh nhân nằm viện có các rối loạn liên quan đến rượu. Trong bệnh khoa tâm thần, tại Pháp (năm 1982), nghiện rượu mạn tính chiếm 22% số bệnh nhân (34% nam giới và 8% nữ giới).
Theo các báo cáo tại Hội nghị “Sơ kết nghiên cứu dịch tễ, lâm sàng lạm dụng rượu”, tỷ lệ những người lạm dụng rượu gây hậu quả xấu về sức khoẻ trong các bệnh nội khoa giao động từ 0,7% đến 34%, trong bệnh thần kinh là 30-40%, còn trong các bệnh tâm thần là từ 50-74%.
Năm 1996, Lâm Xuân Điền và cộng sự điều tra tại 5 bệnh viện đa khoa tại Thành phố Hồ Chí Minh thấy 17,1% số bệnh nhân có sử dụng rượu, trong số đó các bệnh về tiêu hoá là 20,9%, các bệnh về cơ khớp là 19,2%, các bệnh hô hấp là 11,6%, bệnh nhiễm trùng là 8,1% và bệnh tim mạch là 7,0%.
- Các tổn hại về mặt xã hội
Uống rượu quá nhiều gây tổn hại sâu sắc cho xã hội và cho gia đình. Đó là các mâu thuẫn trong hôn nhân cùng các căng thẳng trong gia đình… là không tránh khỏi. Tỷ lệ ly hôn ở các gia đình có người nghiện rượu là rất cao, vợ của người nghiện rượu dễ bị lo âu, trầm cảm và bị cô lập về xã hội. Một số người đã phải uống thuốc ngủ tự tử do đã nguyền rủa người chồng nghiện rượu của mình. Không khí căng thẳng trong gia đình là rất bất lợi cho những đứa trẻ, chúng thường xuyên bị bố mẹ chửi mắng, đánh đập cũng như không được chăm sóc tử tế. Những đứa con của người nghiện rượu có nguy cơ cao bị rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi, học tập sút kém ở trường học. Người nghiện rượu mất dần khả năng lao động: họ thực hiện công việc với chất lượng rất thấp, hay vi phạm kỷ luật để cuối cùng bị đuổi việc.
Uống rượu liên quan chặt chẽ đến tai nạn giao thông: khoảng 1/3 số lái xe gây tai nạn là do uống rượu, vào buổi tối thì tỷ lệ này là 50%, còn vào ngày nghỉ thì tỷ lệ lái xe gây tai nạn do uống rượu là 75%. Phần lớn số lái xe này là những người trẻ tuổi.
Tại Pháp, theo Ades J. (năm 1990) thì lạm dụng rượu là nguyên nhân gây ra 15% số vụ tai nạn gia thông với các thiệt hại to lớn về con người và vật chất. Người ta nhận thấy 27,9% số nam giới và 37,7% số nữ giới điều trị tại 21 bệnh viện tại Pháp từ tháng 12-1982 đến tháng 4-1983 do tai nạn giao thông vì nghiện rượu mạn tính. Ngoài ra, nghiện rượu còn phải chịu trách nhiệm trong 15% số vụ tai nạn lao động (khoảng 230000 trường hợp/năm) và 25% số vụ tai nạn gia đình. Người ta còn cho rằng lạm dụng rượu và nghiện rượu là nguyên nhân gây ra 19% số vụ tội ác. Nhiều ý kiến cho rằng nghiện rượu và lạm dụng rượu là nguyên nhân gây ra 60% số tử vong do tai nạn giao thông, 10-20% số tử vong do tai nạn lao động, 25% số tử vong do tự sát. Theo ước tính, ở Pháp mỗi năm có 60000-70000 người chết do rượu.
Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp các bệnh lý do rượu là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 gây tử vong sau bệnh tim mạch và ung thư.
Ở Việt Nam, theo các báo cáo của Hội nghị “Sơ kết nghiên cứu dịch tễ, lâm sàng nghiện rượu” cho thấy trong số người lạm dụng rượu và nghiện rượu thì 31% mất việc làm, 8-18% tan vỡ gia đình, 5-20% gây tai nạn cho người khác, 5-34% tự gây tai nạn cho mình, 5-25% số phạm pháp bị bắt giữ. Trong số những người lạm dụng rượu, 45-68,5% bị sa sút về kinh tế.
Uống rượu nhiều liên quan đến tăng tỷ lệ tội phạm như ăn cắp, lừa đảo, bán dâm, cướp giật, giết người. Phần lớn trong số họ đã uống rượu trước khi gây án. Tuy nhiên, chúng ta chưa hiểu cặn kẽ cần uống bao nhiêu rượu, trong thời gian bao lâu để gây phạm tội.
Bất cứ ai uống rượu quá nhiều đều có nguy cơ trở thành nghiện rượu nếu uống trong một thời gian đủ dài. Thời gian đủ dài là bao nhiêu thì đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Thông thường, bệnh nhân cần uống rượu trên 10 năm để trở thành nghiện rượu. Cá biệt, những trường hợp uống rượu quá nhiều thì chỉ cần uống rượu trên 5 năm là đã trở thành nghiện rượu.
Theo Hội Sinh lý Hoàng gia Anh (1987), lượng rượu uống được coi là an toàn là 21 đơn vị/tuần với nam và 14 đơn vị/tuần với nữ (một đơn vị rượu bằng 8g cồn nguyên chất), nhưng họ không uống một lúc số lượng rượu trên; hơn nữa, thỉnh thoảng phải có ngày họ không uống rượu. Lượng rượu uống mỗi tuần từ 21-49 đơn vị với nam và 14-35 đơn vị với nữ được coi là có nguy cơ, cao hơn mức độ trên được coi là nguy hiểm. Cũng theo Hội Sinh lý Hoàng gia Anh, nếu uống trên 400g rượu nguyên chất với nam và 280g với nữ mỗi tuần thì mức độ gây hại tăng lên rõ ràng. Họ cũng khuyến cáo chỉ nên uống rượu dưới ngưỡng nêu trên.
Thật ra, nồng độ rượu không giống nhau ở các loại đồ uống có cồn, vì thế lượng cồn chứa trong các loại đồ uống trên cũng không giống nhau. Một chai bia 450ml có 1,5 đơn vị rượu, một chai rượu vang 700ml chứa 7 đơn vị rượu, còn chai rượu mạnh 700ml thì có tới 30 đơn vị rượu.