Chứng Phế Thận âm hư là chỉ Phế âm khuy tổn, bệnh lâu ngày liên lụy đến Thận, xuất hiện các chứng hậu âm tân của hai tạng Phế Thận bất túc. Phế lạc bị tổn hại và thủy suy hoả vượng; bệnh phần nhiều do tà nhiệt lưởng vưởng ở Phế, buồn thương quá độ, phòng lao buông thả gây nên.
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là khái thấu ít đờm hoặc trong đờm có lẫn máu, khàn tiếng, lưng đùi mỏi yếu, tâm phiền ít ngủ, xương nóng âm ỉ, sốt từng cơn, mồ hôi trộm, gò má đỏ, chất lưỡi đỏ ít rêu, mạch Tế Sác.
Chứng Phế Thận âm hư thường gặp trong các bệnh Khái thấu, Suyễn chứng, Thất âm, Hư lao, Tiêu khát.
Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Phế âm hư, chứng Táo tà phạm Phế, chứng Thận âm hư và chứng Can hoả phạm Phế.
Phân tích
– Chứng Phế Thận âm hư có thể gặp trong nhiều tật bệnh. Như gặp trong bệnh Khái thấu, vì nhiệt tà làm thương Phế, Phế lạc bị tổn hại, lâu ngày lan toả tới Thận liền biến thành chứng hậu Phế Thận âm hư. Đặc điểm của bệnh là khái thấu ít đờm, trong đờm có lẫn máu, ngũ tâm phiền nhiệt về đêm bệnh nặng hơn, họng khô ráo, có khi ù tai, choáng váng, cơ thể gầy còm, lưỡi đỏ ít rêu mạch Tế Sác; Điều trị nên tư dưỡng Thận âm, nhuận Phế chỉ khái, cho uống bài Nguyệt hoa hoàn (Y học tâm ngộ).
– Chứng Phế Thận âm hư gặp trong Suyễn chứng, có thể do khái Suyễn lâu ngày bệnh Phế liên lụy tới Thận, kim không sinh thủy, bệnh mẹ liên lụy đến con, gây nên Phế Thận âm hư, lâm sàng thấy các chứng trạng suyễn gấp, đng làm thì bệnh tăng, tinh thần mệt mỏi họng khô lưỡi ráo, lưỡi đỏ ít rêu, mạch Trầm Tế hoặc thấy Nhược ở bộ Xích; Điều trị theo phép tư âm nạp khí, chọn dùng bài Sinh mạch tán (Nội ngoại thương biện hoặc luận) hợp với bài Thất vị đô khí hoàn (Y tông kỷ nhiệm biên).
– Chứng Phế Thận âm hư gặp trong bệnh Thất âm – mất tiếng, phần nhiều do táo hóa thương âm, tân dịch bị hun đốt, bệnh mắc đã lâu thì Phế Thận đều suy, sự thanh túc của Phế kinh yếu kém, Thận âm không có khả năng dâng lên, cho nên khàn tiếng họng ráo, phần nhiều kiêm chứng ho khan ít đờm, hư phiền không ngủ được, lòng bàn tay chân nóng, lưng đùi mỏi yếu, lưỡi đỏ, mạch Tế Sác; Điều trị nên dưỡng âm nhuận Phế, hoá đàm, dùng bài Bách hợp cố kim thang (7 phương tập giải).
Trong bệnh Hư lao gặp chứng Phế Thận âm hư, là do ốm lâu dẫn đến lao, tổn hại đến phần âm của Phế Thận, có chứng trạng, mỏi lưng, triều nhiệt, váng đầu ù tai, họng ráo ho khan khạc ra huyết, lưỡi sáng ít tân dịch, mạch Tế Sác; Điều trị nên dưỡng Âm nhuận Phế, tư Thận ích tinh, cho uống bài Chửng âm lý lao thang (Y tôn tất độc) phối hợp với Đại bố nguyên tiễn (Cảnh Nhạc toàn thư).
– Chứng Phế Thận âm hư gặp trong bệnh Tiêu khát, phần nhiều do táo nhiệt phạm Phế hoặc do buông thả tình dục, tinh khí khuy hư. Thận âm bị hao, dẫn đến Phế Thận âm hư, Phế mất chức năng trị tiết, sự nhiếp nạp của Thận khống bền, mất tác dung co thắt, thủy dịch dồn thẳng xuống, theo đó mà khát nhiều, tiểu nhiều thành bệnh tiêu khát; Điều trị theo phép nhuận Phế tư Thận, sinh tân dịch khỏi khát, chọn dùng bài Nhị đông thang (Y học tâm ngộ) và lục vị địa hoàng hoàn (Tiểu nhi dược chứng trực quyết) gia giảm.
Chứng này thường gặp nhiều ở người ốm lâu hoặc người cao tuổi âm hư, hoặc giai đoạn cuối của nhiệt bệnh, táo nhiệt hun đốt âm dịch, liên lụy đến hai tạng Ph mà hình thành Phế Thận âm hư.
Chẩn đoán phân biệt
– Chứng Phế âm hư với chứng Phế Thận âm hư, cả hai đều do tà nhiệt làm thương Phế gây nên, đều có các chứng về Phế âm bất túc, âm hư hoả vượng. Nói chung, loại sau khá nặng, loại trước khá nhẹ.
Chứng Phế Thận âm hư do ho lâu hại Phế, hoặc phòng lao quá độ mà hình thành. Trên lâm sàng ngoài chứng trạng, miệng ráo họng khô và khàn tiếng, còn có cả chứng trạng Thận không nạp khí như đoản hơi không đủ để thở, hễ động làm thì bệnh tăng, tâm phiền không ngủ được, xương nóng âm ỉ và triều nhiệt, lưng đùi ê mỏi, mồ hôi trộm, nam giới thì biểu hiện di tinh, nữ giới kinh nguyệt không đều v.v… Phế âm hư chỉ riêng một tạng Phế âm hư bệnh tình tương đối ngắn, do lao tổn ho lâu tổn Phế âm gây nên; Âm dịch của Phế bất túc, mất đi chức năng thanh nhuận túc giáng, cho nên ho khan ít đàm, mất tiếng ngứa họng, nhưng không có chứng trạng Thận không nạp khí.
– Chứng Táo tà phạm Phế với chứng Phế Thận ám hư: Chứng táo tà phạm Phế thuộc Thực chứng, phần nhiều gặp ở mùa thu, táo tà hại người, hoặc là cảm nhiễm phong hàn, uất lại hoá nhiệt hoá táo, hun đốt tân dịch ở Phế mà thành bệnh. Chứng Phế Thận âm hư phần nhiều gặp ở người bệnh nặng hoặc sau khi ốm lâu bị hao thương âm dịch.
Bệnh biến chứng táo tà phạm Phế là ở Phế, bệnh tình khá nhẹ, bệnh trình khá ngắn, cơ chế bệnh khá đơn thuần; Biểu hiện lâm sàng là ho khan ít đờm, thở thô thở suyễn, họng khô ráo, hoặc thấy các chứng trạng phát sốt, khát nước, họng sưng đau, mũi khô hoặc chảy nước mũi, táo bón, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô, mạch Sác. Chứng Phế Thận âm hư liên lụy đến hai tạng, bệnh tình khá nặng, bệnh trình khá dài.
– Chứng Thận âm hư với chứng Phế Thận âm hư: Chứng Thận âm hư đa số gặp ở người cơ thể hư yếu, gò má đỏ, triều nhiệt, mồ hôi trộm, váng đầu ù tai, kém ngủ hay quên, lưng đùi yếu mỏi, hơn nữa thường dẫn đến âm hư sinh nội nhiệt, có thể thấy các chứng trạng họng khô lưỡi ráo, đại tiện bế kết, tiểu tiện sẻn đỏ lưỡi đỏ ít rêu, mạch Trầm Tế. Chứng Phế Thận ám hư thì ngoài chứng trạng của âm hư, còn biểu hiện các bệnh biến ở Phế bộ như chứng trạng khái thấu, ít đàm v.v…
– Chứng Can hoả phạm Phế với chứng Phế Thận âm hư: Can thể Âm mà dụng Dương, vì tình chí làm tổn thương Can mất sự điều đạt, sơ tiết mất chức năng, uất lại hoá hoả, Can hoả bốc lên tổn thương đường lạc của Phế, làm hao tổn tân dịch. Chứng Can hoả phạm Phế có thể thấy các chứng trạng đau sườn, khí nghịch lên mà Suyễn, đờm ít mà vàng dính, đầu choáng mắt đỏ, phiền nhiệt đắng miệng, khát nước, gò má đỏ tía, rêu lưỡi vàng ráo, mạch Huyền Sác. Chứng Phế Thận âm hư thì Phế âm bất túc, Thận thủy khuy tổn, thường gặp các chứng trạng khái suyễn khạc ra máu, đoản hơi, động làm thì suyễn nặng, về chiều nóng từng cơn, mồ hôi trộm, lưng đùi mỏi v.v… Căn cứ vào đó mà chẩn đoán phân biệt.
Trích dẫn y văn
…Không biết trăm bệnh sinh ra từ Thận… Thận thủy rỗng không, không khả năng dẹp được Tâm hoả; Tâm hoả tự do bốc lên làm hại Phế kim, làm tuyệt các nguồn của Thận thủy Kim Thủy suy vi không thắng nổi Can Mộc, Can mộc thịnh thì khắc Tỳ Thổ mà lại sinh hoả. Hoả vượng một mình mà không có sự sinh hoá, cho nên Dương có chỗ hữu dư mà âm có chỗ bất túc, phát bệnh chỉ có nhiệt nhưng không kéo dài (Hư lao – Vạn bệnh hồi xuân).