MA HOÀNG
Herba Ephedrae
Bộ phận trên mặt đất đã phơi hoặc sấy khô của cây thảo Ma hoàng (Ephedra sinica Staff.), Mộc tặc ma hoàng (Ephedra equisetina Bunge.), Trung gian ma hoàng (Ephedra intermedia Schrenk. et C. A. Meyer); họ Ma hoàng (Ephedraceae).
Mô tả
Thảo ma hoàng: Là những nhánh hình trụ tròn, đường kính 1 – 2 mm, ít phân nhánh. Mặt ngoài màu xanh lá cây nhạt đến xanh vàng, có nhiều rãnh dọc, hơi ráp tay. Thân chia thành nhiều đốt và dóng rõ, mỗi dóng dài 2,5 – 3 cm; lá hình vẩy nhỏ, dài 3 – 4 mm, mọc đối ít khi mọc vòng, phía trên đầu lá nhọn và cong. Thể chất giòn, dễ gẫy, vết bẻ có xơ, ruột có màu nâu đỏ. Mùi thơm nhẹ. Vị hơi đắng, chát.
Mộc tặc ma hoàng: Thân có đường kính 1 – 1,5 mm, không ráp tay, thường phân nhánh nhiều. Dóng dài 1 – 3 cm. Lá là những vẩy hình tam giác, dài 1 – 2 mm, màu trắng xám, đầu lá không cuộn lại; ruột có màu đỏ nâu đến nâu đen.
Trung gian ma hoàng: Đường kính 1,5 – 3 mm, thường phân nhánh, ráp tay, dóng dài 2 – 6 cm. Lá là vẩy dài 2 – 3 mm, thường mọc vòng, đầu lá nhọn.
Vi phẫu
Thảo Ma hoàng: Biểu bì ngoằn ngoèo, có lớp cutin dày, lỗ khí thường ở những chỗ lõm. Tại các góc lồi nằm sát biểu bì có những bó sợi thành rất dày không hoá gỗ. Vùng mô mềm vỏ khá rộng, có những bó sợi nhỏ nằm rải rác. Trụ bì có hình uốn khúc và ở dưới những góc lồi có những bó sợi. Vòng libe-gỗ gồm 8 – 15 bó, libe ở phía ngoài, gỗ ở phía trong (mạch gỗ chưa phân hoá). Mô mềm, ruột chứa những khối có màu nằm rải rác, đôi khi có những đám sợi.
Mộc tặc ma hoàng: Có 8 – 10 bó sợi ở vùng trụ bì. Tầng sinh libe – gỗ là một vòng liên tục. Không có sợi trong ruột.
Trung gian ma hoàng: Có 12 – 15 bó sợi nằm ở vùng trụ bì. Tầng sinh libe – gỗ có dạng tam giác. Sợi trong mô mềm ruột nằm rải rác, riêng lẻ hay thành bó.
Bột
Màu vàng xanh hay vàng nâu. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh biểu bì thân mang lỗ khí, lớp cutin có u lồi. Sợi dài có vách dày nằm riêng lẻ hay chụm thành bó. Mảnh mô mềm gồm có những tế bào hình chữ nhật, thành mỏng. Khối màu cam, nâu, nâu đen. Mảnh mạch vạch có kích thước nhỏ.
Định tính
A. Lấy 0,5 g bột dược liệu, thêm 5 ml nước và vài giọt dung dịch acid hydrocloric 5% (TT), đun sôi 2 – 3 phút. Lọc. Chuyển dịch lọc vào một bình gạn, thêm vài giọt amoni hydroxyd đậm đặc (TT) để kiềm hoá, rồi chiết với 5 ml cloroform (TT). Gạn dịch cloroform vào hai ống nghiệm.
Ống 1 thêm dung dịch đồng (II) clorid kiềm (TT) và carbon disulfid (TT), mỗi loại 5 giọt, lắc đều và để yên, lớp cloroform có màu vàng đậm.
Ống 2 dùng để làm ống kiểm chứng, thêm 5 giọt cloroform (TT) thay vì carbon disulfid, lắc đều và để yên, lớp cloroform không có màu hay có màu vàng rất nhạt.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng.
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Cloroform – methanol – amoni hydroxyd đậm đặc (20: 5: 0,5).
Dung dịch thử: Lấy 1 g bột dược liệu, thêm vài giọt amoni hydroxyd đậm đặc (TT) và 10 ml cloroform (TT), đun hồi lưu 1 giờ, lọc. Bốc hơi dịch lọc tới cắn, thêm 2 ml methanol (TT) vào cắn rồi khuấy đều. Lọc, được dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Hoà tan một lượng ephedrin chuẩn trong methanol (TT) để được dung dịch có nồng độ 1 mg/ml.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 ml mỗi dung dịch trên, triển khai sắc ký xong, để khô bản mỏng ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch ninhydrin (TT) và sấy ở 105oC khoảng 5 phút. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có vết cùng màu sắc và giá trị Rf với vết ephedrin trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm
Không quá 10%.
Tro toàn phần
Không quá 10%.
Tro không tan trong acid hydrocloric
Không quá 2%.
Tỷ lệ vụn nát
Không quá 5%.
Tạp chất
Không quá 1%.
Định lượng
Cân chính xác khoảng 5 g bột dược liệu cho vào bình Soxhlet, thêm 3 ml amoni hyroxyd đậm đặc (TT), 10 ml ethanol (TT) và 20 ml ether (TT). Để yên 24 giờ, thêm ether (TT) và đun hồi lưu trên cách thuỷ trong 4 giờ cho đến khi hết alcaloid. Chuyển dịch chiết vào một bình gạn, rửa bình chiết bằng một lượng nhỏ ether (TT). Lắc dịch chiết với dung dịch acid hydrocloric 0,5 M (TT) lần đầu 20 ml, sau đó lắc tiếp 4 lần, mỗi lần 10 ml. Gộp hết dịch acid lại, kiềm hoá bằng dung dịch natri hydroxyd 40% (TT), bão hoà bằng natri clorid (TT), lắc với ether (TT) lần đầu 20 ml và 4 lần tiếp theo mỗi lần 10 ml. Gộp các dịch ether lại, rửa 3 lần mỗi lần 5 ml dung dịch natri clorid bão hoà (TT). Gộp các nước rửa lại và lắc với 10 ml ether (TT). Gộp hết các dịch ether lại, thêm chính xác 30 ml dung dịch acid sulfuric 0,01 M (CĐ), lắc đều, để yên lớp acid trong bình gạn cho phân lớp; lấy riêng lớp acid cho vào bình nón 250 ml, dịch ether được rửa 3 lần, mỗi lần với 5 ml nước. Gộp nước rửa vào bình nón đựng acid trên, đun cách thuỷ đuổi hết ether và để nguội, chuẩn độ acid thừa bằng dung dịch natri hydroxyd 0,02 M (CĐ), dùng 2 giọt đỏ methyl làm chất chỉ thị màu. 1 ml dung dịch acid sulfuric 0,01 M (TT) tương đương với 3,305 mg ephedrin (C10H15NO). Dược liệu phải chứa không dưới 0,8% alcaloid toàn phần tính theo ephedrin C10H15NO.
Chế biến
Thu hoạch vào mùa thu, khi thân còn hơi xanh, cắt về, phơi khô, bó lại thành từng bó.
12pt;margin: 0cm 0cm 0pt;text-align: justify">
Bào chế
Ma hoàng: Bỏ phần gốc thân hoá gỗ, rễ còn sót và tạp chất, cắt đoạn, phơi khô.
Mật ma hoàng: Lấy Ma hoàng, thêm mật ong và ít nước sôi, tẩm đều, ủ một lúc rồi sao nhỏ lửa cho đến khi sờ không dính tay, lấy ra để nguội. Cứ 100 kg Ma hoàng dùng 20 kg mật ong.
Bảo quản
Để nơi khô, thoáng, tránh ẩm.
Tính vị quy kinh
Tân, vi khổ, ôn. Vào các kinh phế, bàng quang.
Công năng, chủ trị
Phát hãn giải biểu hàn, chỉ ho, bình suyễn, lợi thuỷ. Chủ trị: Cảm mạo phong hàn, dương thuỷ; ngực tức, ho suyễn, hen phế quản, phù thũng.
Ma hoàng chích mật: Nhuận phế giảm ho; thường dùng trong trường hợp biểu chứng đã giải song vẫn còn ho suyễn.
Sinh ma hoàng: Phát hãn giải biểu.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 4 – 12 g, dạng thuốc sắc, thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Kiêng kỵ
Dương hư tự ra mồ hôi, không nên dùng.
https://hoibacsy.vn/