Loãng xương là tình trạng giảm chất lượng xương, biến đổi vi cấu trúc dẫn đến giảm sức bền của xương, làm cho xương giảm khả năng thích nghi với các điều kiện hoạt động của cơ thể con người trong mọi tình huống, hậu quả làm cho xương kém bền vững, giòn và dễ gãy. Gãy xương do loãng xương xảy ra khi chỉ có tác động của lực chấn thương nhẹ đã có thể gây gãy xương. Tùy từng vị trí xương bị gãy mà gây hậu quả lâm sàng khác nhau trong đó gãy cổ xương đùi gây hậu quả nặng nề nhất do làm mất khả năng vận động, lâu liền xương, bệnh nhân phải nằm bất động kéo dài dẫn đến tăng nguy cơ tàn phế và tử vong. Loãng xương là bệnh diễn biến thầm lặng không có các biểu hiện lâm sàng rõ rệt, bệnh nhân không biết mình bị bệnh và thầy thuốc không chú ý, khó khăn trong việc xác định chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Khi bệnh loãng xương biểu hiện bằng gãy xương thì thường là bệnh đã ở giai đoạn muộn, vì vậy các biện pháp điều trị dự phòng tỏ ra kém hiệu quả.
Bệnh loãng xương hiện nay đã được xem là vấn đề sức khỏe mang tính toàn cầu, được y học thế giới xếp vào một trong những căn bệnh của thế kỷ 21, bởi ảnh hưởng của nó tới sức khỏe và tuổi thọ của con người, đặc biệt là người có tuổi. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới đã chọn ngày 20/10 hàng năm là ngày “Quốc tế phòng chống loãng xương“
Hiện nay tuổi thọ của con người được nâng cao, số người trên 65 tuổi ngày càng nhiều và chiếm một tỷ lệ dân số đáng kể, do đó số người mắc loãng xương sẽ ngày càng tăng. Trên thế giới cứ 5 phụ nữ thì có 3 người bị loãng xương sau độ tuổi 50. Riêng tại Việt Nam, theo thống kê năm 2011, cả nước có 2.8 triệu người bị loãng xương, trong đó 70% là phụ nữ, dự báo đến năm 2030, số người bị loãng xương ở Việt Nam có thể sẽ lên đến 4,5 triệu người. Biến chứng do loãng xương nguy hiểm không kém nhồi máu cơ tim và đột quỵ với tỉ lệ tử vong 20% và thương tật vĩnh viễn đến 50%.
Loãng xương là tình trạng chất lượng xương giảm đi dẫn đến dễ bị gãy xương đột ngột và gãy xương tự nhiên mà không liên quan nhiều đến yếu tố chấn thương nặng. Giảm mật độ xương (osteopenia) là tình trạng thay đổi cấu trúc xương làm giảm mức độ cứng, chắc của xương và là giai đoạn sớm cuối cùng gây loãng xương và gãy xương.