Mục lục
Tên khác:
Giả tô, Khương giới (Biệt Lục), Thử minh (Bản Kinh), Kinh giới huệ, Kinh giới thán, Nhất niệp kim, Tái sinh đơn, Như thánh tán, Độc hành tán, Cử khanh cố bái tán, Tịnh giới (Hòa Hán Dược Khảo), Hồ kinh giới, Thạch kinh giới, Trân la kinh (Bản Thảo Cương Mục)
Mô tả cây:
Kinh giới là một loại cỏ, sống hằng năm, mùi rất thơm, cao 0,60 – 0,80m, thân vuông, phía gốc màu hơi tía, toàn cây có lông mềm ngắn. Lá mọc đối, lá dưới gốc không có cuống hay gần như không có cuống, xẻ sâu thành 5 thùy, lá phía trên cũng không cuống, xẻ 3 đến 5 thùy. Hoa tự mọc thành bông gồm những hoa mọc vòng ở mỗi đốt. Bông hoa dài 3 – 8cm, hoa nhỏ, màu tím nhạt. Quả hình trứng hay hình trái xoan, dài chừng 1mm, mặt bóng, màu nâu.
Địa lý:
Cây Kinh giới (Schizonepeta tenuifolia) chưa thấy mọc ở Việt Nam. Ở nước ta chỉ mới thấy trồng loại Kinh giới Elsholtzia Cristata để ăn và làm thuốc.
Thu hái:
Vào mùa thu, lúc hoa nở bông còn xanh, nhổ cả cây phơi hay sấy khô gọi là toàn Kinh giới, nhưng có nơi chỉ cắt hoa và cành, nếu cắt hoa phơi khô gọi là Kinh giới tuệ, nếu hái toàn cây trừ bỏ phần rễ thì gọí là Kinh giới.
Bộ phận dùng làm thuốc:
Toàn cây (Herba Schizonepetae). Thứ mầu tím nhạt, thân nhỏ, bông nhiều hoa dầy là tốt.
Mô tả dược liệu:
Cây thẳng đứng, hình trụ vuông, 4 mặt có rạch dọc, phần trên nhiều cành. Dài 50- 100cm, đường kính 0,3-0,5cm. Ngoài mặt mầu tím nhạt. Chất nhẹ, dòn, dễ bẻ gẫy, chỗ gẫy có tủy mầu trắng. Lá mọc đối, phiến lá se, thùy nhỏ, dài. Đầu cành mọc hoa tự tán vòng, hình trụ, mầu lục, dài 6,6cm-10cm, đường kính 0,6cm. Mùi thơm, vị hơi chát, cay và mát (Dược Tài Học).
Bào chế:
+ Bỏ tạp chất, rửa sạch, thái từng đoạn, phơi khô để dùng. Hoặc cho Kinh giới vào nồi, chảo, sao đen, phơi khô, để dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
+ Chặt ngắn, phơi hoặc sấy nhẹ đến thật khô, hoặc sao cháy (Dược Liệu Việt Nam).
+ Kinh giới thán: Lấy Kinh giới, cho vào nồi rang với lửa to cho thành mầu nâu đen nhưng còn tồn tính. Rẩy nước vào, lấy ra phơi khô để dùng (Dược Tài Học).
Bảo quản:
Đậy kín, để nơi khô ráo (Dược Liệu Việt Nam).
Khí vị:
Vị cay, tính ấm, không độc, là dương dược, tính thăng lên, vào Túc quyết âm kinh.
Chủ dụng:
Vào khí phận của Can kinh, lại kiêm vào huyết phận, phát hãn, giải nhiệt, giải cơ, thanh đầu mặt, lợi yết hầu, chữa sang chân, tê thấp, phá khí kết, chữa ghẻ lở, đinh phong thũng độc, kiêm trừ chứng trường phong, huyết lỵ, thổ huyết, nục huyết, thông huyết mạch, hạ ứ huyết, lương huyết, chỉ huyết, chữa sản hậu huyết vâng rất hay. Dùng Kinh giới tán nhỏ uống với Đồng tiện hoặc với Rượu.
Cách chế:
Lấy hoa đã thành hạt phơi cho khô để dùng, nên dùng thứ cũ, lâu năm, muốn sơ tán thì dùng sống, muốn cầm máu thì sao đen.
Nhận xét:
Kinh giới chữa phong, quan tướng quốc họ Cổ gọi là tái sinh đơn, ông Hứa học sĩ khen nó như thần, như thánh, ông Đái học sĩ cho nó là thuốc chủ yếu của bệnh sản hậu, ông Tiêu Tồn Kinh gọi nó là một nắm vàng, vô cớ làm gì có những danh hiệu như thế. Tuy nhiên khi dùng phải xét kỹ, người đời hễ gặp chứng phong bèn dùng Kinh giới, Phòng phong là thuốc sơ khí, tán phong cùng kèm cặp nhau, họ không biết phong ở ngoài da do Kinh giới làm chủ, không phải như Phòng phong nó chạy tới xương thịt của người
GIỚI THIỆU THAM KHẢO
“Kim quỳ dục”
bài Kinh giới ẩm
Kinh giới tuệ (sao), Hoàng cầm, Bồ hoàng (sao), mỗi vị 1 lạng, tán nhỏ, mỗi lần dùng 3 thìa sắc nước uống.
Trị bệnh thô ra huyết, không kể thời tiết nóng, lạnh.
“Vệ sinh bảo giám”
Bài Chính thiệt tán
Hùng hoàng, Kinh giới tuệ, hai vị bằng nhau, tán nhỏ, mỗi lần uống 2đ với Rượu.
Trị bệnh trúng phong, lười cứng không nói.
“Nhiếp sinh chứng diệu phương”
Bài Kinh phòng bại độc tán
Kinh giới, Độc hoạt, Sài hồ, Bạch linh, Phòng phong, đều 12g, Khương hoạt 12-30g, Xuyên khung, Tiền hồ, Cát cánh, Chỉ xác, đều 8g, Cam thảo 4g, Gường tươi 3 nhát, Bạc hà 6g. (Bạc hà để riêng, thuốc sắc sắp xong thì cho vào, sắc thêm vài phút là được).
Sắc, chia uống vài lần trong ngày. Có tác dụng phát tán phong hàn, giải nhiệt, chỉ thống.
Trị bệnh ngoại cảm phong, hàn, thấp, sốt, sợ lạnh, đau đầu, tay chân và toàn thân đau, ho có đờm, ngực và hông sườn đầy tức, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch phù sác.
“Tuyên minh luận”
Bài Phòng phong thông thánh tán
Đương quy, Bạch thược, Xuyên khung, Chi tử (nấu với Rượu), Liên kiều, Bạc hà, sinh Khương, Kinh giới, Phòng phong, Ma hoàng, Đại hoàng, Mang tiêu-đều 12g, Bạch truật, Cát cánh, Hoàng cầm, Cam thảo đều 15-20g, Thạch cao 25g, Hoạt thạch 40g. Cùng tán nhỏ, mỗi lần uống 8-12g với nước sắc Sinh Khương.
Có tác dụng: Giải biểu, thông lý, sơ thông thanh nhiệt.
Trị phong nhiệt đầy tắc, biểu lý đều thực, sợ lạnh, sốt cao, váng đầu, mắt đỏ đau, miệng đắng khô, ngực đầy trướng, suyễn, nôn mửa, đại tiện bí kết, tiểu ít, tiếu đỏ. Cũng dùng trị mụn nhọt thũng độc, trường phong trĩ lậu, điên cuồng.
Chú ý: Bài này lấy thanh, tả nhiệt là chính, giải biểu là phụ.