2.2.9. Kim ngân
Flos Lonicerae
Nụ hoa có lẫn một số hoa phơi hay sấy khô của cây Kim ngân (Lonicera japonica Thunb.) và một số loài khác cùng chi như Lonicera dasystyla Rehd.; L. confusa DC., L. cambodiana Pierre, họ Kim ngân (Caprifoliaceae).
Đặc điểm dược liệu
Kim ngân hoa: Nụ hoa hình ống, hơi cong queo, dài 2 – 5cm. Mặt ngoài màu vàng đến nâu, phủ đầy lông ngắn. Phía dưới ống tràng có 5 lá đài nhỏ, màu lục, trong nụ có 5 nhị và một vòi nhuỵ. Dược liệu có mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng.
Đặc điểm bột hoa
Bột màu vàng nhạt, vị hơi đắng. Soi kính hiển vi thấy: Lông che chở đơn bào thành dày, nhẵn (1), lông tiết. Những mảnh biểu bì (2) mang lông che chở. Mảnh mạch xoắn (3, 8). Mảnh cánh hoa mang tinh thể, mang các bó mạch xếp song song (4, 5, 6). Tinh thể calci oxalat hình cầu gai (7). Nhiều hạt phấn tròn, kích thước khoảng 0,07 – 0,08mm đứng riêng lẻ (9) hay tập trung thành đám (10). Mảnh biểu bì mang lỗ khí (11).
Kim ngân cuộng: Đoạn cành dài 3 – 5cm. Cành non có màu lục nhạt, phủ lông mịn, cành già màu nâu đỏ nhạt, nhẵn. Lá mọc đối, đôi khi mọc vòng 3 lá, lá hình trứng dài, đầu hơi tù, phía cuống tròn, cuống ngắn 2 – 3mm, cả hai mặt phủ lông mịn. Phiến lá nguyên hoặc răng cưa to như xẻ 3 thuỳ, vị hơi đắng.
Đặc điểm vi phẫu lá, thân Kim ngân
Vi phẫu lá
Phần gân lá: Gân trên lá hơi lồi, gân dưới lồi nhiều. Biểu bì trên và dưới cấu tạo bởi một hàng tế bào đều đặn, thành ngoài hoá cutin, mang các lông che chở. Mô dày trên và dưới cấu tạo bởi những tế bào tròn, thành dày.
Vi phẫu thân
Mặt cắt thân tròn, từ ngoài vào trong có: biểu bì cấu tạo bởi một hàng tế bào nhỏ xếp đều đặn, mang nhiều lông che chở đơn bào, mô dày gồm 2 – 3 hàng tế bào thành dày xếp sát dưới lớp biểu bì. Mô mềm vỏ cấu tạo từ những tế bào thành mỏng, phía trong mô mềm là các tế
bào có thành hoá gỗ đặc biệt tạo thành một vòng. Libe tạo thành vòng liên tục. Tầng phát sinh libe – gỗ nhìn không rõ. Gỗ gồm các mạch gỗ xếp thành hàng, các hàng tập hợp lại thành bó. Mô mềm ruột gồm các tế bào tròn, đa giác có thành hoá gỗ, càng vào phía trong kích thước tế bào lớn dần. Cành già thường có khuyết trung tâm, ở cành non cấu tạo từ các tế bào thành cellulose mỏng.