Khái niệm
Chứng Huyết ứ là tên gọi chung chỉ huyết đi không lưu thông thậm chí đình trệ ngưng đọng, hoặc huyết đã ly kinh ứ tích ở trong cơ thể ảnh hưởng đến sự vận hành của khí huyết mà phát sinh ra hàng loạt chứng trạng. Nguyên nhân phần nhiều do vấp ngã bị đòn, nội thương xuất huyết hoặc lao thương quá độ gây nên.
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của chứng ứ huyết, vì bộ vị ứ nghẽn khác nhau, nên có thể phát sinh các chứng trạng không giống nhau. Như ứ nghẽn ở Tâm, có thể làm cho đau vùng Tâm, ngực khó chịu, mồi miệng tím tái, ứ nghẽn ở phế thì ho ra huyết, đau vùng ngực, ứ nghẽn ở Vị Trường thì nôn ra huyết, đại tiện ra huyết, ứ nghẽn ở Can thì đau sườn có hòn khối, ứ nhiệt lấn Tâm có thể dẫn đến phát cuồng, ứ nghẽn ở Bào cung làm cho đau bụng dưới, kinh nguyệt không điều,hống kinh hoặc Bế kinh, sắc kinh tía đen có hòn cục hoặc Băng lậu. ứ nghẽn ở cục bộ chân tay có thể thấy cục bộ sưng đau hoặc xuất huyết dưới da. Bệnh chứng ứ huyết tuy khá nhiều, nhưng biểu hiện lâm sàng có đặc trưng cộng đồng như đau nhói, trưng tích có hòn cục, xuất huyết phát ban, sắc mặt đen sạm, nổi rõ gân xanh vằn vèo dứt khúc, môi lưỡi xanh tía, mạch Tế sắc hoặc Kết Đại; phụ nữ thống kinh, sắc kinh tía đen có hòn cục.
Chứng ứ huyết thường gặp trong các bệnh “Phát nhiệt”, “Vị quản thống”, “Phúc thống”, “Ế cách”, “Hiếp thống”, “Hoàng đản”, “Cổ trướng”, “Yêu thống”, “Tâm quý chính xung”, “Hung thống”, “Đầu thống”“Trúng phong”, “Điên cuồng”, “Kính bệnh”, “Thống kinh”, “Bế kinh” v.v…
Cần chẩn đoán phân biệt chứng Huyết ứ với các”Chứng Huyết nhiệt huyết ứ”, “chứng huyết hàn huyết ứ”, “chứng Khí trệ huyết ứ” và “chứng Khí hư huyết ứ”.
Phân tích
Chứng Huyết ứ có thể xuất hiện trong nhiều loại tật bệnh, biểu hiện lâm sàng khác nhau nên phép chữa cũng không hoàn toàn giống nhau, cần phải Phân tích rõ ràng.
– Chứng ứ huyết trong bệnh Phát nhiệt, phần nhiều thấy nhiệt về buổi chiều hoặc buổi tối, họng ráo miệng khô, khát không muốn uống nước, thường có những khối sưng hoặc điểm đau cố định, mạch và chứng thường không nhất trí của loại ứ huyết phát nhiệt, như Vưu Tại Kính có nói”ứ huyết phát nhiệt thì mạch sắc, người bệnh chỉ nhấp giọng chứ không uống nước qua họng”. Lý do là ứ huyết đọng ở trong, khí huyết úng tắc không thông, uất nhiệt ở trong gây nên. Phép trị nên hoạt huyết hóa ứ, dùng bài Huyết phủ trục ứ thang (Y lâm cải thác) gia vị.
– Trong bệnh Vị quản thống xuất hiện chứng huyết ứ, lâm sàng thấy Vị quản đau nhói, nơi đau không di chuyển, cự án, nặng hơn thì thổ huyết và có đặc trưng là đại tiện phân đen; Đây là do đau lâu lan toả đến đường lạc, huyết ứ ngưng đọng ở vị quản, khí cơ không lợi gây nên ; điều trị theo phép hoạt huyết hóa ứ, hành khí – giảm đau, uống bài Thất tiếu tán (Tái bình huệ dân hòa tễ cục phương) hợp với Đan sâm ẩm (Thời phương ca quát) gia giảm.
– Trong bệnh phúc thống có chứng Huyết ứ, biểu hiện vùng bụng đau nhói, ấn vào đau tăng, nơi đau cố định hoặc có hòn khối, nguyên nhân chủ yếu là hàn tà ẩn náu ở huyết mạch hoặc vấp ngã tổn thương hoặc tình chí phẫn uất, khí huyết uất hết, hai mạch Can kinh và Xung mạch ứ trệ gây nên; điều trị cần hoạt huyết hóa ứ, làm dịu cơn gấp và giảm đau, dùng bài Thiếu phúc trục ứ thang (Y lâm cải thác).
– Chuyết ứ xuất hiện trong bệnh Ế cách, biểu hiện ăn vào mửa ra ngay, đồ ăn uống không trôi, vật mửa ra đỏ như nước đậu, có thêm các đặc điểm đại tiện như phân dê, thể trạng gầy còm, da dẻ kém tươi, mạch Tế sắc v.v… Đây là do ứ huyết kết ở trong, ngăn trở thực đạo, nặng hơn thì đường lạc tổn thương, huyết tràn ra ngoài, điều trị theo phép tư âm dưỡng huyết, phá kết tiêu ứ, cho uống bài Thông u thang (Lan thất bí tàng).
Trong bệnh Hiếp thống xuất hiện chứng huyết ứ, có đặc điểm là vùng sườn đau nhói, hễ cử động thì đau tăng, nơi đau không di chuyển, về đêm càng đau tăng, đây là do tổn thương vấp ngã, xút lưng bị đòn, Can khí uất kết hoặc khí trệ lâu ngày dẫn đến huyết ứ, tê nghẽn lạc mạch; điều trị theo phép hoạt huyết khứ ứ, sơ Can thông lạc, cho uống bài Phục nguyên hoạt huyết thang (Y học phát minh).
– Chứng huyết ứ xuất hiện trong bệnh Hoàng đản có những đặc điểm lâm sàng như hai mắt và da dẻ có mầu vàng tối, sắc mặt vàng mà tối trệ hoặc dưới sườn có hòn khối và đau, ấn vào khó chịu, ngoài da có thể thấy những vệt đỏ như mạng nhện, đại tiện phân đen, chất lưỡi nhạt mà xanh hoặc tía tối hoặc có đám xuất huyết dưới da, mạch Huyền sắc hoặc Tế sắc, đây là chứng Âm hoàng, phần nhiều do Hoàng đản kéo dài không khỏi, bệnh lâu ngày phạm vào huyết phận, huyết lạc ứ kết gây nên, điều trị nên hoạt huyết hóa ứ thoái hoàng, cho uống Cách hạ trục ứ thang (Y lâm cải thác) gia vị.
– Trong bệnh cổ trướng xuất hiện chứng huyết ứ, có biểu hiện bụng sưng to rắn đầy, sườn và bụng trướng đầy có lúc đau thúc, sắc mặt tối sạm, lòng bàn tay có màu đỏ, sắc môi tía tối, miệng khát mà không muốn uống, đại tiện phân đen v.v… Đây là do tình chí uất kết, nghiện rượu vô độ hoặc ngoại tà trùng độc làm tổn thương Can Tỳ, ứ huyết nghẽn trệ lạc mạch, thủy dịch tụ đọng ở trong gây nên, điều trị theo phép hoạt huyết hóa ứ, hành khí lợi thủy, dùng bài Điều doanh ẩm (Chứng trị chuẩn thằng).
– Chứng huyết ứ xuất hiện trong bệnh Yêu thống, có đặc điểm là lưng đau như dùi đâm, nơi đau cố định, ấn vào đau tăng, cử động bị hạn chế; Nguyên nhân do vấp ngã tổn thương hoặc bị xút lưng, lạc mạch bị hại; ứ huyết lưu trệ ở vùng lưng gây nên; Điều trị theo phép hoạt huyết hóa ứ, lý khí giảm đau, cho uống bài Hoạt lạc hiệu linh đan(Y học trung trung tham tây lục) gia vị.
– Trong bệnh Hung thống xuất hiện chứng huyết ứ, có đặc điểm là đau nhói vùng ngực, vùng Tâm đau suốt sang lưng, điểm đau cố định, về đêm đau tăng và hồi hộp v.v… Đây là do nội thương về tình chí, khí cơ không lợi, huyết không lưu thông, lạc mạch bị ứ trệ, hoặc ốm lâu bệnh phạm vào đường Lạc, Tâm mạch ứ nghẽn, Tâm dương không mạnh hoặc tà khí hàn thấp lưởng vưởng ở đường mạch xâm phạm vào Tâm ở bên trong, Tâm mạch bị tê nghẽn gây nên; điều trị theo phép khoan hung thông dương, hoạt huyết hóa ứ, thông lạc chỉ thống, chọn dùng bài Chỉ thực giới bạch quế chi thang (Kim Quỹ yếu lược) hợp với Thất tiếu(Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương) hoặc Huyết phủ trục ứ thang (Y lâm cải thác). Đường mạch của Can rải ra ở ngực và sườn, cho nên đau sườn là bệnh thuộc Can kinh; huyết lạc của Can mạch không thông thì cho uống bài Toàn phú hoa thang(Kim Quỹ yếu lược) gia vị.
– Trong bệnh Đầu thống xuất hiện chứng huyết ứ, có chứng trạng đầu nhức như dùi đâm, đau cố định không di chuyển, bệnh lâu ngày không khỏi, đây là vùng đầu sau khi bị ngoại thương, hoặc do ốm lâu bệnh tà phạm vào đường Lạc, ứ huyết đọng ở trong, làm nghẽn tắc mạch lạc gây nên, điều trị theo phép hoạt huyết hóa ứ, dùng bài Thông khiếu hoạt huyết thang (Y lâm cải thác).
– Chứng huyết ứ xuất hiện trong bệnh Trúng phong, phần nhiều thuộc di chứng trúng phong, có nhiều triệu chứng đặc điểm như bán thân bất toại, nói năng khó khăn hoặc không nói được, miệng mắt méo xếch, lưỡi nhợt ngả màu xanh; đây là do khí huyết ứ trệ, huyết mạch bị tê nghẽn, điều trị nên hoạt huyết ích khí, sơ thông kinh lạc, dùng bài Bổ dương hoàn ngũ thang (Y lâm cải thác).
– Trong bệnh Điên cuồng thường xuất hiện chứng huyết ứ, đặc điểm lâm sàng có chứng nói năng quàng xiên, mất ngủ, phiền muộ hay giận, lưỡi đỏ hoặc tía tối, mạch Xúc; Đây là do huyết ứ ngưng trệ khí huyết không bổ xung cho não gây nên, như Vương Thanh Nhậm có câu nói”chứng điên cuồng hình thái xấu xa, đó là do khí huyết ngưng trệ, sự sống ở não không nối tiếp với khí của Tạng Phủ, y như làm việc trong mơ”. Điều trị nên hành khí tiêu ứ, chọn dùng bài Điên cuồng mộng tình thang (Y lâm cải thác).
– Trong”Kính bệnh” xuất hiện chứng huyết ứ, đặc điểm lâm sàng là cổ gáy cứng đờ, chân tay co giật, thể trạng gầy còm, nhức đầu như dùi đâm chất lưỡi tía tối, mạch Tế sắc; đây là do ốm lâu không khỏi, tà khí dằng dai, từ khí liên luỵ đến huyết, đến nỗi ứ huyết tụ ở trong, gân mạch không được nuôi dưỡng gây nên, điều trị theo phép hoạt huyết hóa ứ, thông lạc trừ Kính, dùng bài Thông khiếu hoạt huyết thang (Y lâm cải thác) gia giảm. Tóm lại, chứng ứ huyết trong những tật bệnh không giống nhau, biểu hiện chứng trạng đều có đặc điểm riêng, lâm sàng có thể căn cứ vào các đặc điểm mà biện chứng luận trị.
Chứng huyết ứ phát sinh khá nhiều ở người cao tuổi thể lực yếu, bởi vì người cao tuổi khí huyết hư suy, khí hư thì sức vận chuyển huyết yếu đến nỗi huyết bị ứ nghẽn, thường có những hiện tượng ứ huyết, nơi đau cự án, lưỡi tía tối hoặc có những điểm ứ huyết, đồng thời cũng có các chứng trạng khí hư như yếu sức, thiểu khí, tự ra mồ hôi. Phụ nữ bị chứng ứ huyết, biểu hiện chủ yếu sau khi hòn khối thì được dễ chịu, thậm chí dẩn đến bế kinh, thông thụ thai.
Ứ huyết vừa là sản vật bệnh lý, lại là nhân tố gây ra bệnh. Biến hóa bệnh lý của chứng huyết ứ thường có hai tình huống, một là ứ huyết nghẽn tắc đường mạch, huyết không lưu thông thì truyền ra ngoài mạch, cho nên có các chứng xuất huyết như là mửa ra huyết, mửa ra huyết đại tiện ra huyết. Hai là huyết bị ứ nghẽn lâu ngày, huyết mới không sinh ra được dẫn đến huyết hư, cơ bắp kinh mạch mất sự nhu dưỡng, xuất hiện các chứng trạng huyết ứ, huyết khô như cơ bắp, da dẻ tróc vẩy, sắc mật đen sạm, lông tóc không nhuận, mạch Tế sắc v.v… điều trị nên theo phép hoạt huyết dưỡng huyết, trừ ứ sinh huyết mới.
Chẩn đoán phân biệt
– Chứng Huyết nhiệt huyết ứ với chứng Huyết ứ, cả hai đều thuộc Thực chứng. Bàn theo nguyên nhân bệnh, chứng huyết ứ thường do ngoại thương vấp ngã, nội thương xuất huyết, lao thương quá độ đến nỗi ứ huyết úng trệ gây nên. Ứ huyết lưu đọng ngưng trệ ở kinh mạch, khí huyết không lợi, có thể tích tụ thành khối sưng hoặc đau như dao cắt dùi đâm, nơi đau không di chuyển mà cự án, môi và móng chân tay tím tái, sắc lưỡi tía tối, hoặc có những điểm ứ huyết tím bầm. ứ huyết nghẽn tắc thì tràn ra ngoài mạch, có thể dẫn đến xuất huyết. ứ nghẽn lâu ngày, huyết mới không sinh ra được, cơ bắp kinh mạch mất sự nhu dưỡng có thể dẫn đến da dẻ tróc vẩy, sắc mặt đen sạm, lông tóc không nhuận, mạch Tế sắc hoặc Kết Đại. Còn chứng Huyết nhiệt huyết ứ phần nhiều do cảm thụ tà khí ôn nhiệt vào sâu huyết phận, hoặc tình chí không toại ý, ngũ chí hóa hoả; Hoặc ứ huyết ngưng trệ, uất lại hóa nhiệt gây nên. Biểu hiện lâm sàng ngoài những chứng trạng huyết ứ còn có các chứng trạng huyết nhiệt như mình nóng tâm phiền hoặc vật vã phát cuồng, lưỡi đỏ tía, mạch Tế sắc. Chứng Huyết nhiệt Huyết ứ vừa có biểu hiện của chứng huyết nhiệt lại vừa có biểu hiện của chứng huyết ứ. Như vậy phân biệt với chứng ứ huyết không khó khăn gì.
Chứng Huyết hàn huyết ứ với chứng huyết ứ, cả hai đều thuộc thực chứng. Hàn thì huyết ngưng, thời kỳ đầu có thể làm cho huyết lưu thông từ từ, lâu ngày thì dương khí tổn thương sự vận hành huyết dịch yếu đi, huyết bị ngưng trệ mà thành ứ. Cho nên chứng Huyết hàn huyết ứ biểu hiện lâm sàng lấy ứ huyết làm chủ yếu, hơn nữa còn có đặc điểm là gặp ấm thì đỡ đau, cơ thể và chân tay lạnh, lưỡi nhạt tối, mạch Trầm Trì sắc, rõ là khác với chứng huyết ứ đơn thuần.
– Chứng Khí trệ huyết ứ với chứng Huyết ứ: Khí là soái của huyết; Huyết là mẹ của khí. Nếu tình chí không toại nguyện, Can khí uất kết, mất chức năng sơ tiết, khí trệ thì huyết ngưng. Khí huyết ngưng trệ, biểu hiện lâm sàng của chứng khí trệ huyết ứ là tâm phiền dễ giận, ngực sườn trướng đầy và hoặc có hòn khối, đau và cự án, lưỡi tía tối hoặc có điểm ứ huyết.Ở phụ nữ có thể thấy bế kinh hoặc thống kinh, sắc kinh tía tối có hòn cục, bầu vú trướng đau. Đã có chứng Huyết ứ lại có cả chứng Khí trệ, căn cứ vào đặc điểm đó để chẩn đoán phân biệt.
– Chứng Khí hư huyết ứ với chứng Huyết ứ: Khí hành thì huyết hành, khí hư thì không có sức thúc đẩy huyết trôi chảy đến nỗi huyết không lưu thông mà thành ứ. Biểu hiện lâm sàng của chứng Khí hư huyết ứ là hồi hộp đoản hơi, biếng ăn yếu sức, sắc mặt phù thũng hoặc đau âm ỉ trong ngực hoặc trong bụng trướng đầy đau hoặc có tích khối, hoặc là bại liệt, lưỡi xanh tía hoặc có nốt ứ huyết, mạch Tế Hoãn mà sắc, lại có đặc điểm có kiêm cả chứng trạng của chứng Khí hư. Như vậy, chứng Huyết ứ rất rõ.
Trích dẫn y văn
– Người ta hoặc là mệt nhọc hoặc, vấp ngã hoặc xút lưng, hoặc uất giận, đều làm cho ngăn trở lưu thông của huyết, tích chứa lại thành ứ (Xúc huyết – Y triệt).
– Nổi rõ gân xanh, không phải là Gân. Chìm dưới bì phu là huyết quản, Huyết quản có sắc xanh là trong có ứ huyết. Bụng to rắn chắc thành cục, đều do ứ huyết ngưng kết gây lên(Quyên thượng – Y lâm cải thác)
– Huyết ứ, chứng trạng phần trên thì phiền táo, ngậm nước nhấp giọng nhưng không uống; chứng trạng phần dưới thì như cuồng nói sảng, phát hoàng, lưỡi đen, bụng dưới đầy, tiểu tiện nhiều, đại tiện phân đen mà ít, theo phép nên dùng thuốc hạ. Nếu là phụ nữ thì kinh nguyệt không thấy, đau bụng, sau khi đẻ bụng dưới trướng đau không mó tay vào được, theo phép nên dùng thuốc để phá (Huyết chứng – Chứng trị vậng bổ).