Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, 80% dân số trên thế giới dựa vào nền y học cổ truyền để đáp ứng cho nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu, trong đó chủ yếu là thuốc từ cây cỏ (WHO, IUCN & WWF, 1992). Thực tế cho thấy vấn đền này cũng ngày càng phổ biến ở cả các nước phát triển, nhất là trong 20 năm gần đây. Việc trở về với tự nhiên hay sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về sản phẩm tự nhiên (Green consumerism) dẫn đến chất lượng sản phẩm và các tiêu chuẩn hiệu lực được cải tiến. Sự tín nhiệm của sản phẩm từ thảo dược ngày càng được nâng cao, có thể tăng sức lực trong các nước phát triển và sự ưa thích trong các nước đang phát triển (Vasisht, K., 2004).
Mô hình trồng dược liệu (Dây thìa canh) (sưu tầm )
Nhà nước ta đã có chủ trương điều tra nguồn tài nguyên dược liệu ở phía Nam từ năm 1978 – 1985 và giao nhiệm vụ cho Phân Viện Dược Liệu TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các trạm dược liệu thuộc các tỉnh tiến hành. Trong đó sự phối hợp điều tra với trạm dược liệu tỉnh Sông Bé đã tiến hành điều tra trên địa bàn cho thấy tỉnh Sông Bé có nguồn tài nguyên cây và con thuốc rất phong phú và đa dạng với hơn 600 loài cây làm thuốc được ghi nhận với nhiều loài là những cây thuốc quí, có giá trị như Vàng đắng, Nhân trần tía, Kim tiền thảo, Sâm cau, Sâm Bố Chính….Tỉnh Bình Dương lại là nơi có truyền thống lâu đời trong việc bảo tồn vốn quý y học cổ truyền, nghiên cứu, chế biến sử dụng, nuôi trồng thảo dược phục vụ cho công tác phòng và chữa bệnh trong nhân dân.
Hơn 20 năm qua với những thay đổi lớn về điều kiện kinh tế – xã hội (chia tách tỉnh, tốc độ công nghiệp hóa, diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp…) đã ảnh hưởng đến sự phân bố tự nhiên, thành phần các loài cây thuốc giảm mạnh, trữ lượng các cây thuốc ngày càng cạn kiệt, nhiều loài cây thuốc quí có nguy cơ tuyệt chủng do không được bảo tồn và khai thác hợp lý trong khi đó xu hướng trở về với thiên nhiên, tìm kiếm nguồn thuốc mới từ cây cỏ, sử dụng thuốc từ thảo dược trên thế giới ngày càng tăng. Theo báo cáo tổng kết công tác dược của Cục quản lý dược năm 2005 thì ở nước ta hơn 90% nguyên liệu phải nhập khẩu, chủ yếu là sản xuất các dạng thuốc thông thường. Điều đó cho thấy tình trạng sản xuất nguyên liệu dược ở Việt Nam còn bất cập. Trong khi “Chiến lược phát triển Ngành dược giai đoạn đến năm 2010” (tháng 8/2002) đã nêu rõ «Mục tiêu phát triển Ngành dược thành một ngành mũi nhọn theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa phải từng bước đáp ứng nguồn nguyên liệu làm thuốc bảo đảm sản xuất từ trong nước 60% nhu cầu thuốc phòng bệnh và chữa bệnh của xã hội». Cho đến nay Thủ tướng Chính phủ cũng ra hai quyết định trong năm 2007 về phát triển công nghiệp dược, đó là:
1/ Quyết định số 43/2007/QĐ-TTg ngày 29/3/2007 phê duyệt đề án «Phát triển công nghiệp dược và xây dựng mô hình hệ thống cung ứng thuốc của Việt Nam giai đoạn 2007 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020», trong đó nêu rõ «Tập trung nghiên cứu và hiện đại hoá công nghệ chế biến, sản xuất thuốc có nguồn gốc từ dược liệu; quy hoạch, xây dựng các vùng nuôi trồng và chế biến dược liệu theo tiêu chuẩn GACP của WHO để đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất thuốc; khai thác hợp lý dược liệu tự nhiên, bảo đảm lưu giữ tái sinh và phát triển nguồn gen dược liệu; tăng cường đầu tư phát triển các cơ sở chiết xuất hoạt chất tinh khiết từ dược liệu sản xuất trong nước và xuất khẩu».
2/ Quyết định số 61/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 phê duyệt «Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2020», trong đó cũng nêu rõ mục tiêu «Nghiên cứu khai thác và sử dụng có hiệu quả các hoạt chất thiên nhiên chiết tách, tổng hợp hoặc bán tổng hợp được từ các nguồn dược liệu và tài nguyên thiên nhiên quý báu là thế mạnh của nước ta, phục vụ tốt công nghiệp bào chế một số loại thuốc đặc thù của Việt Nam, đáp ứng nhu cấu chữa bệnh và xuất khẩu».
Gần đây, theo thông báo kết luận của Ban Bí thư tại văn bản số 143/TB-TW ngày 27/3/2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến chỉ đạo và Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương liên quan tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả toàn diện 20 năm thực hiện Đề án «Bảo tồn gen và giống cây thuốc» vào tháng 5/2009 tại Tam Đảo. Căn cứ kết quả và bài học kinh nghiệm rút ra sau khi thực hiện Đề án nói trên để xây dựng Đề án «Thành lập Vườn quốc gia bảo tồn và phát triển cây thuốc Việt Nam».
Trên cơ sở đó việc đánh giá lại hiện trạng nguồn tài nguyên cây thuốc, cập nhật các cây thuốc của tỉnh để có định hướng cho nhu cầu khai thác sử dụng, khả năng trồng trọt phát triển nhằm bảo tồn tài nguyên, tạo nguồn nguyên dược liệu ổn định phục vụ cho nhu cầu sản xuất, điều trị phòng và chữa bệnh góp phần cải thiện nâng cao đời sống đồng bào khu vực tỉnh Bình Dương là công việc cần thiết và cấp bách.
Lê Quỳnh-theo udkhcnbinhduong