Hướng dẫn thu mẫu và làm tiêu bản cây thuốc
Thu thập mẫu từ thực địa
– Khi thu mẫu phải nắm được các quy định về pháp luật (Các loài thuộc sách đỏ, các loài, các khu vực cấm thu mẫu)
– Cần có hiểu biết, làm quen với các cây độc, các cây dễ gây dị ứng… Ví dụ Cây Sơn (Rhus verniciflua) dễ gây lở (lỏ sơn), các loài han gây ngứa, không để các chất độc,nhựa rơi vào mắt, đường hô hấp, mồm…
– Chuẩn bị các dụng cụ cần thiết: Dụng cụ chặt, đào như dao, kéo, búa rìu, thuổng, thước đo, cặp ép..
– Thu thập thực vật nhỏ, các bộ phận nhỏ cần có ống nhựa vặn nút kín (có thể đổ dung dịch cố định vào trước). Thu thập cây dưới nước và ở đầm lầy cần phải có túi nhựa, túi polyethylen, nên dùng loại túi kép.
– Ghi chép vào sổ tay riêng, sử dụng bút chì đen thường (Không dùng bút chì hoá học).
– Cần có một bộ nhãn, chỉ để buộc vào từng mẫu tương ứng với ghi chép ngoài thực địa trong sổ tay.
– Kích thước mẫu tiêu bản tiêu chuẩn trên thế giới là 41x 29 cm nên mọi mẫu vật thực vật cần phải bố trí theo tiêu chuẩn đó. Cây to hoặc dày bằng mọi cách cần phải làm cho có kích thước phù hợp với kích thước mẫu tiêu bản. Mẫu dày, cồng kềnh phải chẻ ra, sấy khô để khâu lên tiêu bản. Cây lớn có thể lấy từng phần nhỏ.
– Trong tự nhiên các cá thể trong cùng một loài có thể có những đặc điểm khác nhau về mặt hình thái nên thông thường phải chọn các mẫu tiêu biểu và thu mẫu ít nhất từ 2-3 cá thể.
– Cây thảo, nhỏ thường thu cả cây, cố gắng thu nhiều mẫu ở các thời gian sinh trưởng, phát triển khác nhau kèm hoa, quả, hat…
– Khi đào rễ cần chú ý tới những lá khô ở gốc (đôi khi có thể giúp ích cho việc định loại), rửa hệ rễ và làm cho ráo nước (nếu có thể được).
– Ghi chép ngoài thực địa cần chú ý tới các dẫn liệu màu sắc, mùi vị, các tư liệu về địa chất. Cần ghi chép tại chỗ (Không được tin vào trí nhớ vì có thể quên, nhầm lẫn). Nên ghi số lên nhãn và buộc vào mẫu bằng chỉ dai.
– Có thể sử dụng các phương tiện chụp ảnh, quay phim để ghi lại các đặc điểm giảm nhẹ quá trình ghi chép.
– Mẫu mới thu có thể đặt giữa hai lớp giấy bản hoặc báo. Thời gian giữ mẫu trong cặp ép đi thực địa phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và bản chất của mẫu, tránh quá nóng, ẩm (dễ làm rụng lá ở tiêu bản).
Sấy mẫu tiêu bản
– Ép và sấy cho cây khô là hai quá trình không tách rời nhau, trong khi sấy cần ép chặt mẫu để lá khỏi nhăn nheo, để mẫu cây nằm đúng vị trí định khâu mẫu.
– Mẫu cây thu từ thực địa đem về nơi xử lý thường bị héo ít nhiều. Sắp xếp mẫu cây trên giấy để cố định trước khi sấy. Thường đặt trên tờ báo có kích thước lớn gấp đôi kích thước mẫu (một nửa làm nền,một nửa gập đậy lên). Khi sắp xếp cần tuân thủ một số nguyên tắc:
+ trong số các lá ít nhất có một lá được lật ngược lên.
+ Không để các bộ phận của cây đè lên nhau
+ Nếu có hoa sắp xếp ép để có thể nhìn thấy được bên trong hoa.
+ Cần sắp xếp đều trên diên tích cho phép (không tập trung vào phần giữa).
+ Cây dài có thể sắp xép theo hình chữ V, N hay hình khác.
+ Nếu cần bỏ lá chú ý giữ cuống lá (để thấy được sự sắp xếp lá trên cây).
+ Những phần nhỏ (hoa, lá) bị rụng cần đặt bên cạnh mẫu.
+ Các bộ phận sử dụng làm thuốc có thể bảo quản bằng cách phơi sấy khô hoặc ngâm trong các dịch bảo quản.
Sau khi xếp mẫu lên tờ báo gập nửa tờ báo còn lại lên trên mẫu. Đặt các mẫu lên cặp ép (không dày quá 40cm) buộc cặp ép lại sấy ở 35-400C trong khoảng 8-12h. Trong quá trình sấy cần thường xuyên thông thoáng. Lấy cặp ép ra buộc lại, sấy cho đến khô.
Khâu mẫu cây lên tiêu bản
Giấy để khâu có kích thước 41 x 29 cm, thường làm bằng bìa trắng, với mẫu lớn hay mẫu gỗ cần có giấy dày, chắc hơn. Đặt mẫu cây thuốc đã ép. và sấy khô lên bìa và khâu vào bìa, dán giấy lên trên các nốt khâu ở mặt trái. Khi mẫu đã khâu xong ở góc phải phía dưới của tiêu bản người ta dán nhãn vào. Kích thước nhãn 8 x13 cm. Nội dung nhãn gồm các thông tin:
Số hiệu tiêu bản
Tên, họ khoa học
Tên thường gọi, tên địa phương
Đặc điểm
Nơi thu mẫu
Công dụng
Ngày thu mẫu
Tên người thu mẫu
Người và ngày định tên
Cơ quan nghiên cứu
Bảo quản mẫu tiêu bản khô
Mẫu cần bảo quản nơi khô ráo, tránh nấm mốc, mối
mọt. Sắp xếp mẫu theo các quy ước để dễ tìm, tra cứu khi cần thiết.
Bảo quản tiêu bản thực vật trong chất lỏng
Mẫu nhỏ có thể gắn trên bản kính và ngâm trong dung dịch có thành phần:
Ethanol (90%) 20ml
Nước cất 10ml
focmalin 1ml
Acid acetic đđ 1 ml
Có thể thêm CuSO4 hoặc đồng acetat để giữ màu xanh của các mẫu cây.
Các mẫu dược liệu sử dụng để trưng bày hay để học tập có thể bảo quản trong chất định hình lỏng. Chất định hình chuẩn thường là dung dịch formalin 4-6% hoặc sử dụng dịch định hình có thành phần:
Phenol 20g
Acid lactic đđ 20g
Glycerin 20g
Nước 20ml
CuCl2 0,2g
Acetat đồng 0,2g