Tên khác: phổi trong tình trạng sốc, tiếng Anh:”Adult Respiratory Distress Syndrome” hoặc ARDS
Định nghĩa
Là tình trạng phù phổi cấp không phải do căn nguyên từ bệnh tim dẫn tới giảm oxy-huyết nặng.
Căn nguyên
- Tình trạng sốc kéo dài và nặng do bất cứ căn nguyên nào (nên có tên gọi: phổi trong tình trạng sốc).
- Viêm phổi nguyên phát, do nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus.
- Bệnh phổi do nuốt (hít phải thức ăn uống).
- Chấn thương lồng ngực trực tiếp hoặc đa chấn thương.
- Thở hít phải những khí độc và chất kích thích.
- Thở hít khí oxy có nồng độ quá cao.
- Dập nát phổi.
- Nhiễm khuẩn-huyết bởi vi khuẩn Gram âm.
- Sử dụng quá liều những thuốc là dẫn xuất của thuốc phiện, hoặc các thuốc khác có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương.
- Bỏng rộng.
- Chạy tuần hoàn ngoài cơ thể.
- Nghẽn mạch do mỡ.
- Viêm tuỵ cấp tính.
Sinh lý bệnh
Rối loạn tính thấm của màng phế nang-mao mạch (còn gọi là màng hô hấp) sẽ gây ra phù phổi với dịch phù rất giầu protein, từ đó hình thành những màng kính (màng trong), và xẹp phế nang trong một vùng phổi lớn, rồi giảm oxy-huyết nặng. Xét nghiệm chức năng phổi sẽ thấy dung tích cặn chức năng giảm thấp và biến đổi tỷ số thông khí/tưới máu.
Hội chứng suy hô hấp thường đi kèm theo tăng huyết áp động mạch phổi do tăng lực cản thành mạch máu của phổi. Tăng huyết áp động mạch phổi lại dẫn tới giãn tâm thất phải làm cho phù phổi càng nặng thêm.
Triệu chứng
24-48 giờ sau khi bị tác động của nguyên nhân khởi phát (hoặc 3-4 giờ sau khi tình trạng sốc bắt đầu), các triệu chứng và dấu hiệu sau đây xuất hiện: nhịp thở nhanh và khó thở, nhịp tim nhanh, bệnh nhân hoảng sợ, tím tái. Nghe phổi có ít hoặc không có ran.
Xét nghiệm bổ sung
- X quang: chụp X quang lồng ngực mới đầu thấy thâm nhiễm phổi lan toả ở cả hai bên, kiểu thâm nhiễm mô kẽ, rồi xuất hiện những vùng đặc phổi.
- Định lượng khí trong máu động mạch: thấy giảm oxy-huyết với giảm PaO2 mạnh, và PaCO2 bình thường hoặc hơi thấp, nhiễm kiềm hô hấp cấp tính và tăng mức chênh lệch giữa nồng độ oxy trong phế nang và trong máu động mạch.
Áp suất mao mạch phổi bị chặn < 15 mmHg
Biến chứng
Bội nhiễm vi khuẩn.
Suy thận.
Suy tâm thất trái.
Tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, tắc nghẽn phế quản: nói chung những biến chứng này đều là hậu quả của thông khí hỗ trợ kéo dài.
Tiên lượng
Tỷ lệ tử vong tổng thể của những trường hợp được điều trị là 50%, nhưng tỷ lệ này thay đổi tuỳ theo nguyên nhân gây ra suy hô hấp. Tiên lượng nặng thêm khi xẩy ra bội nhiễm bởi vi khuẩn. Hô hấp hỗ trợ lâu ngày có thể dẫn tới xơ hoá phổi với những dấu hiệu kéo dài trong nhiều tháng.
Điều trị
Bệnh nhân phải được điều trị ở một trung tâm hồi sức có trang bị đầy đủ. Điều trị khởi đầu bằng liệu pháp oxy (thở oxy) để khắc phục tình trạng giảm oxy-huyết trước mắt đe doạ tới sinh mạng bệnh nhân. Tuy nhiên liệu pháp oxy sẽ nhanh chóng trở nên không đủ và phải cho bệnh nhân thở máy (thông khí cơ học) để cung cấp đủ oxy cho các mô. Ngoài ra, phải điều trị các nguyên nhân tiềm ẩn bên dưới tình trạng suy hô hấp.
- Thông khí hỗ trợ: Thông khí cơ học được kết hợp với áp suất dương cuối thì thở ra (tiếng Anh: PEEP = positive end-expiratory pressure). Giảm thể tích khí lưu thông đẩy vào (TV từ 6-8 ml / kg cân nặng cơ thể), cho bệnh nhân thở hít monoxyd nitơ (NO) và thông khí ở tư thế nằm xấp với mục đích làm giảm nhẹ những hậu quả không tốt của thông khí hỗ trợ kéo dài.
- Truyền dung dịch để bổ sung nước và cho các thuốc trợ tim để duy trì lưu lượng tim.
- Thuốc lợi niệu:nếu bệnh nhân không bị giảm thể tích tuần hoàn, thì cho furosemid theo đường tĩnh mạch và với liều đủ.
- Corticoid:được đề nghị cho liều mạnh với hi vọng làm giảm tính thấm của màng phế nang-mao mạch (màng hô hấp).
- Thuốc kháng sinh:cho trong trường hợp nhiễm khuẩn-huyết.
- Thở khí monoxyd nitơ(NO) được đề nghị để làm giảm thấp huyết áp động mạch phổi và cải thiện quá trình trao đổi khí.
GHI CHÚ: Suy hô hấp vô căn hoặc ở trẻ sơ sinh hoặc bệnh các màng kính là trường hợp xẹp phổi lan toả, xẩy ra ở trẻ sơ sinh thiếu tháng; nguyên nhân là do thiếu hụt về chất lượng hoặc số lượng chất hoạt diện ở các phế nang. Chất hoạt diện do các tế bào lót thành phế nang sản xuất ra, có cấu tạo là những phospholipid và apoprotein. Bệnh này phải được điều trị ở những trung tâm chuyên khoa sâu bằng biện pháp thông khí cơ học và bơm chất hoạt diện vào trong khí quản.