Tên khác: bệnh tâm nhĩ, bệnh nút xoang, rối loạn chức năng nút xoang (xem ghi chú).
Định nghĩa
Rối loạn nhịp tim với đặc điểm là nhịp tim chậm và nhịp tim nhanh xảy ra xen kẽ nhau, bệnh nhân có thế bị thỉu và đôi khi ngất.
Căn nguyên
Trong trường hợp nhịp xoang chậm “không thích hợp”, tức là nhịp tim không thích ứng với gắng sức, có sự kích thích tăng tiết adrenalin dẫn tới tình trạng tâm nhĩ và nút nhĩ-thất đễ bị kích thích, do đó lại gây ra nhịp thất nhanh.
Giải phẫu bệnh
Nút xoang và hệ thống dẫn truyền nhĩ-thất bị thoái hoá và xơ hoá chưa rõ nguyên nhân.
Triệu chứng
Bệnh thường hay gặp từ 65-70 tuổi, biểu hiện bởi những cơn nhịp xoang chậm xen kẽ với những cơn nhịp nhanh trên thất kịch phát (rung nhĩ hoặc cuồng nhĩ, bệnh Bouveret, nhịp nhanh bộ nối hoặc nhịp nhanh nút). Với tần số tim quá chậm hoặc quá nhanh sẽ xuất hiện tình trạng đờ đẫn, hồi hộp và mệt. Có thể thỉu hoặc đôi khi ngất xảy ra trong cơn nhịp chậm, hoặc trong cơn nhịp nhanh, hoặc vào lúc tim ngừng nghỉ kéo dài quá 3 giây sau cơn nhịp nhanh. Hội chứng nhịp chậm-nhịp nhanh đôi khi bị biến chứng tai biến mạch máu não được cho là do nghẽn mạch. Hội chứng thường tiến triển thành rung nhĩ thường xuyên.
Chẩn đoán
Dựa trên phát hiện bằng ghi điện tâm đồ truyền thông hoặc liên tục (Holter) thấy dấu hiệu nhịp xoang chậm thường xuyên hoặc nhất thời, xen lẫn những cơn nhịp nhanh trên thất kịch phát.
Một số trường hợp yêu cầu phải có những khảo sát chuyên sâu bằng ghi điện tâm đồ trong tim, để đo thời gian phục hồi ở nút xoang (bình thường là 0,6 giây sau kích thích tâm nhĩ với tần số 130) và đo thời gian dẫn truyền tâm nhĩ-nút xoang-tâm nhĩ.
Cần chẩn đoán phân biệt hội chứng nhịp chậm-nhịp nhanh với những nguyên nhân khác gây ngất và thỉu, và đặc biệt là với nguyên nhân gây thiếu máu não cục bộ tạm thời tuỳ theo tuổi của bệnh nhân.
Tiên lượng
Tỷ lệ tử vong hàng năm của những bệnh nhân được điều trị bằng máy tạo nhịp là 6%.
Điều trị
Bằng thuốc: lúc khởi đầu diễn biến của bệnh, khi cơn nhịp nhanh trội hơn, thì dùng cho các thuốc chống loạn nhịp, cần phải điều trị chống đông máu, kể cả sau khi đã đặt máy kích thích tim.
Máy kích thích tim (xem kỹ thuật này): ngay khi bệnh nhân có những cơn ngất, thì phải đặt vào tâm thất phải một loại “lính canh”, nếu có thể thì dùng một máy với tần số chương trình hoá được. Đối với hội chứng nhịp chậm-nhịp nhanh thì 20% số máy kích thích tim được sử dụng để điều trị là thuộc loại này. Thuốc chống loạn nhịp đôi khi vẫn cần thiết sau khi đặt máy kích thích tim.
GHI CHÚ: những thuật ngữ bệnh nút xoang và “bệnh tâm nhĩ đôi khi được coi như đồng nghĩa với nhau. Những người khác dành thuật ngữ “bệnh nút xoang” để chỉ riêng rối loạn chức năng của nút xoang, với những cơn nhịp chậm không xen kẽ bởi cơn nhịp nhanh, xảy ra sau khi làm sốc điện để điều trị rung nhĩ. Trong khuôn khổ bệnh nút xoang và bệnh tâm nhĩ, thì những thuật ngữ nhịp chậm “không thích hợp”, hội chứng nhịp chậm-nhịp nhanh, và bloc xoang nhĩ (xem bệnh này) cùng chỉ một hội chứng lão hoá những mô dẫn truyền trên thất, thường hay tiến triển tối rung nhĩ.