(Caulis et radix Fibraureae)
Tên khác: Hoàng liên nam – Thích hoàng – Vàng giang – Nam hoàng.
1. Nguồn gốc, đặc điểm
Là thân và rễ đã phơi sấy khô của cây Hoàng đằng (Fibraurea recisa Pierre và Fibraurea tinctoria Lour.) họ Tiết dê (Menispermaceae).
Đó là những đoạn thân và rễ hình trụ thẳng hoặc hơi cong, dài 10 – 30cm, đường kính 1 – 3cm, có khi tới 10cm.Mặt ngoài màu nâu có nhiều vân dọc và sẹo của cuống lá (đoạn thân) hay sẹo của rễ con (đoạn rễ) để lại. Mặt cắt ngang có màu vàng và có 3 phần rõ rệt: phần vỏ, phần gỗ và phần ruột. Phần gỗ có những tia ruột xếp thành hình nan hoa bánh xe. Hoàngđằng không mùi, vị đắng.
Dược liệu Hoàng đằng đã được ghi trong Dược điển Việt Nam (2002).
2. Thành phần hóa học
Hoàng đằng có chứa nhiều alcaloid, trong đó chủ yếu là palmatin.
3. Công dụng, cách dùng
Dược liệu Hoàng đằng có tác dụng kháng sinh. Được dùng chữa các chứng bệnh: kiết lỵ, đau mắt, viêm ruột, viêm bàng quang, mụn nhọt, mẩn ngứa…
Cách dùng: Uống 6 – 12g/ngày, dạng thuốc sắc. Hoàng đằng còn là nguyên liệu dùng chiết xuất palmatin là một dược chất thông dụng trong sản xuất dược phẩm (viên nén).