Gạo lứt là một loại gạo mới chỉ xát vỏ trấu mà còn nguyên lớp vỏ cám bên trong. Chính lớp vỏ cám này chứa rất nhiều vitamin B1 cũng như nhiều chất dinh dưỡng và vi lượng khác. Người ăn gạo xát trắng lâu ngày còn có thể mắc bệnh tê phù do thiếu vitamin B1. Theo Đông y: Gạo lứt rất bổ và có tác dụng thanh nhiệt, an thần trấn kinh, trừ phiền, có khả năng ngăn sự xuất tiết của dạ dày và đại tràng nên có tác dụng tốt trong điều trị các bệnh đường ruột. Người xưa dùng cháo gạo lứt để phòng ngừa và trừ bệnh tả, lỵ, cầm mồ hôi…
Một trong những công trình nghiên cứu của Giáo sư Nhật Ohsawa khẳng định: gạo lứt “Là một thức ăn tuyệt vời mà tạo hoá dành cho con người”.
Báo American Jounal of Clinical Nutrition (Mỹ) tháng 8/1999 đưa tin: Các nhà khoa học Mỹ đưa ra kết luận của một nghiên cứu: Các loại thực phẩm chế biến từ ngũ cốc chưa xát như bánh mỳ đen và cơm nấu từ gạo lứt có thể làm giảm 30% nguy cơ mắc bệnh tim. Hiệp hội khoa học Mỹ cho rằng khám phá đó giúp cho mọi người lựa chọn lương thực cho mình. Các nhà khoa học đã theo dõi 75.000 phụ nữ trong 10 năm thấy nếu ăn 2 bát cơm rưỡi nấu bằng gạo lứt mỗi ngày thì sẽ giảm được 30% nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Các nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng, nếu như những người phụ nữ đó không mắc bệnh béo phì, không hút thuốc lá thì chắc chắn kết quả sẽ còn cao hơn nhiều.
Nature Medicine 1/2001 cũng đưa tin: Kết quả một công trình nghiên cứu cho thấy những người ăn ngũ cốc thô cũng giảm được 40% nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, một căn bệnh đang có xu hướng gia tăng hiện nay. Public Health 2000 cũng đưa tin: Một công trình nghiên cứu khác cho thấy ở 75.521 đối tượng tình nguyện ăn ngũ cốc thô giảm được tỷ lệ tai biến do các bệnh tim mạch 30 – 40% so với những người ăn ngũ cốc đã xay xát kỹ.
Lớp cùi của gạo lứt có trên 120 chất kháng ôxy hóa, có thể bảo vệ các tế bào của cơ thể khỏi bị xâm hại bởi các gốc tự do. Các chất kháng ôxy hóa được coi như là những người lính bảo vệ tế bào của cơ thể. Chúng “lấy đi viên đạn” khi tế bào cơ thể bị gốc tự do tấn công, do đó tế bào tránh được sự hư hại. Các chất kháng ôxy hóa mạnh ở trong lớp cùi của gạo lứt như CoQ10, acid alpha-lipoic, các proanthocyanidin oligomic, SOD, các tocopherol và tocotrienol, IP6, glutathione, carotenoid, selen, các phytosterol, gamma-oryzanol, lutein và lycopene đều đã giúp cho cơ thể phòng chống và giảm rủi ro đối với các bệnh nói trên.
Nhiều công trình nghiên cứu đã khẳng định rằng gạo lứt có tác dụng kiểm soát, quản lý và làm giảm hàm lượng glucose trong máu của những người bị bệnh đái đường. Lớp cùi của gạo lứt có tác dụng làm giảm hàm lượng glucose trong máu, hàm lượng hemoglobin đã được glycosyl-hóa và cải thiện sự tổng hợp insulin ở các người bị bệnh đái đường type I và type II. Các vitamin nhóm B, gamma-oryzanol, protein, các phức hợp carbohydrate, crôm, polysaccharide, hemicellulose, chất béo, chất xơ, các tocopherol, các tocotrienol và các chất kháng oxy hóa ở trong gạo lứt đều đóng vai trò quan trọng và tích cực trong việc chuyển hóa glucose trong cơ thể, do đó có thể kiểm soát, quản lý và điều hòa hàm lượng glucose trong máu ở người bị bệnh đái đường.