KHÁI NIỆM

Động kinh là những cơn ngắn, khởi phát một cách đột ngột, cơn có biểu hiện định hình, xuất hiện có tính chu kỳ và tái phát. Những biểu hiện này chứng tỏ có sự kích thích quá ngưỡng của các tế bào vỏ não, triệu chứng động kinh thường gặp điển hình nhất là những cơn co giật.

NGUYÊN NHÂN

  • Do sang chấn sọ não: chấn thương, đụng dập do tai nạn giao thông, sinh hoạt…
  • Di chứng các bệnh nhiễm trùng: viêm não, viêm màng não.
  • Bệnh do ký sinh trùng: kén sán trong não.
  • Tổn thương não bộ ở thời kỳ chu sinh: đẻ khó, foócxep, giác hút.
  • Bệnh lý mạch máu não: chảy máu, nhồi máu, dị dạng mạch máu não.
  • Khối choán chỗ trong sọ não: u não, áp xe não.
  • Nhiễm độc: thuốc, rượu, ma tuý.
  • Chuyển hoá, nội tiết: tiểu đường, hạ đường huyết.
  • Yếu tố gia đình: 10% có tính chất gia đình.
  • Một số chưa xác định được nguyên nhân.

TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

Trên lâm sàng, tuỳ theo tính chất kích thích mà chia làm hai nhóm lớn là động kinh cục bộ do kích thích khu trú ở một phần một thuỳ não và động kinh toàn bộ do kích thích lan toả toàn bộ vỏ não.

Mô tả cơn giật điển hình của động kinh toàn bộ cơn lớn

  • Tiền triệu: người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, nặng đầu, nhức đầu chóng mặt. Khoảng 1 đến 2 giây, người bệnh không kịp đối phó và nhanh chóng xuất hiện cơn giật điễn hình gồm các giai đoạn sau:
  • Giai đoạn co cứng: kéo dài từ 10 đến 60 giây.

Người bệnh đột ngột kêu “A” lên một tiếng rồi ngã vật ra bất tỉnh, bất kỳ lúc nào và ở đâu rất nguy hiểm khi gần nước, gần lửa, hoặc đang điều khiển phương tiện giao thông, khi ở trên cao. Toàn thân người bệnh gồng cứng, hai tay co, hai chân duỗi, đau ưỡn ngửa ra sau, ngoẹo sang một bên, hai hàm răng nghiến chặt, ngừng thở, sắc mặt tím tái, nhãn cầu đảo ngược lên trên, người bệnh có thể tiểu tiện không tự chủ do cơ tròn giãn ra.

  • Giai đoạn giật: từ 2 đến 3 phút

Các cơ toàn thân giật mạnh và ngắn, có nhịp đều nhau lúc đầu thưa sau tăng dần và giảm về cuối, hai hàm răng hé mở, lưỡi thập thò, môi mấp máy nên người bệnh dễ cắn phải lưỡi, nhãn cầu giật ngược lên trên hoặc đánh sang ngang hai bên, có thể thấy máu chảy lẫn trong nước bọt do cắn phải môi, lưỡi nên cần chèn gạc khi người bệnh lên cơn.

  • Giai đoạn duỗi’, từ 1 đến 2 phút

Các cơ suy kiệt doãi ra, người bệnh mê hoàn toàn, thở mạnh, tăng tiết đờm dãi, tăng tiết mồ hôi, sau đó da đỡ tím, người bệnh thở đều dần và trở lại bình thường.

  • Giai đoạn hồi phục:

Người bệnh tỉnh dần, ý thức đôi khi còn u ám không hiểu chuyện gì xảy ra với mình, người bệnh trong trạng thái hoàng hôn có thể có những hành vi nguy hiểm như giết người, đập phá, đốt nhà… người bệnh cũng có thể tiếp tục ngủ thiếp hoặc tỉnh hăn. Sau cơn co giật người bệnh cảm thấy mệt mỏi, vì mất ý thức từ đầu nên không mô tả được diễn biến cơn giật của mình.

Động kinh toàn bộ cơn nhỏ

Cơn xảy ra nhanh từ 1 giây đến 10 giây, nhiều lần trong ngày, gặp nhiều ở trẻ em, biểu hiện khác nhau: cơn co thắt, cơn giật cơ, cơn đột ngột mất trương lực, cơn vắng ý thức.

Cơn động kinh cục bộ

Gồm các loại: cục bộ vận động, cục bộ thái dương (động kinh tâm thần vận động) người bệnh có biểu hiện như liếm môi, nhai, tặc lưỡi, gãi, xoa tay, lục túi, hoặc đọc thuộc lòng một câu nói định hình nào đó, có thể người bệnh thấy ảo thính, ảo thị, ảo khứu.

CHĂM SÓC

Nhận định

  • Nhận định cơn, trường hợp chứng kiến được cơn thì việc chẩn đoán tương đối dễ. Nhưng phần nhiều là do người nhà, người xung quanh hoặc bản thân người bệnh kể lại, do đó cần phải phân biệt với cơn chức năng.
  • Người bệnh đang có cơn động kinh cần xem mức độ, tính chất cơn: đột ngột, định hình, chú ý cơn giật đầu tiên, vị trí cơn giật đầu tiên, cơn cục bộ hay cơn toàn bộ.
  • Thời gian xảy ra cơn, yếu tố thuận lợi gây cơn, cơn tái phát, hôn mê.
  • Người bệnh có gặp nguy hiểm khi xảy ra cơn động kinh không.
  • Điều trị có cắt được cơn không?
  • Tiền sử người bệnh: tiền sử sản khoa đối với trẻ em, tiền sử chấn thương đối với người lớn.

Lập kế hoạch

  • Nhanh chóng cắt cơn động kinh bằng mọi biện pháp.
  • Thực hiện y lệnh nhanh chóng, chính xác.
  • Duy trì đường truyền dịch.
  • Đảm bảo an toàn cho người bệnh khi đang trong cơn.
  • Làm thông đường thở, lau sạch đờm dãi.
  • Giảm lo lắng cho người bệnh.
  • Hướng dẫn cách phòng bệnh và dùng thuốc duy trì.

Thực hiện kế hoạch chăm sóc

Ngay lập tức đưa người bệnh vào nơi an toàn, nới rộng quần áo, giữ tay chân (không đè quá chặt), bảo vệ đầu khi ngã, trong cơn giật mạnh không nên di chuyển trừ khi đang ở nơi nguy hiểm.

Để đầu hơi cúi về phía trước, chèn gạc giữa hai hàm răng, lau đờm dãi chảy ra để tránh sặc vào phổi.

Không nên cố gắng khống chế động tác giật, không để người bệnh gần các vật sắc nhọn, không cho người bệnh ăn, uống bất cứ thức ăn, thuốc, nước để tránh cắn vào lưỡi và sặc vào đường hô hấp.

Nhanh chóng thực hiện y lệnh tiêm thuốc chống động kinh, không cho uống thuốc khi đang giật, đang ngủ hoặc đang hôn mê, không để đầu ngửa ra sau khi uống thuốc.

Giải thích và luôn ở bên cạnh người bệnh khi bắt đầu tỉnh, giữ người bệnh tại giường, hồi sức toàn diện cho người bệnh.

Hướng dẫn cho người bệnh cách phòng bệnh.

Phòng bệnh nói chung: quản lý thai nghén, bảo vệ bà mẹ trẻ em, phòng chống các bệnh xã hội, phát hiện sớm bệnh động kinh không rõ nguyên nhân, tiêm chủng đầy đủ đối với trẻ sơ sinh, chống các bệnh nhiễm khuẩn, chú ý vấn đề dinh dưỡng, an toàn giao thông và sinh hoạt, thực hiện đúng nguyên tắc dùng thuốc.

Loại bỏ yếu tố thuận lợi gây cơn, sinh hoạt điều độ, sử dụng thuốc đúng chỉ định, tìm hiểu dấu hiệu báo trước khi có cơn động kinh như đột ngột sợ hãi, nhanh chóng cho người bệnh năm để tránh bị thương, chế độ lao động đúng mức, thức ngủ đúng giờ, tránh công việc gây nguy hiểm như làm việc trên cao, dưới nước, gần lửa, lái xe, lái tàu, làm việc lâu ngoài nắng, kiêng rượu tuyệt đối bất cứ ở dạng nào (uống, thuốc xoa, xoa bóp cồn, nước hoa có độ cồn cao), tránh nhịn đói dễ gây hạ đường huyết là yếu tố thuận lợi gây cơn động kinh, tránh mệt mỏi về tinh thần, tránh các kích thích.

Đánh giá

Việc chăm sóc được coi là có kết quả khi :

  • Người bệnh qua cơn an toàn, không bị tai nạn, thương tích, di chứng.
  • Không bị cắn vào môi, lưỡi hoặc sặc đờm dãi.
  • Người bệnh được theo dõi chặt chẽ sau khi lên cơn động kinh.
  • Người bệnh giảm bớt lo lắng.
  • Người bệnh hiểu biết cách phòng bệnh, điêu trị và sử dụng thuốc động kinh.
  • Không tái phát cơn.
0/50 ratings
Bình luận đóng