Hiện nay việc tập dưỡng sinh nâng cao sức khoẻ được nhiều người ưa thích. Ngoài việc thực hiện đúng các động tác, người theo tập cần phải chú ý những điều sau đây để việc tập đạt được kết quả cao nhất.
Chuẩn bị tư tưởng
Khi tiến hành tập thể dục chữa bệnh cần phải có lòng tin vào kết quả khả quan. Người tập dưỡng sinh phải bình tĩnh, kiên trì. Nếu có lòng tin và kiên trì mọi bệnh tật sẽ bị đẩy lùi. Cần tránh tư tưởng chán nản, buông xuôi, thiếu kiên nhẫn, ít tập luyện hoặc tập luyện không đều đặn. Thông thường, người bị bệnh tính tình thất thường, căng thẳng do can hư hoả vượng. Vì thế, khi tập luyện không nên nóng nẩy dễ dẫn đến sai lệch động tác. Nếu gặp phải động tác khó, chuyển động chậm, nên tập từ từ rồi sẽ quen và luôn phải nghĩ tập để sức khoẻ tốt hơn thì mọi khó khăn sẽ qua đi. Sau một thời gian tập luyện sẽ thấy tâm tính thay đổi. Đó cũng là lúc sức khoẻ được cải thiện.
Thời gian, cường độ, địa điểm tập
Tốt nhất là tập vào lúc sáng sớm khi chưa ăn gì hoặc trước khi đi ngủ khoảng 30 phút. Không nên tập quá lâu vì không phải cứ tập nhiều là tốt. Thời gian tối đa cho mỗi buổi tập là 1 giờ. Nơi tập luyện có thể là ngoài trời hoặc ở trong nhà cũng được, nhưng nhất thiết chỗ tập phải thoáng, không bị gió lùa, sạch sẽ, yên tĩnh. Cần kiên trì tập luyện bất kể nắng mưa, giá lạnh, nhưng lại không được tập khi người không khoẻ. Thời gian đầu nên tập từ từ để các cơ quan nội tạng quen với sự thay đổi, sau đó mới dần dần nâng lượng vận động. Nếu sau buổi tập thấy người sảng khoái, thở tốt, tinh thần thoải mái… chứng tỏ bài tập được thực hiện đúng và có tác dụng.
Trang phục tập luyện
Nên mặc sao không cảm thấy lạnh hay ấm quá. Chất liệu của quần áo phải mềm, thấm mồ hôi. Nên may rộng rãi, không quá chật hay quá rộng. Vào mùa đông khi đi tập nên khoác thêm chiếc áo ấm để tránh cảm lạnh. Trước khi bỏ áo khoác nên vận động một lúc cho ấm người. Sau khi tập phải mặc ngay áo khoác. Nếu áo quần bị ướt phải thay bằng quần áo khô ráo để không bị cảm lạnh. Giầy, mũ, tất, phải nhẹ, thấm mồ hôi, không quá chật hoặc quá rộng sẽ ảnh hưởng đến lưu thông khí huyết và gây cảm giác khó chịu khi luyện tập.
Ăn uống
Song song với việc tập luyện thì chế độ ăn cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp. Nên ăn đúng giờ, ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn quá no. Sau một thời gian tập sẽ ăn nhiều hơn và ngon miệng hơn. Vì thế cần điều chỉnh mức ăn để bảo đảm cung cấp được lượng calo, vitamin và khoáng chất cần thiết. Tốt nhất là ngày ăn 3 bữa, sáng ăn nhẹ, trưa ăn chính, chiều tối giảm đi một chút. Trước khi tập không nên ăn. Sau khi tập nên uống một cốc nước lọc, sữa hoặc nước hoa quả, 30 phút sau mới được phép ăn nhẹ. Nên ăn các thức ăn dễ tiêu, tránh các thức ăn nóng, chua, cay, đặc biệt không nên uống rượu bia trước và sau khi tập 30 phút.