BỒNG BỒNG
Folium calotropis
Cây Bồng bồng
Tên khác: Nam tì bà, cây Lá hen, Bông bông, bàng biển, cốc may (Tày).
Tên khoa học: Calotropis gigantea R. Br., họ Thiên lý (Asclepiadaceae).
Mô tả:
Cây nhỏ, cao 2-3m. Thân đứng, phân nhiều cành. Vỏ thân lúc non khía rãnh, màu vàng nhạt, vỏ già màu xám trắng. Cảnh phủ lông dạng phấn, trắng như bông. Lá mọc đối có phiến dày, mép nguyên, cuống rất ngắn hoặc gần như không có cuống, gốc hình tim, đầu tù hơi nhọn, hai mặt đều có mầu lục xám, mặt dưới có lông trắng như phấn. Ở gốc lá mặt trên có tuyến và một hàng lông màu vàng nâu.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành thành xim gồm nhiều tán; hoa màu trắng; đài 5, thùy hình trứng, mặt ngoài có lông; tràng hợp hình bánh xe, thùy hình mũi mác, tràng phụ gồm 5 bộ phận có một cựa cuộn hình thoa ở gốc, chỉ nhị đính liền nhau thành một ống che chở cho nhụy.
Quả gồm hai đại, hình giáo, thuôn nhọn dần về phía đầu, chứa nhiều hạt có màng lông. Toàn cây có nhựa mủ.
Mùa hoa quả: tháng 5-8
Bộ phận dùng: Lá phơi hay sấy khô của cây Bồng bồng (Folium calotropis).
Phân bố: Loài của Ấn Độ, Xri Lanca, Mianma, Trung Quốc, Việt Nam, Inđônêxia, Malaixia. Ở nước ta cây mọc nhiều nơI từ bắc chí Nam. Thường mọc trên đất có cát ở các tỉnh ven biển, nhưng cũng gặp ở đồng bằng và cả ở vùng trung du. Cây cũng thường được trồng bằng những đoạn cành.
Thành phần hoá học : calotropin.
Công năng: Tiêu độc, tiêu đờm, giáng nghịch, trừ ho.
Công dụng:
Cây trồng làm cây cảnh, làm hàng rào. Lá thường dùng trị ho, hen suyễn, lở ngứa. Còn dùng chữa ngộ độc, rắn cắn, mụn mủ, bướu, đinh nhọt, đau răng, đau miệng, đau mắt, đau tim, bệnh hoa liễu, bệnh đậu mùa, bệnh ngoài da, vết cắn, vết đứt và các vết thương khác.
Cách dùng, liều lượng: Ngày 6-12g dưới dạng nước sắc, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
Ghi chú:
– Loài Bồng bồng núi (Calotropis procera R. Br (Sodom apple)) cũng được dùng. Cây thấp hơn, hoa mầu trắng thơm, pha tím ở mặt trong,
Không nhầm với cây Bồng bồng

thuộc họ Hành (Liliaceae).

– Lá khô của cây Nhót tây hay Nhót Nhật Bản (Eryobotrya japonica Lindl.) gọi là Tỳ bà diệp, chú ý tránh nhầm lẫn.

0/50 ratings
Bình luận đóng