LANOLIN
Adeps lanae
Lanolin được điều chế từ phần chất béo của lông cừu, là dư phẩm của kỹ nghệ sản xuất len.
Lông cừu có chứa đến 50% chất béo, bao gồm cerid (lanolin), acylglycerol và các thành phần khác. Lông cừu sau khi cắt được ngâm với dung môi hữu cơ hoặc dung dịch kiềm loãng, bốc hơi dung môi hữu cơ (hoặc phá vỡ nhũ dịch bằng cách cho acid vô cơ vào, lanolin sẽ nổi lên mặt nước cùng với acid béo) ta sẽ thu được lanolin thô. Sau đó loại acid béo bằng kiềm, tinh chế bằng cách làm nóng chảy nhiều lần, hoà tan trong các dung môi khác nhau, dùng chất hấp thụ, chất oxy hoá v.v… ta sẽ thu được lanolin tinh khiết.
Lanolin là chất đặc màu vàng, độ chảy 38 – 42oC, có thành phần phức tạp, bao gồm các cerid – este của các alcol có phân tử lượng cao với các acid béo thông thường (C10 – C26) và các acid α – hydroxy có số carbon C12-C18, đôi khi có các acid béo có mạch nhánh. Ngoài ra còn có các hợp chất sterol: Cholesterol, lanosterol, dihydrolanosterol.
Lanolin phối hợp với vaselin được dùng làm tá dược thuốc mỡ. Do trong thành phần có cholesterol, thuốc mỡ có lanolin dễ hấp thụ qua da. Ngoài ra do tính chất giữ nước lanolin còn được dùng làm chất nhũ hoá trong nhũ dịch nước dầu, hoặc pha chế thuốc mỡ có các hoạt chất cần được hoà tan trong nước.
https://hoibacsy.vn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ và cs. (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà

Nội

Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.

0/50 ratings
Bình luận đóng