Tại Đại hội Thế giới về bệnh Tim mạch được tổ chức tại Atlanta Mỹ, theo Bác sĩ Sidney c. Smid, một chuyên gia nổi tiếng của Mỹ thì 25% số người bị nhồi máu cơ tim đã tử vong ngay lần nhồi máu đầu tiên.
Cùng với tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim là cơn ác mộng không chỉ của người cao tuổi mà còn là cơn ác mộng của những người làm công tác quản lý. Đây là hai tai biến thường gặp nhất, vô cùng nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh tăng huyết áp và vữa xơ động mạch. Cùng với sự phát triển của xã hội, nhồi máu cơ tim được coi là bệnh của nền văn minh, là một biến chứng nguy hiểm của bệnh vữa xơ động mạch và Tăng huyết áp, rất thường gặp ở người trung và cao tuổi, gây suy giảm sức khoẻ, mất khả năng lao động và tỷ lệ tử vong rất cao.
Nhồi máu cơ tim là gì?
Nhồi máu cơ tim được định nghĩa là Sự tắc nghẽn đột ngột động mạch vành, là động mạch nuôi dưỡng cơ tim làm một phần cơ tim bị thiếu máu, dẫn đến xơ hoá, hoai tử một phần cơ tim.
Triệu chứng thường gặp
Là những cơn đau thắt ngực xảy ra một cách đột ngột, dữ dội và kéo dài trên 20 phút. Đau lan ra mặt trong cẳng tay, cánh tay, lan lên hàm mặt, ra sau lưng… Đặc biệt là không giảm đau khi dùng các thuốc giảm đau thông thường như Nitroglycerin.
Giáo sư Phạm Tử Dương, chuyên viên Tim mạch Bộ Quốc phòng khẳng định: Có nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành được thế giới công nhận cũng thấy có ở người Việt Nam như tuổi cao, rối loạn chuyển hoá lipid, hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường…
Theo Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Huy Dung – Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, qua 127 ca nhồi máu cơ tim trong 4 năm 1981 – 1985 tại bệnh viện Chợ Rẫy thì chỉ có 2/3 (68,5%) bệnh nhân có đau là triệu chứng điển hình, gần 1/3 hoàn toàn không có cảm giác đau. Hơn nữa, không phải bao giờ cũng chỉ đau ở ngực, nhiều trường hợp khởi đầu lại đau ở bụng như một viêm loét dạ dày tá tràng, viêm túi mật…
Người bệnh thường rơi vào cảm giác bàng hoàng, lo sợ, vã mồ hôi…, bệnh nhân có thể có cảm giác khó thở, mệt lả, loạn nhịp tim. Đôi khi còn có thể có triệu chứng rối loạn tiêu hoá như đi ỉa chảy, nôn, buồn nôn, nấc… Sau vài giờ có thể có các triệu chứng tụt huyết áp, sốt, hoa mắt, chóng mặt… Nhiều trường hợp chỉ có cảm giác khó thở, tụt huyết áp mà tiên lượng lại nặng hơn rất nhiều. Chẩn đoán nhồi máu cơ tim thường phải dựa vào điện tâm đồ và một số xét nghiệm máu.
Nhồi máu cơ tim thường xảy ra trong các hoàn cảnh bệnh nhân đang gắng sức như lao động nặng, leo núi, khuân vác nặng… có thể gặp ngay cả khi đang nghỉ ngơi.
Thường hay gặp khi bệnh nhân bị những cảm xúc âm tính như tức giận, lo âu quá mức… hoặc sau khi uống rượu say, sau ăn quá no… Thông thường, nhồi máu cơ tim xảy ra trên người bệnh đã có tiền sử đau thắt ngực, gia đình đã có người mắc bệnh tương tự. Hiện nay, đã có nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy nhồi máu cơ tim còn có liên quan đến các yếu tố nhiễm trùng.
Nhồi máu cơ tim là một cấp cứu nội khoa. Người bệnh cần được nhanh chóng điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực.
Một cách đơn giản phát hiện sớm nhồi máu cơ tim
Làm sao có thể phát hiện sớm những người có nguy cơ nhồi máu cơ tim trong khi trên thực tế có đến 1/3 số người bị nhồi máu cơ tim có lượng cholesterol ở mức độ bình thường và không ít người nhồi máu cơ tim mà trước đó chưa hề có cơn đau thắt ngực.
Tại Đại hội Thế giới về bệnh Tim mạch được tổ chức tại Atlanta – Mỹ, Bác sĩ Phillipe Greenland đề xuất một thử nghiệm đơn giản nhằm phát hiện sớm căn bệnh giết người – Nhồi máu cơ tim. Chỉ với sự giúp đỡ của thầy thuốc, với máy đo huyết áp thông dụng, bạn hãy đề nghị đo huyết áp cho bạn ở hai vị trí tại mắt cá chân (HAMCC) và ở tay (HAT). Thương số của hai chỉ số nói trên (HAMCC:HAT) nếu là 0,9 hoặc thấp hơn nữa thì nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim tăng tới 4 lần hoặc hơn nữa.
Đo huyết áp là một việc bạn có thể dễ dàng thực hiện được tại y tế cơ sở. Nếu chỉ số trên cho thấy bạn nằm trong vùng nguy hiểm thì hãy nên kiểm tra sức khoẻ một cách toàn diện và áp dụng các biện pháp dự phòng và chữa bệnh theo hướng dẫn của thầy thuốc. Các bạn sẽ có những lời khuyên cần thiết nhằm dự phòng sớm nguy cơ nhồi máu cơ tim.