CỐT KHÍ MUỒNG
Semen Cassiae occidentalis
            Cốt khí muồng là hạt phơi khô của cây cốt khí muồng, còn có tên khác là vọng giang nam, muồng lá khế, dương giác đậu (muồng sừng dê) – Cassia occidentalis L., họ Vang Caesalpiniaceae.
Đặc điểm thực vật
            Cây mọc dại ở các bãi hoang, nhỏ cao 1 -2m, sống một năm hoặc nhiều năm. Cây nhẵn, lá mọc so le. Lá kép lông chim chẵn gồm 4 – 5 đôi lá chét. Toàn lá dài 20cm hoặc hơn. Gốc lá kép có một tuyến lớn màu nâu đen. Lá chét dài 4 -9cm, đỉnh nhọn, lá kèm hình sợi sớm rụng. Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá hay đầu cành. Cánh hoa màu vàng. Nhị 10, 3 nhị lép, bầu có lông. Qủa loại đậu dài 6 – 15cm, rộng 5 -7mm, dẹt, hơi cong và hơi thắt lại giữa các hạt. Hạt dẹt dài 6mm rộng 4mm. Vỏ hạt cứng nhẵn bóng.
Thành phần hóa học
            Hạt có: physcion, emodin, 1,8-dihydroxy-2-methyl anthraquinon, 1,4,5-             -trihydroxy 7-methoxy anthraquinon, physcion glucosid, ararobinol. Chất nhầy trong hạt cốt khí muồng thuộc loại galactomannan. Trong hạt còn có N-methylmorpholin.
            Lá có rất ít anthranoid. Hai flavonoid đã được phân lập từ lá: matteucinol-7-rhamnnosid và jacedin-7-rhamnosid (matteucinol = 5,7-dihydroxy 4-methoxy 6,8-dimethyl flavanon; jacedin = 5,7,4′-trihydroxy 3,6,3′-trimethoxy flavon).
            Hoa có: physcion, emodin, physcion glucosid.
            Rễ có: chrysophanol, physcion, emodin, islandicin, helminthosporin. Ngoài ra còn có một dẫn chất xanthon là cassiolin và phytosterol.
Công dụng
            Y học dân tộc cổ truyền dùng hạt với tác dụng nhuận, giúp tiêu hóa, chữa táo bón mãn tính, chữa tê thấp. Ngoài ra còn dùng như thảo quyết minh để chữa đau mắt. Ở Ấn độ hạt được rang lên uống có tác dụng thông tiểu, chữa ho và chữa co giật của trẻ em. Ở Ai cập người ta dùng hạt rang lên xay trộn với cà phê với tỉ lệ 1:1.
            Y Học cổ truyền còn dùng lá làm thuốc hạ nhiệt và rễ làm thuốc bổ và lợi tiểu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
0/50 ratings
Bình luận đóng