Trà vừa có giá trị dinh dưỡng vừa có tác dụng phòng chữa một số bệnh nhất định. Trong nước trà không những có đường, chất protein và vitamin, mà còn có cả một số chất khoáng có ích cho cơ thể mà trong các thức ăn khác có rất ít như đồng, fluor, mangan, kẽm, stơrôn, magiê. Thành phần dược lí chủ yếu có caffeine, theocin, tannic acid, vitamin pp v.v… uống nước trà có tác dụng giải nhiệt, làm tăng hưng phấn, sinh nước bọt, lợi tiểu, giải độc, chẳng thế mà có biết bao người ở bao nhiêu nước đều thích uống nước trà. Người Nhật Bản rất sành uống nước trà, họ đã tổng kết mười lợi ích của uống nước trà như sau:
- Giải trừ mệt mỏi.
- Thúc đẩy mạnh việc thay thế chuyển hóa trong cơ thể.
- Làm phấn chấn tinh thần.
- Tăng cường sức nhớ của bộ não.
- Phòng ngừa sâu răng.
- Chống ung thư.
- Phòng ngừa những bệnh như xơ cứng động mạch, cao huyết áp và tắc mạch máu não.
- Làm hưng phấn thần kinh trung khu, tăng cường khả năng vận động của cơ bắp.
- Giảm béo.
- ức chế sự suy lão, kéo dài tuổi thọ.
Uống nước trà tuy có nhiều lợi ích như vậy, nhưng cũng không phải như một số người nói: “Uống nước trà chỉ có lợi không có gì hại cả”. Nói như vậy quả là quá ư thiên lệch, bởi vì bất cứ một sự vật gì đã có cái lợi thì tất cũng phải có cái hại của nó, ở đây, việc uống nước trà cũng vậy mà thôi: Uống nước trà thực ra không phải là tốt và có lợi đối với tất cả mọi người, mọi lúc. Tất cả những cái lợi của uống nước trà, ở trong một điều kiện nhất định nào đó thì lại chính cũng thành cái hại của nó. Ví dụ như uống nước trà quả là có thể gây phấn chấn tinh thần, làm hưng phấn thần kinh, đẩy mạnh việc thay thế chuyển hóa chất trong cơ thể, nhưng trái lại nó cũng sẽ làm cho người ta nôn nóng, thổn thức đến mất ngủ và với những người đã ốm lâu ngày cần tĩnh dưỡng thì lại không sao có thể nghỉ ngơi một cách tĩnh tại và có lợi nhất được; đồng thời nó cũng sẽ lại gây những tác dụng phụ đối với việc điều trị bệnh và khôi phục sức khỏe cho những người bị bệnh lao và bị những bệnh nặng khác.
Uống nước trà quả là có tác dụng làm tăng cường công năng của tim và làm giãn nở huyết quản của hệ thống mạch vành của tim, nhưng trái lại, nó cũng sẽ có thể làm tăng thêm gánh nặng cho tim của những người đang bị bệnh ở mạch vành của tim. Uống nước trà quá nhiều còn có thể làm cho huyết áp tăng cao, tim đập quá nhanh, thậm chí dẫn tới tình trạng rối loạn nhịp đập của tim và làm giảm thiểu máu chảy vào đại não, như vậy rất bất lợi với những người bị bệnh ở tim mạch.
Uống nước trà sau khi ăn cơm có thể giảm bớt sự hấp thu của cơ thể đối với các chất béo, chất protein, đồng thời có thể hạ thấp cholesterol, vì thế, đối với những người béo có thể nhờ đó mà làm giảm béo đi; nhưng đối với những người ốm yếu, cơ thể suy nhược, kém dinh dưỡng thì uống nước trà sau bữa ăn như vậy sẽ làm bệnh tình nặng thêm lên, gây hậu quả rất không tốt cho việc điều trị bệnh và bồi dưỡng sức khỏe.
Các chất theocin, tannic acid và caffeine trong trà có tác dụng kích thích khá mạnh đối với niêm mạc dạ dày và ruột, đồng thời cũng có tác dụng làm rối loạn sự tiết ra các chất dịch ở dạ dày và ruột, vì thế đối với những người bị bệnh viêm loét ở đường tiêu hóa, tình trạng tiêu hóa không tốt, ăn không tiêu, không nên uống nhiều nước trà, nhất là nước trà đặc.
Chất tannic acid trong trà rất dễ kết hợp với chất sắt ở trong thức ăn đã nghiền nát và chất sắt ở trong thuốc bổ máu có chất sắt ở đường ruột, sinh ra chất lắng đọng ở thành ruột làm trở ngại đến sự hấp thu chất sắt của niêm mạc ruột. Do đó mà đối với những trẻ nhỏ đang ở thời kỳ sinh trưởng, cơ thể đang rất cần bổ sung lượng lớn chất sắt vào cơ thể và những người bệnh đang thiếu máu cũng đều không nên uống nước trà, nhất là nước trà đặc.
Những người có bệnh tê thấp, có thành phần uric acid ở trong nước tiểu cũng không được uống nhiều nước trà, vì tannic acid trong trà sẽ ảnh hưởng rất bất lợi đối với bệnh này.
Chất caffeine trong nước trà có tác dụng làm hưng phấn thần kinh trung khu, những người có chứng bệnh hay nôn nóng, sốt ruột, bụng nôn nao cồn cào, hay lo nghĩ buồn phiền, uống nước trà sẽ có thể làm cho chứng bệnh càng thêm nặng lên.
Uống nhiều nước trà vào lúc sáng sớm vừa mới ngủ dậy, bụng còn đang đói sẽ làm loãng dịch vị, pha loãng vị toan, làm ảnh hưởng đến tiêu hóa của bữa ăn sáng và sẽ làm cho thận phải làm việc nhiều, xuất hiện tình trạng tiểu tiện nhiều lần, lượng nước tiểu tăng lên, tim đập mạnh và loạn nhịp, dễ hốt hoảng; mặt khác, còn làm trở ngại đến sự hấp thu chất sắt và vitamin B1 trong cơ thể.
Những phụ nữ đang ở thời kỳ hành kinh, thời kỳ thai sản và cho con bú, các người già, thể lực kém, những người bệnh đang bị sốt, đều không được uống nước trà. Khi bụng đang đói, sau khi uống rượu, uống bia, khi uống thuốc cũng không được uống nước trà. Ngay kể cả những người lớn, khỏe mạnh cũng chỉ nên uống nước trà vừa phải thôi. Cổ ngữ có câu nói chí lí: “Ăn cái gì quá nhiều, uống cái gì quá lắm cũng đều có hại cả”.
Nước trà pha loãng và uống với lượng cần thiết rõ ràng là rất có lợi cho sức khỏe và có tác dụng kéo dài tuổi thọ. Còn uống nước trà đặc với lượng quá nhiều trong những điều kiện không phù hợp (đã nói trên) thì đều sẽ phát sinh hàng loạt tác dụng phụ rất bất lợi cho cơ thể.