CHÚT CHÍT
Radix Rumicis
Dược liệu là rễ cây một số loài chút chít – Rumex có chứa anthranoid như: Rumex wallichii Meissn., R. crispus L. , họ Rau răm – Polygonaceae.
Đặc điểm thực vật
Chút chít là cây thảo sống nhiều năm, cao đến 1m, thân ở gốc có đường kính gần 1cm, ít phân nhánh, có rãnh dọc. Lá mọc so le, các lá ở gốc có kích thước lớn hơn các lá phần trên. Phiến lá dài 30 – 40cm rộng tới 5cm, mép nguyên, các lá ở giữa có cuống ngắn và phiến hẹp hơn, các lá phía trên cũng có phiến rất hẹp, đầu nhọn dài và đáy thắt dần thành cuống không rõ. Bẹ chìa mỏng , khá phát triển. Hoa họp thành chùy ở ngọn, mang rất nhiều hoa, mọc sít nhau nhất là phần đỉnh. Cuống hoa có đốt ở gần gốc. Bao hoa có hai vòng, mỗi vòng có 3 lá đài. Nhị 6 đính ở gốc của bao hoa. Bao phấn đính gốc. Bầu có hình 3 cạnh, 3 vòi nhụy ngắn, rời. Qủa hình ba cạnh nằm trong bao hoa tồn tại.
Bộ phận dùng
Rễ thu hoạch vào mùa thu. Đào lấy rễ già, rửa sạch, bỏ rễ con, thái mỏng phơi hay sấy khô.
Thành phần hóa học
Năm 1973 L. Ciulei và cộng sự đã nghiên cứu rễ chút chít – R. wallichii của Việt nam định lượng thấy hàm lượng anthranoid là 2,05% và bằng S.K.L.M. đã xác định có chrysophanol và emodin.
Năm 1972 Fairbairn và Mutadi đã nghiên cứu 19 loài của chi Rumex và thấy rằng trong tất cả các loài nghiên cứu đều chứa chrysophanol, emodin và physcion. Các chất này có mặt trong tất cả các bộ phận của cây và ở cả 3 dạng: tự do, O và C-glycosid. Đặc biệt một vài loài thấy có vết rhein và một số loài khác còn phân lập được 2 chất có nhóm carboxyl như rhein và chỉ có dạng C-glycosid.
Tác dụng và công dụng
Năm 1960 G. Hermann, L. Ciulei, Đỗ Tất Lợi, Ngô Ứng Long (Y học tạp chí 2 – 1960) đã thử tác dụng cao lỏng và thuốc hãm rễ chút chít – Rumex wallichii trên ruột thỏ cô lập thấy có tác dụng tăng nhu động ruột.
Có thể dùng uống làm thuốc nhuận tràng chữa bệnh táo bón, ăn chậm tiêu. Liều dùng để nhuận tràng 1 – 3g, dùng dưới dạng thuốc sắc thuốc pha hay thuốc bột.
Nhân dân ta vẫn dùng lá xát vào những chổ bị nấm hắc lào hoặc dùng nước sắc lá và rễ để rửa các mụn ghẻ.
https://hoibacsy.vn
style="margin-top: 6pt;text-align: right">
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.