Chứng Vị cường Tỳ nhược là chỉ công năng ngấu nhừ thủy cốc ở Vị quá mạnh, công năng vận hoá của Tỳ giảm yếu dẫn đến chứng hậu Vị nhiệt Tỳ hư, nguyên nhân phần nhiều là ăn bừa thứ béo ngọt, trùng tích hoặc trung tiêu nhiệt kết gây nên.
Biểu hiện chủ yếu của chứng này trên lâm sàng là chóng tiêu hay đói, thể trạng gầy còm, nhộn nhạo bụng trướng, đại tiện lỏng loãng hay tâm phiền chóng mặt, hoặc phát sinh Hoàng đản, hoặc hay ăn vật lạ, lông tóc khô giòn, rêu lưỡi vàng, chất lưỡi đỏ, mạch Tế Huyền đới Sác.
Chứng này thường gặp trong các bệnh “Hoàng đản”, “chứng Cam ở trẻ em”.
Cần phân biệt với “chứng Vị nhiệt”.
Phân tích
Chứng Vị cường Tỳ nhược thường gặp trong nhiều loại tật bệnh, biểu hiện lâm sàng thường khác nhau. Như xuất hiện trong bệnh Hoàng đản, thì nhộn nhạo ăn vào trướng bụng, tâm phần chóng mặt, đại tiện lỏng loãng, bệnh lâu ngày sẽ dẫn đến Hoàng đản, sách Kim quỹ gọi là Cốc dản, nguyên n hân phần nhiều là Vị nhiệt quá thịnh, Tỳ hư tiết tả gây nên. Sách Loại chứng Trị tài viết: “Vị thực thì Bĩ mà nhiệt, Tỳ hư thì sau khi ăn vào tức bụng, điều trị nên điều lý Tỳ Vị, tiêu thực hoà trung, chọn dùng bài Tiểu sài hồ thang (Thương hàn luận) gia Bạch truật, Chỉ xác, Sơn chi…
Nếu chứng Vị cường Tỳ nhược xuất hiện trong “chứng Cam của trẻ em” đa số là: da thịt gầy còm, lông tóc phờ phạc, hai mắt lờ đờ, bụng to nổi gân xanh, đại tiện tanh hôi, tiểu tiện vẩn đục, phiền nhiệt không yên, ngoáy mũi, gặm áo, ham ăn vật lạ v.v… Đây là do hậu thiên mất điều hoà, ăn nhiều đồ béo ngọt, tích trệ lâu ngày hoặc là có ký sinh trùng, hoặc uống thuốc khắc phạt quá độ đến nỗi Tỳ hư không chuyển vận được, Vị nhiệt hao tổn tân dịch. Sách Tiểu nhi dược chứng trực quyết nói: “Bệnh Cam là bệnh của Tỳ Vị, do mất tân dịch gây nên”; điều trị theo ba phép tiêu đạo, hoặc tiêu bổ cùng dùng, hoặc lấy phép bổ làm chủ yếu, chọn dùng bài Đổng thị cam tích phương (Au khoa xu ngôn) gia giảm.
Tỳ Vị là gốc của hậu thiên, phân bố tinh vi của thủy cốc, con người nhờ đó mà sống. Hàng ngày hay ăn đồ cay nóng và thức sống lạnh, rất dễ gây nên bệnh này.
Chứng Vị cường Tỳ nhược xuất hiện nêu rõ: Tỳ Vị đã tổn thương, trong quá trình diễn biến của tật bệnh có thể do Vị nhiệt hun đốt tân dịch dẫn đến tiêu khát, có triệu chứng khát nhiều uống nhiều, chóng tiêu hay đói mà tiểu tiện nhiều; cũng có thể do Tỳ Vị bị hao tổn, lâu ngày dẫn đến Trung khí suy bại, nguyên khí hao tổn, xuất hiện chứng gầy còm đoản hơi yếu ớt, hễ động làm thì vã mồ hôi, kém ăn tinh thần uỷ mị… Đó là chứng trạng Vị khí tuyệt rất nghiêm trọng.
Chẩn đoán phân biệt
Chứng Vị nhiệt với chứng Vị cường Tỳ nhược: Vi chủ thu nạp, ngấu nhừ đồ ăn, Tỳ chủ ận hoá, hai thứ này hiệp điều với nhau tiến hành sự hấp thu và tiêu hoá nuôi cơ thể. Nhưng bản thân mỗi cơ quan đều có công năng sinh lý bình thường của bản thân nó; lâm sàng có thể phát bệnh đơn độc, cũng có thể đồng thời cũng có thể nhân quả lẫn nhau. Chứng Vị nhiệt là chỉ ăn các thức xào, rán, cay, nóng, hoặc là Can hoả hoành nghịch phạm Vị, nhiệt tà kết ở Dương minh, dẫn đến Vị phủ bị nung nấu t ích nhiệt, Vị khí mất điều hoà làm cho Vi quản trướng đau, khát nước uống lạnh, dễ tiêu hay đói, nôn nước chua, hôi miệng táo bón, chân răng sưng đau, lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng, mạch Hoạt Sác… Yếu điểm để chẩn đoán phân biệt với chứng Vị cường Tỳ nhược là: cả hai đều có biểu hiện lâm sàng là Vị nhiệt, nhưng loại trên hiện tượng nhiệt rõ ràng hơn loại sau; loại sau có chứng trạng Tỳ vận chuyển kém và Tỳ khí hư nhược rõ ràng hơn như: đại tiện lỏng loãng, sau khi ăn vào trướng bụng: Bệnh chứng loại trên chủ yếu là ở Vị; bệnh biến loại sau là Tỳ Vị đồng bệnh.
Trích dẫn y văn
– Bệnh Dương minh thấy mạch Trì, không ăn được no; Nếu ăn no thì phát phiền chóng mặt, khó tiểu tiện. Đây là bệnh muốn chuyển thành chứng Cốc đản. Tuy dùng thuốc hạ mà bụng vãn đầy như cũ, sở dĩ như vậy là vì có mạch Trì (Kim Quỹ yếu lược).
– Ăn vào dễ no, khi no thì đầy trướng, đó là Vị cường Tỳ nhược vậy (Y học kiến năng).
– Hay ăn mà gầy còm là Vị có hoả tà ẩn náu; Bệnh ở khí phần thì ăn được, Tỳ hư thì cơ nhục teo lại mà ăn cũng kém (Đông viên thập thư).