Định nghĩa
Bài tiết phân chậm và khó khăn hoặc bài tiết phân ít lần hơn, khối lượng ít hơn và phân rắn hơn so với bình thường.
Theo quy định thì táo bón là khi số lần đại tiện dưới 3 lần mỗi tuần, và trọng lượng phân trung bình mỗi lần dưới 100 g (tiêu chuẩn này có ít ý nghĩa). Tuỳ theo từng cá nhân, số lần đại tiện trong mỗi tuần rất thay đổi. Có nhiều bệnh nhân nói là mình bị táo bón nhưng thực tế không phải táo bón. Do đó điều quan trọng là phải hỏi bệnh cho chính xác và nhất là hỏi xem số lần bệnh nhân đại tiện trong mỗi tuần có phải là mới giảm xuống không.
Sinh lý bệnh
TÁO BÓN DO VẬN CHUYỂN CHẤT TRONG RUỘT: là do ở đại tràng lên thì rối loạn của hoạt động co nhu động trội lên còn ở đại tràng ngang và đại tràng xuống thì lớp cơ vòng lại co thắt mạnh. Táo bón cũng có thể là do giảm tính vận động (chứng ỳ đại tràng, thường gặp ở những phụ nữ trẻ tuổi) hoặc tăng tính vận động của đại tràng với tăng cường hoạt động “gây cầm giữ” ở từng đoạn (ví dụ trong chứng đại tràng dễ bị kích thích). Một tổn thương gây tắc đại tràng do bên ngoài hoặc nội tại, do viêm hoặc do u đều có thể làm cho hoạt động vận chuyển chất trong đại tràng chậm lại.
TÁO BÓN ĐOẠN CUỐI HOẶC CHỨNG KHÓ ĐẠI TIỆN Ở TRỰC TRÀNG: mặc dù đôi tượng gắng sức rặn phân ra, nhưng vẫn khó đại tiện vì các cơ của sàn chậu hông (đáy chậu) và các cơ thắt hậu môn không phối hợp được với nhau. Tình trạng này có thể do:
- Rối loạn cảm giác ở trực tràng xảy ra với những người già.
- Tăng trương lực của ống hậu môn không ổn định: những đối tượng trẻ tuổi cố ý tập điều khiển các cơ thắt một cách không thích đáng vì thói quen muôn nhịn đại tiện.
- Rối loạn hậu môn hoặc mất đồng vận hậu môn-trực tràng hoặc mất đồng bộ bụng-chậu hông: các cơ của đáy chậu và cơ thắt ngoài hậu môn co đối nghịch với nhau khi đôi tượng rặn cố ý.
TÁO BÓN MẤT TRƯƠNG LỰC: mất trương lực đại tràng nên giảm nhu động đại tràng, đặc biệt thấy ở người già và bệnh nhân liệt giường.
KHỐI PHÂN: xem thuật ngữ này.
Căn nguyên
TÁO BÓN CHỨC NĂNG MẠN TÍNH (táo bón “bệnh”): do những nguyên nhân dưới đây:
- Sai lầm về ăn uống:có những người cố ý ăn ít thức ăn lỏng và hạn chế uống nước làm cho phân mất nước quá nhiều. Lại có người ăn ít những thực phẩm để lại chất bã, nhất là chất xơ (cellulose) không tiêu hoá được (chế độ ăn nghèo chất sợi).
- Rối loạn phản xạ đại tiện: có những người có thói quen không đi đại tiện ngay khi có cảm giác mót, nên khi phân đã được tống xuống trực tràng vôn chỉ là nơi phân đi qua để ra ngoài, không gây ra kích thích ruột nữa và phân tích lại ở trực tràng.
- ít vận động, nằm liệt giường:làm chậm sự chuyển vận chất ố trong đại tràng.
- Rối loạn tâm thần, loạn trương lực thần kinh thực vật:táo bón nhiều khi chỉ là biểu hiện của tình trạng mất cân bằng tâm thần-thực thể.
- Chứng ỳ đại tràng:đặc biệt là thời gian vận chuyển chất ở đại tràng lên kéo dài. Kiểu táo bón này hay thấy nhất là ở những phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng gây kích thích.
- Đại tràng dễ bị kích thích(xem hội chứng này): thường kết hợp với giảm trương lực hậu môn.
- Tổn thương đau hậu môn trực tràng(nứt hậu môn, trĩ, viêm trực tràng): gây ra ức chế phản xạ đại tiện.
TÁO BÓN THỰC THỂ: xảy ra trong các trường hợp: túi thừa, polyp, hoặc ung thư đại-trực tràng, viêm tắc, bệnh Crohn, chèn ép từ bên ngoài, viêm đại tràng sigma – trực tràng do bức xạ, sa trực tràng. Nguồn gốc táo bón thực thể được coi là do một thay đổi căn bản của hoạt động vận chuyển chất ở trong đại tràng (táo bón “cấp tính”). Những nguyên nhân khác:
- Bán tắc ruột:tắc không hoàn toàn sự chuyển vận chất trong ruột, bụng chướng to, tăng nhu động (tiếng nhu động chống tắc) và đau co thắt (xem: hội chứng Koenig).
- Sa trực tràng ra trước:thành trước của trực tràng bị lồi vào trong lòng của âm đạo là nguyên nhân gây táo bón hay gặp ở phụ nữ ở tuổi đã cao, sinh nhiều con, hoặc có tiền sử phẫu thuật phụ khoa. Bệnh nhân có khi phải dùng ngón tay đưa vào âm đạo để đẩy phân bị ứ đọng ra khỏi túi lồi vào trong âm đạo. Chẩn đoán được xác định khi thăm trực tràng bằng ngón tay và bằng chụp tháo phân.
- Sa ruột:một quai ruột chui quá sâu một cách bất thường vào trong túi cùng Douglas.
- Sa trực tràng bên trong hoặc lồng trực tràng:niêm mạc trực tràng bị đẩy lọt vào trong lớp áo cơ do lực rặn quá mạnh trong lúc đại tiện.
RÓI LOẠN THẦN KINH: trong bệnh to đại tràng, bệnh Hirschsprung, tổn thương tuỷ sống (ví dụ bệnh xơ cứng từng mảng), hoặc tổn thương não (ví dụ bệnh parkinson), các bệnh cơ.
Rối LOẠN CHUYỂN HOÁ và nội TIẾT: suy thận (ure huyết), đái tháo đường (ảnh hưởng tối thần kinh thực vật), loạn chuyển hoá porphyrin, nhiễm độc chì, nhược năng tuyến giáp trạng, tăng calci huyết, u tế bào ưa crôm.
THUỐC: dẫn xuất thuốc phiện, thuốc kháng acid (muối nhôm, muối calci), thuốc kháng tiết cholin, thuốc chống trầm cảm ba nhân vòng, thuốc an thần kinh, thuốc chống động kinh, thuốc chống bệnh parkinson, thuốc hạ huyết áp (ví dụ clonidin), các muối sắt 2 đều có thể gây táo bón.
Triệu chứng
Bài tiết không hết chất bã ra khỏi ruột (táo bón) thường không có biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên đôi khi cũng làm cho đối tượng khó chịu, hồi hộp (tim đập nhanh), có cảm giác chướng bụng. Đôi khi thày thuốc có thể sờ nắn thấy đại tràng sigma đầy phân. Thăm trực tràng bằng ngón tay cũng có thể thấy trực tràng đầy phân rắn.
Bất cứ thay đổi nào trong biểu hiện lâm sàng của chứng táo bón mạn tính, nhất là nếu nhìn thấy máu (đại thể) hoặc máu ẩn (vi thể) trong phân, đều cần phải khám xét kỹ hđn. Ngoài ra, khi gặp mọi trường hợp táo bón xuất hiện từ một vài giờ hoặc vài ngày đều phải nghĩ tới khả năng tắc ruột hoặc liệt ruột.
Xét nghiệm bổ sung: sau khi hỏi bệnh kỹ càng, rồi khám bụng bằng sờ nắn thành bụng, khung đại tràng, gan, thăm trực tràng bằng ngón tay, và khám (quan sát) hậu môn, thì nên làm những xét nghiệm dưới đây:
- Tìm máu ẩn trong phân.
- Soi đại tràng nếu táo bón mới xảy ra, nhất là ở đối tượng trên 40 tuổi hoặc đã có tiền sử gia đình có u đại tràng. Soi hậu môn (hoặc soi trực tràng) có thể phát hiện được trĩ nội.
- Chụp X quang bụng không chuẩn bị, chụp có thụt chất cản quang.
- Tính thời gian chuyển vận chất trong ruột (xem từ này) bằng các chất cản quang đánh dấu phóng xạ: cho phép phân biệt giữa táo bón chuyển vận chất và táo bón đoạn cuối.
- Đo áp lực hậu môn-trực tràng và ghi cơ điện đồ của cơ thắt ngoài hậu môn.
- Siêu âm bụng.
Biến chứng
- Các đợt chảy máu ở đối tượng bị bệnh trĩ.
- Bệnh thuốc nhuận tràng (thuốc sổ): xem bệnh này.
- Khối phân: ở người già, khối phân có thể gây tắc ruột thật sự.
Điều trị chứng táo bón chức năng
- Chế độ ăn uống, xem: chế độ ăn uống trong chứng táo bón mạn tính. Tăng cường cung cấp nước cho cơ thể (ít nhất 2 lít/ ngày) và tăng cường ăn chế độ ăn nhiều chất sợi (trái cây, rau, ngũ cốc).
- Thuốc:có thể kê đơn bột lúa mì, và trong một thời kỳ ngắn cho thuốc nhuận tràng bản chất là chất nhày (mucin) hoặc thuốc nhuận tràng thẩm thấu (giữ nước trong phân), nhưng tránh loại nhuận tràng kích thích. Trong trường hợp chứng ỳ đại tràng, cho những thuốc kích thích vận động ống tiêu hoá (ví dụ: metoclopramid). Phải ngừng các dẫn xuất thuốc phiện, thuốc kháng acid có chứa muối nhôm hoặc calci nếu đang sử dụng.
- Huấn luyện lại phản xạ đại tiện (bằng phương pháp “sinh phản hồi” hoặc “phản hồi sinh học”):Có ích trong trường hợp táo đoạn ruột cuối. Bệnh nhân phải đại tiện vào đúng giờ dù không mót, tốt nhất là sau bữa ăn. Có thể nếu cần thì dùng thuốc đạn glycerin để kích thích phản xạ tống đẩy. Cố gắng vận động thân thể.