Định nghĩa
Đường dẫn lưu bạch huyết ở chi bị cản trở làm cho bạch huyết tích tụ lại ở trong mô liên kết dưới da.
Căn nguyên
- Thể vô căn: căn nguyên chưa rõ, do dị tật bẩm sinh của quá trình phát triển của hệ bạch huyết.
- Thể thứ phát: các mạch bạch huyết bị tắc nghẽn do khối u lành tính hoặc ác tính chèn ép, sau phẫu thuật cắt hạch bạch huyết (thường hay gọi là nạo hạch trong trường hợp phẫu thuật điều trị ung thư), sau liệu pháp bức xạ (chiếu xạ), các đợt tái phát viêm mạch bạch huyết, bệnh giun chỉ.
Triệu chứng
Phù chi, mới đầu là phù mềm, không đau, không viêm, để lại vết lõm, sau đó trở nên phù rắn để lại vết lõm không rõ rệt. Chi bị phù bạch huyết có thể có thể tích rất lớn (vì vậy gọi là bệnh chân voi). Không thấy giãn tĩnh mạch, và loét. Trong quá trình diễn biến có thể có biến chứng viêm mạch bạch huyết hoặc Sarcom bạch mạch.
Xét nghiệm bổ sung
- Siêu âm Doppler và thể tích ký: thường cho phép xác định vị trí và bản chất của tình trạng bất thường về bạch huyết (dị dạng hoặc tắc).
- Chụp bạch mạch: được chỉ định khi những phương pháp không xâm hại không chẩn đoán được bệnh.
Chẩn đoán phân biệt: bệnh nấm da ở bàn chân có thể gây ra phù bạch huyết cấp tính, với sưng hạch bạch huyết vùng bẹn, cũng cần phân biệt với viêm tĩnh mạch huyết khối cấp tính.
Điều trị
- Khi nằm thì kê chân cao. Đi tất đàn hồi. Xoa bóp chi bị phù bạch huyết từ phía đầu chi về gốc chi.
- Thuốc kháng sinh cho những thể cấp tính. Tránh không sử dụng thuốc lợi niệu.
- Tránh bị vết thương, và điều trị mọi nhiễm khuẩn ở bàn chân (nguy cơ gây viêm bạch mạch).
- Ngoại khoa: cắt bỏ mô tế bào dưới da trong những thể nặng.
GHI CHÚ: Chứng phù dinh dưỡng gia đình (bệnh Melge hoặc bệnh Milroy): có đặc điểm là phù xơ, mạn tính, hay khu trú ở chi dưới.
Trái với bệnh chân voi, da vẫn nhẵn và có màu sắc bình thường. Bệnh thường là bẩm sinh và đã được cho là do tắc mạch bạch huyết hoặc do những rối loạn dinh dưỡng liên quan tới những biến đổi ở tuỷ sống.