Khái niệm
Di niệu phần nhiều phát sinh vào lúc ngủ ban đêm, trẻ em bị khá nhiều. Tố vấn – Tuyên minh ngũ khí thiên gọi là “Di niệu”, Kim quỹ – Phế nuy Phế ung khái thấu thượng khí bệnh mạch chứng tính trị, bắt đầu nêu tên gọi “Di niệu”.
Chứng Di niệu nếu phát sinh trong quá trình các bệnh Trúng phong, Thương hàn, Ôn bệnh thường biểu thị tật bệnh vào sâu nội tạng,bệnh phát triển đến giai đoạn nghiêm trọng nhưng không phải là chứng trạng chủ yếu, cho nên không thuộc phạm vi thảo luận ở mục này.
Phân biệt
Chứng hậu thường gặp
Di niệu do Thận dương bất túc: Có chứng di niệu trong khi ngủ, hoặc tiểu tiện không tự chủ, sắc mặt trắng bệch, sợ lạnh chân tay lạnh, lưng gối đau mỏi, tiểu tiện trong dài nhiều lần, chất lưỡi sắc nhợt, mạch Trầm Tế Nhược.
Di niệu do Thận âm bất túc: Có chứng vốn bị tiểu tiện nhiều lần lượng ít, sắc sẫm mà nóng, gò má hồng môi đỏ, thậm chí triều nhiệt mồ hôi trộm, hoặc mộng di, chất lưỡi đỏ , ít rêu, mạch Trầm Tế Sác.
Di niệu do Tỳ hư khí hãm: Có chứng khi quá mệt nhọc thì di niệu, chân tay rã rời, hụt hơi biếng nói, hay nằm, kém ăn, ăn vào thì trướng hoặc đồng thời kiêm chứng thoát giang, sa dạ con .v.v… chất lưỡi nhạt ít rêu, mạch Hoãn Nhược.
Di niệu do Phế khí hư hàn: Có chứng di niệu kiêm cả ho lâu ngày mửa ra bọt dãi, chất lưỡi bệu có vết răng, rêu trắng, mạch Tế Hoãn.
Phân tích
Chứng Di niệu do Thận dương bất túc với chứng Di niệu do Thận âm bất túc: Thận dương bất túc mà di niệu phần nhiều do tiên thiên bất túc, phú bẩm yếu ớt, hoặc phòng lao hại Thận, hoặc tuổi cao Thận khí đã suy, hoặc trẻ em mạch Nhâm Đốc chưa đầy đủ, lòng bàn chân nhiễm lạnh… những nguyên nhân nói trên, đều có thể dẫn đến Thận dương bất túc, hạ nguyên hư hàn khiến cho mất chức năng bế tàng, Bàng quang không có thắt gây nên di niệu, Thận âm bất túc phần nhiều do thương tinh hao dịch, buông thả tình dục, tướng hoả vọng động khiến cho Bàng quang mở đóng mất chức năng, phát sinh di niệu.Phân biệt chủ yếu di niệu do Thận dương bất túc với di niệu do Thận âm bất túc ở chỗ: Loại trên tiểu tiện nhiều lần lượng nhiều, sắc trắng trong, đó là Thận dương hư không hóa được khí gây nên. Loại dưới tiểu tiện vặt lượng ít, sắc sẫm mà nóng là do âm hư hoả vượng gây nên. Nếu phân biệt theo mạch và lưỡi thì dương bất túc lưỡi sẽ nhợt, rêu mỏng ít, mạch Tế Trầm Nhược không có hiện tượng Sác. Âm bất túc thì chất lưỡi đỏ ít rêu, mạch Tế Sác. Phép trị: Dương bất túc điều trị theo phép ôn Thận cố nhiếp, chọn dùng phương Củng đê hoàn, Âm bất túc điều trị theo phép tư âm giáng hoả, chọn dùng phương Tri Bá địa hoàng hoàn.
– Chứng Di niệu do Tỳ hư khí hãm với chứng Di niệu do phế khí hư hàn: Tỳ hư khí hãm phần nhiều do mệt nhọc lo nghĩ quá độ làm tổn hại Tâm Tỳ, Tỳ khí hạ hãm, hoặc sau khi đẻ trung khí hư hãm, dần dà phát sinh di niệu, Phế khí hư hàn phần nhiều do Phế khí hư yếu mất chức năng trị tiết, không co thắt được hạ tiêu cho nên di niệu.
Tỳ khí hư với Phế khí hư trên lâm sàng biểu hiện rất giống nhau, hơn nữa nhiều khi đồng thời xuất hiện, Tỳ khí hạ hãm nên chú ý đến chân tay mệt mỏi, kém ăn trướng bụng, đồng thời có các chứng ỉa chẩy lâu ngày, thoát giang, sa dạ con .V.V.. Phế khí hư hàn thì có các chứng ho mà nhiều rãi. Điều trị Tỳ khí hãm dùng phương Cố phù thang. Điều trị Phế khí hư hàn cho uống Cam thảo can khương thang gia Nhân sâm.
Cơ chế bệnh cơ bản của chứng Di niệu là Bàng quang mất sự co thắt, Sự co thắt của Bàng quang có liên quan tới công năng khí hóa, mà công năng khí hóa lại cùng với sự ấm áp của Tâm dương, sự tuyên giáng của Phế khí, sự sơ tiết của Can khí, sự thăng giáng của Tỳ khí, nhất là có quan hệ chặt chẽ với sự ôn dưỡng dương khí của Thận và Đôc mạch, Cho nên phát sinh chứng Di niệu, liên quan tới cả năm tạng Tâm, Phế, Tỳ, Can, Thận; lại vì Thận quản lý sự mở đóng nhị tiện cho nên điều trị Thận là chủ yếu.
Chứng này phần nhiều thuộc hư, Linh khu – Bản du thiên viết: “Hư thì di niệu Di niệu thì phải bổ”. Gặp trên lâm sàng, cũng có trường hợp thực chứng như Can mất sơ tiết dẫn đến di niệu, nhưng gặp không nhiều.
Trích dẫn y văn
Có trường hợp di niệu của chứng Bạch hổ thang, Có trường hợp di niệu của chứng Cam thảo can khương thang. Loại trên là cực điểm của dương chứng. Loại dưới là âm chứng thuần tuý, Cũng là một chứng di niệu mà cơ chuyển bệnh lý trái nhau… Di niệu thuộc dương chứng thì tri giác ở Bàng quang tê dại… Di niệu của chứng Cam thảo can khương thang thì bắt đầu từ sức co thắt bất túc cho nên bài tiết nước tiểu lượng không nhiều (Trung quốc nội khoa y giám – Di niệu).
Hạ tiêu xúc huyết với hư lao tổn hại bên trong, thì đại tiện, tiểu tiện són ra mà không biết (Nhân trai trực chỉ phương).
Can thực thì Long bế – Hư thì di niệu (Bản thảo cương mục – Sưu sác di niệu- quyển 3).