BẠCH CHỈ
Radix Angelicae dahuricae
            Dược liệu là rễ phơi khô của cây bạch chỉ. Có hai thứ :
Angelicadahurica (Fisch. ex Hoffm.) Benth.et Hook.f.
Angelica dahurica (Fisch.ex Hoffm.) Benth.et Hook.f. var . formosana (Boiss) Shan et Yuan, họ Hoa tán -Apiaceae.
Đặc điểm thực vật.
            Cây thuộc thảo, thân rỗng, mặt ngoài màu tím hồng, phần dưới của thân nhẵn, phần trên chỗ gần cụm hoa thì có lông ngắn. Nếu để cây phát triển thì có thể cao đến 2m. Lá ở gốc to, có bẹ ôm lấy thân, phiến 2-3 lần xẻ lông chim, thùy hình trứng, mép có răng cưa. Cụm hoa tán kép.
Trồng trọt.
            Chúng ta đã di nhập trồng có kết quả ở một số tỉnh miền Bắc. Cây mọc tốt ở đồng bằng lẫn miền núi. Hạt giống thu hoạch ở cây mọc 2 năm; giữ cây giống ở vùng có khí hậu mát như Tam Đảo. Gieo hạt vào tháng 10,11. Bạch chỉ là cây ăn rễ sâu, cần cày sâu, bừa kỹ. Đánh luống, gieo hốc, mỗi hốc 10-15 hạt, tưới nước vì bạch chỉ thích ẩm. Khi cây cao 20-30 cm thì tỉa bớt còn vài ba cây ở mỗi hốc. Cần làm cỏ bón phân khi lá chưa phủ hết mặt luống. Nếu có bệnh đốm đen (trên lá có đốm đen) thì hái lá đốt đi hoặc phun dung dịch Bordeaux. Nếu có sâu bọ nhiều thì dùng thuốc trừ sâu để phun.
Chế biến.
            Rễ củ thu hoạch vào tháng 7-8. Thu hoạch khi trời khô ráo, lúc đào tránh sây sát vỏ hoặc làm gãy. Sau khi rửa sạch thì để ráo nước, cho vào lò xông sinh 1 ngày đêm rồi đem phơi hoặc sấy. Khi khô, xông sinh 1 lần nữa. Dược liệu hình củ cà rốt, đầu trên to dưới nhỏ dần, dài trung bình 10-15cm, đường kính có thể đến 3cm hoặc hơn. Dược liệu thịt trắng, ít xơ, mùi thơm, vị đắng là loại tốt. Khi dùng thì rửa sạch, ủ cho mềm, thái lát.
Vi phẫu: vi phẫu cắt ngang rễ có các đặc điểm: mô mềm vỏ có khuyết, nhiều ống tiết nằm chủ yếu trong phần liber.
Bột: Màu trắng ngà, thơm, vị hơi cay. Soi dưới kính hiễn vi thấy: các mảnh mô mềm chứa tinh bột, nhiều hạt tinh bột được giải phóng ra ngoài tế bào, hạt tinh bột hình chuông, hình cầu có rốn hạt hình vạch, có nhiều hạt kép; các mảnh mạch; các mảnh bần gồm tế bào đa giác, màu vàng, thanh dày .
Thành phần hóa học
Ngoài tinh dầu, trong rể củ có các dẫn chất coumarin sau đã được biết:
R=
R1=
Byak-angelicin
OCH3  
Byak-angelicol
OCH3  
Oxypeucedanin
H
Imperatorin
H
Isoimperatorin
H
Phellopterin
OCH3  
Xanthotoxin
H
OCH3
Anhydrobyakangelicin
OCH3
Neobyakangelicol
OCH3  
            Trong số các dẫn chất coumarin nói trên, Byak-angelicin chiếm 0,2% và Byak-angelicol 0,2%.
Định tính:
            Cho 0,5g bột dược liệu vào ống nghiệm thêm 3ml ether, lắc 5 phút, để yên 20 phút. Lấy 1ml dịch ether, thêm 2-3 dung dịch hydroxylamin hydrochlorid 7% trong methanol và 2-3 giọt potassium hydroxid 20% trong methanol. Lắc kỹ, đun nhẹ trên nồi cách thủy, làm nguội rồi điều chỉnh pH đến 3-4 với acid hydrochloric rồi thêm 1-2 giọt dung dịch sắt ba chlorid trong ethanol, sẽ thấy màu đỏ tím xuất hiện. Ngoài ra có thể tiến hành thêm các phản ứng khác như đã trình bày trong phần đại cương.
Tác dụng và công dụng:
            Bạch chỉ có tác dụng làm hạ sốt, giảm đau. Liều nhỏ làm tăng huyết áp, mạch chậm, hơi thở kéo dài, liều cao có thể gây co giật, tê liệt toàn thân khi thí nghiệm trên súc vật. Bạch chỉ có tác dụng làm giãn động mạch vành .Tác dụng kháng khuẩn đối với một số vi khuẩn: Escherichia coli, Shigella dysenteriaeSalmonella typhi.
            Trong đông y dùng để chữa cảm sốt, nhức đầu, đặc biệt vùng trán, ngạt mũi do bị lạnh. Chữa đau nhức răng, bị thương tích viêm tấy. Chữa khí hư ở phụ nữ.
            Ngày dùng: 5-10g.
https://hoibacsy.vn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà

xuất bản Khoa học kỹ thuật.

0/50 ratings
Bình luận đóng