Chứng Đàm nhiệt úng tắc ở Phế còn gọi là chứng Đàm nhiệt ngăn trở Phế. Chứng này là tên gọi chung cho những biểu hiện lâm sàng ngoại tà xâm phạm Phế, uất lại hoá nhiệt, nhiệt hao thương tân dịch của Phế, nung nấu chất dịch thành Đàm, hoặc vốn có Đàm tích lũy từ lâu, lại cảm nhiễm phong nhiệt mà đàm với nhiệt câu kết úng tắc Phế lạc gây nên bệnh.
Biểu hiện lâm sàng là phát nhiệt khái thấu, hung cách đầy tức, khạc ra đờm vàng dính hoặc trong đờm có lẫn máu, nặng hơn thì hô hấp gấp gáp, đau ngực sườn, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Hoạt Sác.
Chứng Đàm nhiệt úng tắc Phế thường gặp trong các bệnh Háo chứng, Thất âm, Hung thống và Phế ung.
Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Đàm hoả quấy rối Tâm, chứng Phong nhiệt xâm nhập Phế, chứng Đại trường thực nhiệt.
Phân tích
Chứng Đàm nhiệt úng tắc Phế có thể xuất hiện trong nhiều loại tật bệnh; biểu hiện lâm sàng và phép chữa cũng khác nhau.
Trong bệnh Háo xuất hiện chứng Đàm nhiệt úng tắc Phế, biểu hiện lâm sàng có đặc điểm của chứng Nhiệt háo như hơi thở hổn hển, trong họng có tiếng đờm khò khè, khái thấu ra đờm vàng dính, hung cách bĩ đầy; đây là do đàm nhiệt ngăn trở, nung nấu uất át ở Phế gây nên; điều trị nên thanh nhiệt hoá đàm, bình suyễn giáng nghịch cho uống bài Định suyễn thang (Nhiếp sinh chúng diệu phương).
Chứng Đàm nhiệt úng tắc ở Phế xuất hiện trong bệnh Thất âm – mất tiếng, đặc điểm lâm sàng là tiếng nói nặng đục khó khăn, ho ra đờm vàng dính, họng khô mà đau, miệng ráo; đây là đàm nhiệt ẩn náu ở Phế, nghẽn tắc khí đạo gây nên; điều trị nên thanh nhiệt hoá đàm lợi họng; cho uống bài Thanh yết ninh Phế thang (Thống chỉ phương).
Trong bệnh Hung thống gặp chứng Đàm nhiệt úng tắc Phế, đặc điểm lâm sàng là suyễn khái đau vùng ngực, khạc ra đàm vàng dính, hoặc ho ra huyết, hoặc ho ra đàm có mùi tanh hôi, phiền muộn phát nhiệt; đây là Phế có đàm nhiệt hun đốt Phế lạc, khí cơ không lưu thông gây nên, điều trị nên quét đàm tả nhiệt, khoan hung khai kết, cho uống bài Tiểu hãm hung thang (Thương hàn luận)gia giảm.
Chứng Đàm nhiệt úng tắc Phế xuất hiện trong bệnh Phế ung, đặc điểm lâm sàng là sốt cao ra mồ hôi, rét run, vùng ngực khó chịu và đau, khó xoay chuyển, khái thấu thở gấp, nôn mửa ra đàm mủ có mùi hôi tanh, miệng khô họng ráo, phiền táo không yên. Đây là Phế nhiệt nung nấu kết tụ, tà độc làm nghẽn tắc Phế, nhiệt úng tắc, ứ huyết, uất kết thành Ung, loét nát gây mủ, điều trị nên thanh nhiệt hoá đàm, giải độc tiêu mủ; cho uống bài Thiên kim vi hành thang (Bị cấp Thiên kim yếu phương). Tóm lại, chứng hậu tuy giống nhau, nhưng trong tật bệnh khác nhau, cạng biểu hiện cũng không giống nhau, có thể căn cứ vào những đặc điểm nói trên để mà phân tích.
Nhiệt là mức độ dần dần của hoả: Hoả là mức cùng cực của nhiệt, cho nên trong quá trình diễn biến bệnh cơ của chứng Đàm nhiệt úng tắc Phế, thường dễ hoá hoả mà biến thành chứng Đàm hoả. Nếu vì Đàm hoả quá thịnh, xuất hiện giật động ở vùng mặt, chân tay co giật hoặc run rẩy, mình nóng, ho nhiều đàm, mạch Hồng Sác, gọi là “Đàm hoả Kinh”. Nếu do Đàm hoả nghịch lên, xuất hiện chứng đau đầu có tiếng kêu trong não hoặc đau nửa đầu, vùng bụng đầy tức, nôn mửa, ứa đàm rãi, tâm phiền hay cáu giận, mặt mắt đỏ, gọi là “Đàm hoả đầu thống”. Nếu do đàm trọc câu kết với hoả che lấp thanh khiếu ở trên, có chứng choáng váng, đầu mắt trướng nặng, tâm phiền hồi hộp, buồn nôn, mửa ra đàm rãi, đắng miệng, gọi là “Đàm hoả huyễn vậng”. Nếu do đàm hoả quấy động Tâm thần, xuất hiện chứng chính xung lúc phát lúc yên, do hoả mà động, gọi là “Đàm hoả chính xung” v.v… Các chứng đều có thể là biến chứng của Đàm nhiệt úng tắc Phế, cũng có thể là phát bệnh riêng biệt; Lâm sàng nên nhìn vào bệnh chứng cụ thể, hoặc dùng phép Thanh hoá nhiệt đàm để giải bỏ úng tắc ở Phế; hoặc dùng phép hỗ trợ để dẹp Kính dẹp phong, an thần và giáng hoả v.v… chủ yếu là dùng thuốc thích hợp với bệnh tình.
Chẩn đoán phân biệt
Chứng Đàm hoả quấy rối Tâm với chứng Đàm nhiệt úng tắc Phế, về bệnh nhân, bộ vị mắc bệnh và tính chất của bệnh, hai chứng này đều khác nhau. Nhưng chứng Đàm hoả quấy rối Tâm cũng có chỗ giống với chứng Đàm nhiệt úng tắc Phế như các chứng phát nhiệt, khái thấu, khạc ra đờm vàng dính, hung cách bĩ đầy, khá dễ
Chứng Đàm hoả quấy rối Tâm phải có biểu hiện lâm sàng là đàm hoả làm rối loạn tâm thần như các chứng hồi hộp, chính xung, mất ngủ hay mê, đầu lưỡi đỏ, chất lưỡi đỏ tía; còn chứng
Đàm nhiệt úng tắc Phế thì đầu lưỡi không đỏ, hơn nữa lại không có chứng trạng rối loạn tâm thần, căn cứ vào đó mà phân biệt.
Chứng Phong nhiệt xâm nhập Phế với chứng Đàm nhiệt úng tắc Phế, hai chứng có mối liên hệ chặt chẽ về bệnh nhân và bệnh lý; chứng trạng lâm sàng phần nhiều có chỗ giống nhau, cũng cần phải chẩn đoán rõ.
Chứng phong nhiệt xâm nhập Phế do cảm nhiễm ngoại tà phong nhiệt, hoặc do hàn tà bị uất hóa hỏa gây nên, trên cơ sở đó mà phát triển thêm một bước, nhiệt làm hao tổn tân dịch ở Phế, nung nấu thành đờm, đờm với nhiệt câu kết hình thành chứng Đàm nhiệt úng tắc Phế; Hoặc là người bệnh vốn có bệnh vì đàm lại bị tà khí phong nhiệt xâm nhập, đàm với nhiệt câu kết cũng gây nên chứng Đàm nhiệt úng tắc Phế.
Chứng Phong nhiệt xâm nhập Phế phải có kiêm biểu chứng như có các chứng trạng sợ gió, phát nhiệt, khái thấu, khạc ra đờm vàng dính, rìa lưỡi, đầu lưỡi đỏ, mạch Phù Sác Chứng Đàm nhiệt úng tắc Phế tất phải có lý chứng như có các chứng trạng khái thấu, hung cách đầy tức, khạc ra đờm vàng dính, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Hoạt Sác… đó là cơ sở để chẩn đoán phân biệt.
Chứng Đại trường thực nhiệt với chứng Đàm nhiệt úng tắc Phế: Phế với Đại trường cùng biểu lý, bệnh biến có thể ảnh hưởng lẫn nhau. Chứng Đại trường thực nhiệt thường dẫn nhiệt tà đi theo đường kinh mà công lên Phế xuất hiện các chứng trạng giống như chứng Đàm nhiệt úng tắc Phế nguy hiểm suyễn thở khái thấu, mặt đỏ mình nóng, họng sưng đau, như sách Thiên kim phương nói: “Phía trước khí khẩu thốn khẩu tay phải mạch Dương thực, đó là mạch của kinh Thủ Dương minh, mắc bệnh thì ruột đầy, hay ho suyễn, mặt đỏ mình nóng, trong họng như vướng mắc cái hột, gọi đó là Đại trường thực nhiệt vậy”. Nhưng chứng Đại trường thực nhiệt phải có các chứng trạng có kết nhiệt ở trong ruột làm chủ yếu, chứng trạng nghịch lên bức bách Phế chỉ là thứ yếu; hơn nữa chứng Đàm nhiệt úng tắc Phế còn có chứng khạc ra đờm vàng dính. Một phương diện khác, chứng Đàm nhiệt úng tắc Phế cũng có thể do tân dịch ở Phế hao thương, không khả năng thanh túc đưa xuống làm nhu nhuận đường ruột, đến nỗi đại tiện bí kết giống như chứng Đại trường thực nhiệt; Nhưng chứng này phải lấy chứng trạng trong Phế có đàm nhiệt là chủ yếu; chứng trạng đại trường không được thu nhuận làm thứ yếu, hơn nữa không giống chứng Đại trường thực nhiệt đơn thuần đau bụng cự án, nôn oẹ ra mùi hôi, hoặc là nhiệt kết bàng lưu… có thể chẩn đoán phân biệt được.
Chẩn đoán phân biệt
Chứng nhiệt đàm là do uống nước vào bị tích đọng mà sinh ra. Nói âm dương bĩ cách, thượng tiêu sinh nhiệt, nhiệt khí với đàm thủy cùng chọi nhau, tụ mà không tan, khiến người ta thể trạng hư nhiệt, tác hại đến việc ăn uống, đầu mặt bức bối mà nhiệt (Chư bệnh nguyên hậu luận – quyển 20).
Trong họng gai gai như bị vướng mắc, thậm chí ho ra máu, ngực đầy khí suyễn, đàm thịnh keo dính, đều là do Phế nhiệt (Khái thấu đàm ẩm môn – Tế Sinh phương).