IV – CHIẾT XUẤT.
Có nhiều quy trình chiết xuất khác nhau. Ta có thể tiến hành theo quy trình như đã trình bày trong phần S.K.L.M. Để tinh chế, có thể thực hiện với các phương pháp sau:
– Thẩm tích.
– Dùng bột Mg oxyd hoặc bột polyamid để tách saponin ra khỏi tanin: saponin được hoà vào nước rồi trộn với bột polyamid hoặc bột Mg oxyd trên nồi cách thủy 10 phút để có một khối nhão. Sau đó chiết saponin từ khối nhão này bằng ethanol 80% nóng. Lọc rồi bốc hơi.
– Dùng Sephadex G-25,G-50,G-75: Lượng Sephadex dùng gấp 50 lần saponin đem ngâm nước cất cho trương lên, gạn lượng nước thừa, cho gel vào cột sắc ký.
Dung dịch đậm đặc saponin trong nước cho lên phần trên cột rồi khai triển bằng nước cất. Saponin có phân tử lớn sẽ ra khỏi cột trước saponin có phân tử nhỏ.
Bằng cách acyl hoá hoặc alkyl hoá các nhóm OH trong phân tử của các loại Sephadex nói trên, người ta chế được các loại Sephadex vừa có tính thân nước vừa có tính thân dung môi hữu cơ. Ví dụ từ Sephadex G-25 bằng cách alkyl hoá người ta thu được Sephadex LH-20 có khả năng hút được nước, alcol và cả chloroform. Loại này dùng để tách các saponin rất hiệu quả.
– Để tinh chế saponin steroid có thể dùng phương pháp kết hợp với cholesterol: 1 g saponin hoà trong 200ml ethanol đun nóng đến 50-600C rồi cho tác dụng với một dung dịch chứa 2 g cholesterol trong 200ml ethanol đã đun nóng, tủa phức sẽ tạo thành. Sau khi nguội đem lọc tủa và sấy khô. Phá phức bằng cách hoà tan trong pyridin. Saponin tinh khiết sẽ được tủa trong ether. Để loại hết cholesterol, tủa được hoà tan trong methanol rồi lại tủa với ether.
– Để tinh chế các dẫn chất nhóm glycoalcaloid, ta hoà tan chúng vào một ít n-butanol rồi cho lên cột chứa nhôm oxyd, đẩy ra bằng nước bão hoà n-butanol.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật