ĐẠI HOÀNG
Rhizoma Rhei
Chi Rheum có khoảng 50 loài, việc xác định các loài khó vì do có lai tạo giữa các loài và do địa dư khí hậu của từng nơi mà hình thái và cả thành phần hóa học cũng có thay đổi. Dược điển của Trung quốc quy định dùng các loài sau đây:
            – Rheum palmatum L.
            – R. tanguticum Maxim.ex Balf.
            – R.officinale Baill. họ  Rau răm -Polygonaceae.
Đặc điểm thực vật
            Cây thuộc thảo lớn, sống dai nhờ thân rễ to. Lá mọc thành cụm từ thân rễ, có kích thước lớn, có cuống dài, có bẹ chìa, phiến lá hình tim rộng 30 – 40cm, phân thành 5 đến 7 thùy chính, các thùy này cũng có thể phân lần thứ hai hoặc đôi khi lần thứ ba. Lá của Rheum palmatum thì có những thùy sâu hơn R.officinale. Gân lá nổi mặt dưới, thường màu đỏ nhạt. Từ năm thứ 3 -4 thì xuất hiện 1 thân mọc lên cao 1 -2m mang một số lá nhỏ. Phần ngọn thân là chùm hoa hình chùy mang nhiều hoa. Bao hoa gồm 6 bộ phận màu trắng, xanh nhạt, hoặc đỏ nhạt, 9 nhị. Qủa đóng 3 góc.
Phân bố, thu hái
            Cây nguồn gốc ở Trung quốc được dùng từ lâu đời và dần dần thâm nhập vào châu Âu. Ở Trung quốc cây mọc hoang hoặc trồng ở Cam túc, Thanh hải, Tứ xuyên. Đại hoàng mọc ở tỉnh Tứ xuyên được chuộng và được gọi là xuyên đại hoàng. Hiện nay đại hoàng cũng đã được di nhập trồng ở nhiều nước: Hà lan, Pháp, Mỹ, Nhật, Liên xô cũ. Ta còn phải nhập của Trung quốc.
Cây ưa mọc ở khí hậu mát, ẩm, ở độ cao trên 1000m. Người ta thu hoạch thân rễ của nhữmg cây đã mọc trên 3 -4 năm (ở những vùng có cây mọc hoang thì có thể 6 – 10 năm) vào mùa thu, khi cây bắt đầu lụi.
Thân rễ tươi to có thể có chiều dài 20 – 30cm, rộng 8 -10cm, có nhiều nhánh rễ hình trụ đường kính 2 -3cm. Sau khi đào về thì cắt bỏ rễ, còn thân rễ đem gọt bỏ vỏ ngoài, bổ nhỏ (dọc hoặc ngang) rồi phơi hoặc sấy khô. Cất giữ sau một năm mới dùng.
Mô tả dược liệu
            Những miếng hình thù không giống nhau, hình trụ hoặc 1 mặt phẳng 1 mặt lồi, dài 5 đến 15cm, rộng 3 – 10cm, lớp bần và 1 phần vỏ ngoài đã được gọt đi. Bề mặt màu vàng nâu, đôi khi có những đám màu đen nhạt, có miếng thấy lỗ chỗ những lỗ kim. Thứ cứng chắc, mùi thơm dịu là tốt.
            Vi phẫu : Trên vi phẫu cắt ngang, từ ngoài vào trong ta thấy mô mềm vỏ hẹp, liber  ít phát triển rồi đến tầng sinh gỗ từ  3 – 5 hàng tế bào. Phía trong tầng sinh gỗ sắp xếp tỏa tròn. Phần ruột rộng có cấu tạo cấp ba được thành lập nhờ những tượng tầng phụ xuất hiện dưới dạng những vòng tròn nhỏ sinh ra liber ở giữa và gỗ chung quanh. Các đám liber gỗ cấp ba này có các tia ruột tỏa ra nom có dạng hình sao rất đặc biệt. Tất cả các phần mô mềm đều chứa nhiều tinh bột và calci oxalat hình cầu gai.
            Bột: Màu vàng xẫm. Dưới ánh sáng tử ngoại có huỳnh quang nâu.
            Soi dưới kính hiển vi ta thấy: tinh thể hình cầu gai to, đường kính 50 – 200mm, tinh bột hạt đơn 5 – 20mm có rốn hình sao có các hạt kép 4 – 5, mảnh tia ruột màu vàng, thêm kiềm thì chuyển thành màu đỏ, các mảnh tế bào mô mềm chứa hạt tinh bột, các mảnh mạch vạch, mạch mạng.
Thành phần hóa học
            Thành phần hoạt chất trong đại hoàng chủ yếu là những dẫn chất anthranoid, hàm lượng trong đại hoàng Trung quốc: 3 – 5%, tồn tại dưới các dạng khác nhau:
            + Anthraquinon tự do. Tỉ lệ khoảng 0,10 – 0,20% theo dược liệu khô và gồm có: chrysophanol, emodin, physcion, aloe emodin và rhein (công thức, xem phần đại cương).
            + Các glucosid của anthraquinon. Chiếm khoảng 60 – 70% của toàn phần hoạt chất và gồm các glucosid của các aglycon nói ở trên.
            +  Các glucosid của các anthranol và anthron tương ứng với những aglycon nói trên. Những dẫn chất này dễ bị oxy hóa thành các dẫn chất anthraquinon và chỉ tồn tại trong dược liệu tươi về mùa đông (về mùa hè chủ yếu là các dẫn chất ở dạng oxy hóa) do đó thu hoạch tốt nhất về mùa thu.
            + Các dẫn chất dimer dianthron tồn tại trong cây dưới dạng mono và diglucosid. Người ta gặp lại sennidin A, B, C như  trong phan tả diệp.
            + Các heterodianthron carboxylic như rheidin A, B, C, các heterodianthron không có nhóm carboxyl như palmidin A (= heterodianthron của emodin và aloe emodin), palmidin B (= heterodianthron của aloe emodin và chrysophanol) và palmidin C (= heterodianthron của rheum emodin và chrysophanol).
            + Trong đại hoàng còn có deshydrodianthron như dirhein.
            Chúng ta cũng cần lưu ý rằng tỷ lệ giữa các hoạt chất nhuận tẩy phụ thuộc rất nhiều vào thời kỳ thu hái, tuổi cây, địa dư, cách phơi sấy và chủng loại.
            Thành phần thứ hai đáng chú ý là tanin (khoảng 5% – 12%) chủ yếu thuộc nhóm pyrocatechic và một phần thuộc nhóm pyrogallic. Các chất này dễ tan trong cồn. Ngoài ra trong đại hoàng còn có nhiều chất vô cơ (nhiều calci oxalat). Tinh bột, pectin; một chất nhựa ít được nghiên cứu cũng có tác dụng tẩy xổ.
            Định tính. Phản ứng Borntraeger: Đun sôi hai phút 0,10g bột với 5ml H2SO4 N. Lọc, dịch lọc đem lắc với đồng thể tích benzen. Lớp benzen có màu vàng do có các anthraquinon tự do hòa tan. Tách lớp benzen rồi lắc với ammoniac, lớp ammoniac sẽ nhuộm màu đỏ. Lớp benzen còn lại hơi có màu vàng (do chrysophanol) nếu đem lắc với dung dịch KOH N thì lớp benzen hết màu còn lớp KOH  có màu hồng.
            Sắc ký. Dược điển Pháp 1965 dùng sắc ký giấy để định tính các dẫn chất anthranoid và để phát hiện sự trộn lẫn các loài Rheum khác như R. rhaponticum L., R.undulatum L. Các loài Rheum này ngoài các dẫn chất anthranoid còn có thêm một heterosid đặc biệt là rhaponticosid (= glucosid của trihydroxy-3,5,3’-methoxy-4’- stilben). Chất này có hoạt tính estrogen và có huỳnh quang xanh dưới ánh đèn tử ngoại. Người ta tiến hành sắc ký giấy bằng cách chấm 5 – 10ml một dung dịch 1/5 dược liệu trong cồn 60°, khai triển theo chiều đi lên với dung môi butanol-acid acetic-nước (4:1:5). Dưới ánh sáng tử ngoại thì có các vết da cam có các Rf khoảng 0,55 ; 0,70 và 0,95 (các dẫn chất anthranoid), các vết này có màu hồng đến đỏ ở ánh sáng thường sau khi phun dung dịch KOH trong cồn. Không được có những vết màu xanh dưới ánh đèn tử ngoại do rhaponticosid và genin của nó (Rf khoảng 0,5 và 0,80).
            Dược điển Trung quốc áp dụng S.K.L.M để xác định đối chiếu mẫu kiểm nghiệm với mẫu đại hoàng chuẩn cùng tiến hành trong những điều kiện như nhau: chiết bằng methanol bốc hơi đến khô, thêm nước và acid hydrochloric rồi đun 30 phút trên nồi cách thủy để thủy phân. Làm nguội, chiết các anthraquinon tự do với ether, bốc hơi ether, hòa tan cặn trong chloroform để chấm chạy sắc ký. Sắc ký hai chiều với bản mỏng silicagel G. Dung môi thứ nhất là lớp trên của hỗn hợp benzen -ethylformat – methanol – acid formic – nước (3:1 : 0,2 : 0,05 : 0,5), dung môi thứ hai là lớp trên của hỗn hợp hexan- ether dầu hỏa (điểm sôi 60 – 90oC)- ethylformat – acid formic – nước (3 : 1 :1,5 : 0,1 : 0,5). Phát hiện dưới đèn U.V (254nm ).
            Định lượng. Dược điển Việt nam chọn phương pháp Auterhoff để định lượng các dẫn chất anthranoid trong đại hoàng. Cân chính xác khoảng 0,05g dược liệu đã tán thành bột mịn, cho vào một bình nón 100ml. Thêm 7,5ml acid acetic băng (T.T) và đun sôi hỗn hợp trong 15 phút với ống sinh hàn ngược. Sau khi nguội, thêm vào bình qua ống sinh hàn ngược 30ml ether ethylic (T.T) và đun sôi 15 phút trên nồi cách thủy. Làm nguội dịch chiết, lọc qua bông vào một bình gạn 300ml và rửa bông bằng 20ml ether ethylic (T.T). Cho bông vào bình nón, thêm 30ml ether ethylic (T.T) và đun sôi 10 phút nữa. Lọc dịch chiết ether đã làm nguội qua bông khác vào bình gạn nói trên. Tráng bình nón hai lần bằng ether ethylic (T.T), mỗi lần dùng  10ml và lọc qua bông trên. Thêm cẩn thận 100ml dung dịch NaOH – ammoniac vào dịch chiết ether – acid acetic đựng trong bình gạn, lắc trong 5 -7 phút rồi làm nguội bình. Sau khi hỗn hợp đã phân lớp hoàn toàn, gạn lớp nước màu đỏ và trong suốt ở dưới vào một bình định mức 250ml. Chiết lớp ether còn lại với từng lượng 20ml dung dịch NaOH – ammoniac cho đến khi lớp nước không có màu. Tập trung các dung dịch nước kiềm vào bình định mức và thêm dung dịch kiềm tới vạch.
            Hút 25ml dung dịch thu được cho vào một bình nón và đun nóng 15 phút trên nồi cách thủy với ống sinh hàn ngược. Sau khi nguội, đo mật độ quang của dung dịch bằng quang kế với kính lọc màu lục, trong cốc dày 1cm, so sánh với nước. Khi dung dịch có màu quá sẫm, trước khi đo phải pha loãng bằng dung dịch NaOH – ammoniac.
            Nồng độ dẫn chất anthranoid trong dung dịch cần đo được biểu thị bằng 1,8 – dihydroxy anthraquinon và xác định theo đường cong chuẩn xây dựng bằng các dung dịch cobalt chlorid. Để có đường cong chuẩn, pha một dãy dung dịch cobalt chlorid có nồng độ từ  0,2 – 5% và đo mật độ quang của các dung dịch này, biết rằng mật độ quang học của dung dịch cobalt chlorid 1% bằng mật độ quang của 0,36mg 1,8-dihydroxy anthraquinon trong 100ml dung dịch NaOH – ammoniac.
            Dược liệu phải chứa ít nhất 2,5% dẫn chất anthranoid biểu thị bằng 1,8 – dihydroxy anthraquinon.
            (Dung dịch HaOH – ammoniac : Cách pha xem phần đại cương)
            Định lượng các Anthranoid acid. Người ta cho rằng những dẫn chất carboxylic của đại hoàng có vai trò sinh lý đáng kể nên có khi tiến hành định lượng riêng phần này. Muốn vậy, từ dịch chiết các dẫn chất anthranoid toàn phần  trong chloroform (theo phương pháp chiết xuất chung) người ta trích ra một thể tích xác định rồi đem lắc với dung dịch natri hydrocarbonat trong nước. Dung dịch này chỉ hòa tan các dẫn chất anthranoid

mà trong phân tử có gốc carboxyl. Tiếp theo, đem acid hóa dung dịch hydrocarbonat rồi chiết các dẫn chất anthranoid acid bằng ether, sau đó đem lắc dung dịch ether với dung dịch alcalihydroxyd rồi mới tiến hành so màu.

Tác dụng và công dụng
            Những dẫn chất anthranoid trong đại hoàng có tác dụng lên đại tràng, làm giảm sự tái hấp thu nước bằng cách làm tăng tiết dịch và tăng nhu động ruột. Uống sau 8 – 12 giờ mới có tác dụng. Thuốc có tác dụng cả lên cơ trơn của bàng quang và tử cung do đó phụ nữ có thai hoặc người bị viêm bàng quang không nên dùng. Do có tác dụng phụ là gây sung huyết nên không dùng cho người bị trĩ.
            Ở liều nhỏ (0,05 – 0.10g) đại hoàng là thuốc bổ, giúp tiêu hóa, liều 0,1 – 0,15g làm thuốc nhuận, 0,5 – 2g là liều xổ. Tuy là thuốc nhuận tràng nhưng dùng lâu thì cũng có thể gây táo bón do phần tanoid tích lũy.
            Các dạng anthron thì có tác dụng kích ứng nên không bao giờ dùng dược liệu tươi
            Đại hoàng còn có tác dụng kháng khuẩn đối với một số loại vi khuẩn như tụ cầu, lỵ, thương hàn.                
            Vì đại hoàng có chứa nhiều calci oxalat nên không dùng lâu cho người bị kết thạch thận oxalic.
            Đơn thuốc:Đại hoàng 7g, cam thảo 4g, nước 300ml sắc còn 100ml. Uống lúc đói, chữa bí đại tiện, nôn mửa.
            Bào chế đại hoàng trong Y học dân tộc cổ truyền :
            – Dùng nước tẩm, ủ cho mềm rồi thái phơi khô
            – Tửu đại hoàng tức là đại hoàng tẩm rượu: 50kg đại hoàng thêm 50kg rượu, cho vào nồi đun nhỏ lửa, hơi se thì lấy ra, thái, phơi chỗ mát.
            – Đại hoàng thán là đại hoàng thái miếng, cho vào nồi sao lửa đến khi bên ngoài có màu nâu cánh dán, vẫn còn hương vị đại hoàng, phun rượu.
            -Thục đại hoàng: thái miếng nhỏ, trộn với rượu, cho vào thùng đậy kín, đặt vào nồi nước, đun cách thủy cho chín, lấy ra phơi khô là được. Cứ 50kg đại hoàng thì 15 – 20kg rượu.
https://hoibacsy.vn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật. 

0/50 ratings
Bình luận đóng