XUYÊN TÂM LIÊN
Herba Andrographitis.
            Dược liệu dùng là toàn cây xuyên tâm liên – Andrographis panuculata (Burm.) Nees., họ Ô rô – Acanthaceae.
Đặc điểm thực vật và phân bố:
            Cây thuộc thảo, mọc thẳng đứng cao dưới 1m. Thân chia nhiều đốt, lá mọc đối, cuống ngắn, phiến lá hình mác, mặt lá nhẵn, nguyên, dài 3-12cm, rộng 1-3cm. Hoa màu trắng điểm hồng, mọc thành chùm ở nách lá hay đầu cành. Quả dài 15mm, rộng 3,5mm. Hạt hình trụ, thuôn dài. Toàn cây có vị rất đắng. Mùa hoa tháng 9-10.
            Các nước Đông nam Á đều có: An Độ, Indonesia, Malaysia, miền nam Trung quốc. Ở nước ta hiện nay đã trồng nhiều nơi.
            Thu hái: cả cây thu hái quanh năm.
Thành phần hoá học:
Các dẫn chất diterpenlacton:
            Toàn cây có chứa chất andrographolid có vị rất đắng kết tinh từ MeOH đ.c. 230oC. Dẫn chất diterpenlacton thứ hai là neoandrographolid, một glucosid đã được xác định cấu trúc  năm 1968. Dẫn chất này có vòng lacton 5 cạnh chưa no ở vị trí a,b nên dương tính với thuốc thử Baljet (thuốc thử  phát hiện vòng butenolic trong glycosid tim).

Ngoài ra còn có một số diterpen lacton khác với hàm lượng ít: 14-desoxy 11-dehydro andrographolid, 14-desoxy 11-oxo andrographolid, 14-desoxy andro-grapholid và 19-b-D-glucosid của 14-desoxy andrographolid.

 

Trong môi trường nuôi cấy mô từ các bộ phận khác nhau của cây xuyên tâm liên còn thấy xuất hiện thêm 3 chất sesquiterpen lacton mới: paniculid A,B,C nhưng lại không thấy có andrographolid.
Paniculid A: R=R1=H, R2=OH.
Paniculid B: R=R2=OH, R1=H.
Paniculid C: R=OH, R1=R2=O.
Các flavonoid.
            Rễ của cây xuyên tâm liên có các dẫn chất thuộc nhóm flavon: andrographin, panicolin, apigenin 4’,7-dimethylether và mono-O-methylwightin. Ngoài ra trong cây còn có a1-sitosterol và một số thành phần khác.
Tác dụng và công dụng. 
            Theo Đỗ Minh và cộng sự (1992) bằng phương pháp thử kháng khuẩn theo phương pháp pha loãng trong thạch cho thấy dịch chiết của lá xuyên tâm liên có tác dụng ức chế các vi khuẩn Shigella (22 chủng) và Staphyllococcus aureus (32 chủng). Mức độ ức chế tùy thuộc vào các phương pháp điều chế.
            Theo Kee Chang Huang (Giáo sư đại học Louis-ville) ngoài tác dụng kháng khuẩn xuyên tâm liên còn có tác dụng sau:
            – Nâng cao cơ chế phòng vệ của cơ thể.
            – Hạ sốt.
            -Chống viêm có thể do kích thích hormon tuyến thượng thận giải phóng ACTH.
            – An thần.
            – Chống thụ thai.
            Cũng theo tác giả trên xuyên tâm liên có thể có tác dụng phụ như chóng mặt, tim đập nhanh.
            Trên lâm sàng thấy có tác dụng chống viêm và kháng khuẩn trong các trường hợp: mụn nhọt, viêm họng, viêm amydan, viêm phế quản, viêm loét dạ dày-ruột, viêm đường tiết niệu, nhiễm khuẩn đường ruột như ỉa chảy, lỵ trực trùng.
            Thuốc bổ đắng giúp tiêu hoá.
            Dùng dưới dạng thuốc bột 4-6 g hoặc thuốc sắc 10-20 g. Ở Trung quốc có lưu hành thuốc dưới dạng viên chứa hoạt chất adrographolid, mỗi viên chứa 50 mg và dạng ống tiêm, mỗi ống chứa 50 mg trong 2 ml. Tiêm bắp hoặc pha loãng với dịch truyền qua tĩnh mạch.
 https://hoibacsy.vn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.

0/50 ratings
Bình luận đóng