Mục lục
MÃ ĐỀ
Tên khác: Bông mã đề, xa tiền, su ma (Tày), nhả én dứt (Thái), nằng chấy mía (Dao).
Tên khoa học: Plantago major L.
Họ Mã đề (Plantaginaceae)
MÔ TẢ
Cây thảo có thân ngắn. Lá mọc từ gốc, tụ họp thành hình hoa thị, có cuống dài loe thành bẹ, mép uốn lượn, nguyên hoặc đôi khi khía răng nhỏ, hai mặt nhẵn, gân lá hình cung rất rõ ở mặt dưới.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành bông dài hơn lá; hoa nhỏ; đài 4 răng dính nhau ở gốc; tràng mỏng khô xác, 4 thùy xếp xen kẽ với lá đài; nhị 4; bầu hình cầu, 2 ô.
Quả nang, hình bầu dục hơi dài, đáy tròn, đầu thành chóp thuôn, khi chín nứt ngang; hạt hơi dẹt, màu nâu hoặc đen bóng.
Mùa hoa quả: tháng 5 – 8.
PHÂN BỐ, NƠI MỌC
Trên thế giới, mã đề phân bố rộng rãi ở các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới của các châu lục, chủ yếu là châu Á.
Ở Việt Nam, cây mọc hoang ở các tỉnh miền núi và hải đảo. Thường gặp ở chỗ ẩm mát ven đường đi, bờ bãi, ruộng bỏ hoang, nương rẫy.
BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN
Cả cây, thu hái vào tháng 7 – 8 là lúc cây đã có quả. Đem về, phơi cho se, rồi đập lấy hạt đem phơi khô, cắt bỏ rễ, rồi phơi hoặc sấy cho thật khô.
Có thể nấu thành cao đặc đối với lá để dùng.
THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Lá mã đề chứa chất nhầy, flavonoid quercetin, baicalein, scutellarein, hoạt chất aucubin, aucubosid, acid phenolic, caroten, vitamin c.
Hạt cũng chứa chất nhầy, dầu béo, acid uronic.
TÁC DỤNG DƯỢC LÝ
Mã đề đã được thử nghiệm và thể hiện những tác dụng sau:
- Nước sắc làm tăng lượng nước tiểu, urê, acid uric và muối; làm long đờm, chữa ho; kháng khuẩn đối với một số chủng vi khuẩn gây bệnh ở da.
- Hoạt chất plantagin làm ức chế trung khu hô hấp, gây thở sâu và chậm.
- Hoạt chất aucubin phân lập từ hạt mã đề có tác dụng bảo vệ gan.
Mã đề còn có tác dụng chữa bỏng, chống viêm, thúc đẩy sự bài tiết sỏi.
CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG
Lá và hạt mã đề có vị ngọt nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, mát phổi, giảm ho, thông tiểu chữa tiểu tiện khó (lá hoặc hạt, 10g, sắc với 200ml nước, còn 50ml uống làm một lần trong ngày), ho (lá mã đề phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, ngâm kiệt 100g với 2 – 3 lần nước ấm, chắt lấy nước rồi cô được 100g cao. Ngày uống 1 – 3g), bỏng (lá mã đề nấu thành cao đặc, rồi thấm bông, đắp lên vết thương, băng lại. Ngày làm một lần); cơ thể nóng, đái khó ở người cao tuổi (hạt mã đề, 50g, giã nhỏ, sắc lấy nước đặc, lọc bỏ bã, nấu với hạt kê thành cháo mà ăn).
Kiêng kỵ: Người cao tuổi yếu thận và phụ nữ có thai không nên dùng.
BÀI THUỐC
- Chữa phù thủng: Lá mã đề (20g), vỏ cây ngái (10g), lá sung (10g), sao vàng, sắc uống ngày một thang.
- Chữa tiêu chảy: Lá mã đề, rau má, lá nhọ nồi hoặc lá phèn đen (liều lượng bằng nhau, 20g), sắc đặc, chia làm 2 – 3 lần uống trong ngày.
- Chữa đái nhắt, đái buốt: Lá mã đề (20g), cao ban long (20g), rễ cỏ tranh (12g), nhục quế (4g). sắc uống trong ngày.
- Chữa viêm gan cấp tính: Hạt mã đề (20g), nhân trần (20g), hạ khô thảo (20g), đại phúc bì (12g), đảng sâm (12g). Sắc uống.
- Chữa sỏi niệu: Hạt mã đề (12 – 40g), kim tiền thảo (40g), thạch vĩ (20 – 40g), hoạt thạch (20 – 40g), hải kim sa (12 – 40g), đông quỳ tử (12 – 40g), ngưu tất (12g), chỉ xác (12g), hậu phác (12g), vương bất lưu hành (12g).
Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc uống. Thuốc có tác dụng đầy sỏi có đường kính 0,5 – 0,9cm. (Tài liệu nước ngoài).