Cây dạ cẩm
Cây dạ cẩm

DẠ CẨM

Tên khác: Cây loét mồm, Đất lượt.

Tên khoa học: Hediotis capitellata Wall. ex G.Don, họ Cà phê (Rubiaceae).

Mô tả: Cây thảo leo bằng thân quấn; cành vuông rồi tròn, phình to ở các đốt, có lông đứng. Lá có phiến hình trái xoan thon, chóp nhọn, đáy hơi tròn; gân phụ 4-5 cặp; mặt trên xanh nhẵn bóng, mặt dưới nhạt màu và có lông mềm; cuống lá 3- 5mm; lá kèm có lông và 3-5 thuỳ hình sợi. Cụm hoa chuỳ ở ngọn và nách lá, mang tán tròn; mỗi tán mang 6-12 hoa màu trắng hoặc trắng vàng. Quả nang 1,5-2mm, chứa nhiều hạt rất nhỏ. Mùa quả tháng 5-7.

Bộ phận dùng: Toàn cây bỏ rễ của cây Dạ cẩm (Hediotis capitellata).

Phân bố: Cây mọc hoang rất nhiều ở vùng rừng núi từ Lạng Sơn Hòa Bình tới Khánh Hoà, Kontum, Lâm Đồng và Đồng Nai. Gặp nhiều trên đất sau nương rẫy bỏ hoang.

Thu hái: Thu hái quanh năm; chọn những dây có nhiều lá, rửa sạch, chặt thành đoạn 5-6cm, phơi hay sấy khô.

Thành phần hoá học: Lá có tanin, alcaloid, saponin.

Công năng: Thanh nhiệt, giải độc, làm dịu cơn đau, tiêu viêm, lợi tiểu.

Công dụng:

Cây Dạ cẩm được dùng điều trị các bệnh lở loét miệng lưỡi, loét dạ dày, viêm họng, lở loét ngoài da, chữa vết thương do làm chóng lên da non. Chữa lở loét miệng lưỡi bằng cách lấy toàn thân cây băm nhỏ, nấu cao lỏng, trộn mật ong, bôi hàng ngày.

Dựa trên cơ sở tác dụng này, năm 1962, bệnh viện Lạng Sơn đã dùng Dạ cẩm chữa loét dạ dày, với tác dụng làm giảm đau, trung hòa acid trong dạ dày, bớt ợ chua, làm vết loét se lại.

Ngoài công dụng trên, nhân dân còn dùng ngọn non Dạ cẩm phối hợp với hoa cỏ Bạc đầu và lá cây Răng cưa, giã đắp chữa đau mắt; phối hợp với vỏ cây Đỗ trọng nam, đắp bó chữa bong gân.

Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 20-40g, dạng thuốc sắc, thuốc hãm, thuốc cao, thuốc bột hoặc cốm, chia làm hai lần uống trong ngày vào lúc đau hoặc trước khi ăn. Trẻ em dùng liều thấp hơn. Chữa vết thương làm chóng lên da non: lá tươi dã với muối đắp. Ngoài ra có thể dùng dưới dạng cao, cồn, bột.

Bài thuốc:

  1. Chữa loét dạ dày, ợ chua: Dùng 20-40g Dạ cẩm, dạng thuốc sắc thuốc hãm, bột hay cao, chia 2 lần uống lúc bị đau hoặc trước bữa ăn.
  2. Chữa lở loét miệng lưỡi: Dùng cao lỏng Dạ cẩm trộn với mật ong, bôi hàng ngày.
  3. Chữa vết thương, làm chóng lên da non: Dùng lá Dạ cẩm tươi giã đắp
0/50 ratings
Bình luận đóng