Tên khoa học: Stephania glabra (Roxb.) Miers.
Họ: Tiết dê (Menispermaceae)
1. Mô tả và phân bố :
Binh vôi thuộc loại cây dây leo, dài từ 2-6m. Lá mọc so le: phiến lá hình bầu dục, hoặc hình tim hoặc hơi tròn. Hoa tự tán nhỏ, tính khác gốc, màu vàng cam. Quả hình cầu, khi chín có màu đỏ tươi trong chứa 1 hạt hình móng ngựa có gai. Bình vôi có phần gốc thân phát triển to thành củ, có khi nặng tới 20 – 30kg, hình dáng thay đổi tùy theo từng nơi củ phát triển. Củ Bình vôi có vỏ ngoài màu đen, khi cạo bỏ vỏ ngoài thì trong có màu xám. Cây mọc hoang ở những vùng núi đá vôi thuộc nước ta, mọc nhiều nhất là ở Ninh Bình.
2. Bộ phận dùng thu hái
Bộ phận dùng làm thuốc là thân củ,’được thu hái quanh năm; đào lấy thân củ về, đem cạo vỏ ngoài, thái thành miếng phơi hay sấy khô. Dược liệu Bình vôi đã được ghi trong Dược điển Việt Nam (2002).
3. Thành phần hóa học
Thành phần hóa học chính của Bình vôi là alcaloid, trong đó hoạt chất chính có tác dụng là L-tetrahydropalmatin (rotunđin).
4. Công dụng, cách dùng
Dược liệu Bình vôi có tác dụng an thần, dưỡng huyết, thanh nhiệt, giải độc, giảm đau. Được dùng để chữa các bệnh: mất ngủ, sốt nóng, nhức đầu, đau dạ dày, trị ho có đờm, hen suyễn, khó thở…
Cách dùng: Uống 3 – 6g/ngày Ở dạng thuốc sắc, thuốc bột hay ngâm rượu. Hiện nay, người ta còn dùng Binh vôi làm nguyên liệu chiết xuất rotundin để sản xuất thuốc dưới đang tân dược.