CẢI ĐỒNG


Tên khác: Cúc dại, Rau cóc, Chân cua bồ cóc, Nụ áo.
Tên khoa học: Grangea maderaspatana (L.) Poir.; thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Tên đồng nghĩa: Artemisia maderaspatana L.; Cotula maderaspatana (L.) Willd.; C. anthemoides Lour.
Mô tả: Cây thảo sống hằng năm, phân cành từ gốc. Cành có rãnh. Lá mọc so le, gần hình bầu dục, chóp lá tù, gốc thuôn, có 2-5 đôi thuỳ lông chim, hai mặt lá đều có lông dài, trắng. Cụm hoa là những đầu ở ngọn hoặc ở nách lá, đối diện với lá, thường đơn độc, màu vàng. Lá bắc 2-3 hàng, có lông. Trong đầu hoa, có hoa cái và hoa lưỡng tính. Quả bế hơi dẹt, có 3 cạnh mờ. Ra hoa tháng 12-4, có quả tháng 4-5.
Bộ phận dùng: Cành lá (Ramulus Grangeae Maderaspatanae).
Phân bố sinh thái: Loài cỏ nhiệt đới, mọc hoang ở các ruộng khô hoặc ẩm, các bãi cát ở khắp nước ta. Cây ưa sáng, mọc nhiều vào mùa khô. Có thể thu hái cành lá quanh năm, thường dùng tươi.
Thành phần hóa học: Flavonoid (5-deoxyflavon, 6-hydroxy-2′,4′,5′-trimethoxyflavone, 6-hydroxy-3′,4′,5′-trimethoxyflavon, 7,2′,4′-trimethoxyflavon)
Tính vị, tác dụng: Cải đồng có vị đắng, tính mát, có tác dụng làm dịu và sát trùng; còn có tác dụng làm dễ tiêu hoá, khai thông ách tắc.
Công dụng: Cải đồng là loại rau dùng ăn sống hay nấu canh ăn. Cũng dùng làm thuốc lợi tiêu hoá, trị ho sau khi sinh đẻ và làm điều kinh trở lại đối với sản phụ, nhất là khi sự trễ kinh kèm theo chứng

đau bụng và đau thân. Dân gian còn dùng chữa các chứng trĩ (Cà Mau, tỉnh Minh Hải). Dùng ngoài hơ nóng để chườm làm thuốc sát trùng và dịu đau. Ở Ấn Độ, người ta dùng lá sắc hoặc làm thuốc tễ trong trường hợp kinh nguyệt bế tắc và bệnh vàng da.

0/50 ratings
Bình luận đóng