Mục lục
Tên khoa học:
Cây Câu đằng có nhiều loại có tên khoa học khác nhau như Uncaria rhynchophyll A (Myq) Jacks, U.macrophylla Wall, U.Hirsuta Havil, U.sinensis (Oliv) Havil, U.sessifructus Roxb thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).
Câu đằng, thuần câu câu, Vuốt lá mỏ, Dây móc câu – Cú giằng (Mông); Co nam kho (Thái); Pược cận (Tày). Tên tiếng trung: 钩藤
Ở nước ta, cây Câu đằng mọc hoang nhiều ở vùng thượng du Cao bằng, Hoàng liên sơn, chưa được trồng.
Mô tả:
Cây Câu đằng là loại cây dây leo, dài tới 7 – 8m. Lá mọc đối phiến lá hình trứng đầu nhọn, mặt trên bóng nhẵn, mặt dưới có phấn mốc, Ở kẽ lá có hai móc (giống móc câu) ở hai bên đối xứng như lá. Hoa thành hình cầu. Quả nang, trong chứa nhiều hạt.
Phân bố:
Cây câu đằng ở nước ta hiện nay vẫn chưa được trồng, mà toàn bộ nguồn đều thu từ tự nhiên. Cây thường mọc hoang ở các vùng đồi núi của các tỉnh miền núi phía Bắc như: Lào cai, cao bằng, Sơn La, Hòa Bình. Ở Hòa Bình cây mộc rất nhiều trên các vùng đồi thấp.
Cách dùng:
Uống 1 0 – 20g/ngày, dạng thuốc sắc. Chú ý. Không sắc Câu đằng quá lâu làm giảm tác dụng
Khí vị:
Vị ngọt, hơi đắng, tính hơi hàn, không độc, vào Túc quyết âm kinh.
Chủ dụng:
Giãn gân, trừ chóng mặt, hạ khí, khoan trung, nóng lạnh, động kinh, chân tay co quắp, chứng thai phong chạm vía, miệng mắt co giật.
Kỵ dụng:
Người lớn không chứng nhiệt không nên uống nhiều.
Cách chế:
Bỏ cành, dùng thuần một thứ móc còn non thì công hiệu gấp mười, nhưng sắc lâu thì mất tác dụng, phải chờ sắc các vị khác sắp được rồi mới cho vào, sôi một vài dạo là được.
Nhận xét:
Câu đằng có tác dụng khu phong mà không táo, là một vị thuốc trung hòa, là thuốc của Thủ thiếu âm, Túc quyết âm. Thiếu âm chủ hỏa, Quyết âm chủ phong, phong hỏa va chạm nhau thời sinh ra chứng nóng lạnh, động kinh. Câu đằng khí vị ngọt lạnh chạy thẳng vào 2 kinh ấy, làm cho phong yên, hỏa tức thời Tâm, Can đều yên ổn, chứng nóng lạnh cũng tự khỏi vậy. Cho nên trong khoa nhi rất coi trọng nó. Khi sử dụng nhớ ghé dùng huyết dược thì công hiệu càng hay.
GIỚI THIỆU THAM KHẢO
Câu đằng bình Can, tức phong, thanh hỏa ở Tâm, Can, cho nên dùng chữa thực nhiệt, kinh giản.
“Ấu khoa tâm pháp”
Bài Câu đằng ẩm gồm: Câu đằng, Linh dương giác, Toàn yết (bỏ độc), Nhân sâm, Thiên ma, Chích thảo. Có tác dụng tức phong, trấn kinh, thanh nhiệt an thần.
Trị trẻ em bị cấp kinh phong, hàm răng can chặt, chân tay co rút, kinh sợ, sốt cao, mắt trợn ngược.
“Hướng dẫn sử dụng các bài thuốc”
Bài Câu đằng tán
Câu đằng 9g, Trần bì 9g, Bán hạ 9g, Bạch linh 9g, Mạch môn 9g, Nhân sâm 4g, Phòng phong 4g, Cúc hoa 4g, Cam thảo 4g, Sinh Khuông 4g, Thạch cao 15-20g.
Cùng tán nhỏ, liều uống 12-16g, ngày 2 lần.
Áp dụng: Bài thuốc có tác dụng bình Can, thanh nhiệt, hạ hỏa, dùng cho những người đau đầu vào buổi sáng do hỏa xung lên quá sớm, bị ù tai, chóng mặt, nhãn cầu xung huyết.
Bệnh này thường xẩy ra ở người cao tuổi, đau đầu từ thái dương trái đến đuôi mắt, cũng thường là người hay cáu gắt.
“Thông tục thương hàn luận”
Bài Linh giác câu đằng thang
Linh dương giác 2g, Câu đằng 12g, Tang diệp, Cúc hoa, Bạch thược, Phục thần đều 8-12g, Sinh địa, Trúc nhự, đều 12- 20g, Xuyên bối mẫu 8-16g, Cam thảo 4g. sắc nước uống.
Có tác dụng bình Can, tức phong, thanh nhiệt, chỉ kinh.
Trị Can kinh nhiệt thịnh, nhiệt cực sinh phong, sốt cao, tay chân co rút, phiền táo, thậm chỉ cỏ thể bị kinh quyết (hôn mê, chân tay lạnh ngắt), lưỡi đỏ mà khô, mạch huyền sác.
“Hướng dẫn sử dụng các bài thuốc”
Bài Thất vật giáng hạ thang
Xuyên khung, Đương quy, Sinh địa, Bạch thược, đều 6-8g, Hoàng kỳ 4-6g, Hoàng bá 4g, Câu đằng 6-8g.
Sắc, chia uống 2 lần trong ngày.
Trị bệnh huyết áp vừa cao, vừa kẹt (hiệu số huyết áp trên và huyết áp dưới nhỏ hơn 40 ml Hg). Nếu huyết không đủ xuống hạ bộ làm 2 chân mỏi liệt, hạ nang ướt thì thêm Đồ trọng, là bài Bát vật giáng hạ. Nếu thấp đau khớp gối cũng có thể thêm Độc hoạt, Ngưu tất…