CẢI RỪNG BÒ LAN
Tên khác: Hoa tím lông.
Tên khoa học: Viola serpens Wall. ex Ging.; thuộc họ Hoa tím (Violaceae).
Tên đồng nghĩa: Viola pilosa Blume; thuộc họ Hoa tím (Violaceae).
Mô tả: Cây thảo nhỏ, nhiều năm; thân ngắn. Lá chụm nơi đâm rễ; phiến mỏng, có lông mịn, hình tim, gân từ gốc 3, gân phụ hai cặp, mép có răng nằm, cuống dài 5-8cm; lá kèm có rìa lông, nâu đỏ. Cuống hoa dài bằng cuống lá, có 2 tiền diệp ở giữa. Hoa nhỏ, không thơm; 4 cánh hoa cao 5mm, cánh hoa giữa xoan, cao 6mm, móng dài 2mm; bầu không lông. Quả nang to 5-10mm, chia 3 mảnh. Hoa quả vào tháng 3.
Bộ phận dùng: Toàn cây (HerbaViolae).
Phân bố sinh thái: Loài phân bố ở Nam Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc ở rừng trên độ cao 1000-3000m ở các tỉnh Tây Nguyên.
Thành phần hóa học: Tinh dầu.
Tính vị tác dụng: Vị nhạt, cay, hơi đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán ứ tiêu sưng, rút mủ lên da, làm trong phổi, khỏi ho.
Công dụng: Thường dùng trị: 1. Viêm gan; 2. Viêm màng tiếp hợp cấp; 3. Ho gà, trẻ em ho khan, ho có đờm do phong nhiệt. Dùng ngoài trị viêm vú cấp, zona, mụn nhọt sâu quảng, rắn độc cắn, đòn ngã tổn thương, gẫy xương.
Liều dùng: Ngày dùng 15-30g, có thể dùng đến 40g, sắc uống. Dùng ngoài lấy lượng vừa đủ, giã tươi cho nát đắp hoặc dùng cây khô tán bột rắc, bôi xoa.
Bài thuốc: Chữa viêm màng tiếp hợp: dùng Cải rừng bò tươi, giã nát đắp vào thái dương về phía mắt đau. Thay đổi vài lần trong ngày. Đồng thời dùng 30g nấu nước uống.