Lịch sử phương pháp phản xạ bàn chân

Ngày nay người ta cho rằng bàn chân được coi là “quả tim thứ hai” của con người. Y học cổ truyền dân tộc của nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Ân Độ, Nhật, Hy Lạp… đã có một trong những phương pháp chăm sóc bảo vệ sức khoẻ con người bằng cách tác động lên đôi bàn chân. Phương pháp độc đáo này đã được lưu truyền từ lâu đời, bắt đầu từ thời Chiến quốc – Xuân thu. “Hoàng đế nội kinh” – một pho sách kinh điển của nghề thuốc cũng đã nói đến cách chữa bệnh dạ dày, ruột và tê chân. Sách “Sử ký Biển thước liệt truyện” cho rằng: Từ cổ xưa, y học đã chữa bệnh bằng xoa, day, bấm cổ chân, chữa bệnh không cần dùng thuốc nước hoặc rượu thuốc, “Xoa chuyển day vô độc”. Các đời Tuỳ, Đường cũng đều có các sách như “Bệnh nguyên hậu luận”, “Thiên kim phương” hướng dẫn cách xoa bóp bàn chân để chữa bệnh. “Túc bộ liệu pháp” (phương pháp chữa bệnh bằng bàn chân) của cổ nhân Trung Hoa cổ đại cũng đã đánh dấu trong lịch sử y học cổ truyền phương Đông. Người ta đã phát hiện hình vẽ bàn chân với các biểu tượng chữa bệnh được khắc trên đá của các nhà sư cách đây 2500 năm.

Trong những thế kỷ 19 và 20, nhiều tác phẩm trình bày phương pháp chữa bệnh bằng bàn chân đã được nhiều tác giả châu Âu giới thiệu như “Liệu pháp vùng phản xạ đơn giản” của Tiến sĩ Joseph Selbirelli (1930), “Bàn chân nói chuyện” của nữ sĩ Enghem (1938) vẫn được lưu hành cho đến nay như một thánh thư của liệu pháp phản xạ bàn chân. Hane Markate, người Tây Đức kế tục sự nghiệp của Enghem đã phổ biến phương pháp chữa bệnh này tại Mỹ với tác phẩm “Phương pháp chữa bệnh bằng phản xạ bàn chân”. Hiện nay, ở Mỹ đã có Viện nghiên cứu phản xạ học quốc tế tại bang Florida.

Với người Trung Hoa, ngâm chân nước nóng vào buổi tối trước khi đi ngủ đã trở thành thói quen của nhiều người. Ngày nay, nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật, Đài Loan và nhiều nước châu Âu đang tranh luận về liệu pháp phản xạ bàn chân “Zone thearapy”.

Xoa bóp, bấm huyệt đôi bàn chân có lịch sử lâu đời và đang có những bước phát triển mới, thực sự đã trở thành một phương pháp chữa bệnh độc đáo, có khả năng phòng và chữa trị được nhiều chứng bệnh. Dễ học, dễ làm, hiệu quả cao có thể được coi là đặc điểm của phương pháp phòng và chữa bệnh này.

Cơ sở khoa học

Được xây dựng trên cơ sở “Học thuyết âm dương, ngũ hành” và “Học thuyết kinh lạc” của y học cổ truyền dân tộc. “Học thuyết kinh lạc” của y học cổ truyền cho thấy ở mỗi chân có 6 đường kinh lạc của các tạng phủ như Can, Tỳ, Thận và Đởm, VỊ, Bàng quang. Thông qua tác dụng điều hoà âm dương, thông kinh hoạt lạc… mà có tác dụng chữa bệnh.

Người ta nhận thấy rằng, ở bàn chân tập trung vô số các đầu mút thần kinh. Các nhà khoa học cho biết, ở mỗi bàn chân có tới khoảng 7000 đầu mút thần kinh. Quan sát của các nhà khoa học hiện đại cũng chứng minh được sự liên quan giữa các vùng phản xạ ở chân với cơ quan của cơ thể. Năm 1872,Tiến sĩ Uyliami Phischellant, một bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng Mỹ tình cờ phát hiện sự liên quan giữa tác dụng giảm đau trong phẫu thuật khi bệnh nhân tỳ mạnh các đầu ngón chân lên thành ghế. Những nghiên cứu tiếp theo cũng đã cho phép khẳng định sự liên quan giữa các cơ quan trong cơ thể với các vùng phản xạ ở bàn chân. Khi cơ quan đó có những biểu hiện rối loạn về chức năng hoặc mắc bệnh thì những vùng đại hiện của cơ quan đó tại bàn chân cũng có những phản xạ bất thường như đau tức khi bị ấn, ép.

Lợi ích của việc tác động bàn chân
Lợi ích của việc tác động bàn chân

Cơ chế tác động của phương pháp phản xạ bàn chân

Khi tác động vào các vùng phản xạ sẽ tạo ra một phản ứng điều hoà chức năng các cơ quan tương ứng với nó, cải thiện sự tuần hoàn huyết dịch ở chỗ đau, qua đó phát huy được hiệu quả phòng và chữa bệnh.

Phương pháp tác động bàn chân

Bạn có thể dễ dàng học được cách xoa bóp đôi bàn chân để chữa bệnh. Để nâng cao hiệu quả chữa bệnh, có thể chia quá trình tác động thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Trước hết bạn hãy ngâm đôi bàn chân vào chậu nước nóng ấm trong 5-10 phút. Khi pha nước ngâm chân, bạn có thể cho một chút muối, vài giọt tinh dầu vào chậu nước. Sự nóng ấm và mùi thơm của tinh dầu chắc chắn mang lại cho bạn cảm giác thoải mái, dễ chịu. Tiếp đó, hãy lau khô đôi bàn chân bằng một chiếc khăn bông sạch, không cần phải bôi dầu. Nếu không có điều kiện ngâm chân nước nóng, trước khi xoa bấm nên xoa xát hai lòng bàn chân với nhau hoặc dùng lòng bàn tay xoa xát lòng bàn chân cho nóng ấm. Với cách làm này, bạn có thể thực hiện ngay tại văn phòng của chính bạn.
Giai đoạn 2: Là giai đoạn tác động toàn thân và xác định các vùng phản xạ bệnh lý. Bạn vẫn có thể dùng đầu ngón tay cái xoa bấm nhẹ nhàng một cách từ từ vào khắp lòng bàn chân của bạn. Khi phát hiện một hay nhiều vùng phản xạ có những bất thường như đau nhói, tức … bạn nên xoa bấm nhẹ nhàng các vùng phản xạ đó nhưng không nên quá lâu hoặc quá mạnh vì có thể gây tụ máu.
Cần đối chiếu với đồ hình các vùng phản xạ trên bàn chân để xác định cơ quan tương ứng mắc bệnh. Nếu bạn mắc bệnh đau dạ dày thì vùng dạ dày tương ứng trên bàn chân sẽ có những phản ứng như đau tức, tê, nóng khi bạn xoa bấm lên đó. Đây cũng là nguyên tắc giúp các bạn xác định các vị trí cần tác động tại bàn chân.
Giai đoạn 3: Là giai đoạn tác động định khu: cần đặc biệt chú ý xoa bóp các vùng phản xạ tương ứng với các cơ quan mắc bệnh được phát hiện thông qua các dấu hiệu đau, tức khác thường khi bấm nắn vào các vùng phản xạ đó. Cơ quan nào bị bệnh thì hãy tác động lên vùng phản xạ cơ quan đó là chính. Ngoài ra, có thể tác động lên các vùng có giá trị điều hoà thần kinh thực vật, điều đó có giá trị làm tăng thêm hiệu quả chữa bệnh cho bạn.

Lợi ích của việc tác động bàn chân

Không chỉ đem lại hiệu quả chữa bệnh, đôi khi bằng cách thăm dò các phản ứng khác đó, người ta có thể xác định được căn bệnh mà bạn đã, đang hoặc sẽ mắc phải. Như vậy có nghĩa là ngoài tác dụng chữa bệnh, việc xác định các vùng phản xạ tương ứng còn có giá trị giúp cho việc chẩn đoán bệnh.

Quá trình xoa, bấm lòng bàn chân sẽ mang lại cho bạn cảm giác thư giãn thần kinh và thể xác, giảm đau, chống co thắt. Với phương pháp xoa bấm bàn chân, người ta đã chữa được nhiều chứng bệnh như nhức đầu, suy nhược thần kinh, trầm cảm, hồi hộp, lo lắng, hen suyễn, đau dạ dày … và giảm đau trong phẫu thuật. Thậm chí, chỉ bằng tác động lên đôi bàn chân của bạn cũng có thể làm huyết áp ở người huyết áp cao giảm xuống một cách đáng kể. Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng, khi ngâm chân bằng nước nóng cũng có tác dụng làm giãn nở các mạch máu ở não, góp phần tăng cường lưu lượng máu lên não. Thông qua tác dụng đó làm hạn chế được tai biến mạch máu não, một tai biến thường gặp ở người trung – cao tuổi bị vữa xơ động mạch.

Một số cách tác động bàn chân khác

Có nhiều cách tác động lên đôi bàn chân nhằm mục đích dự phòng và chữa bệnh. Đôi lót giầy được trộn bột quế không chỉ giữ cho đôi bàn chân bạn thơm tho mà còn có tác dụng phòng và chữa bệnh cho bạn. Đây là một kinh nghiệm phòng chữa bệnh của người Việt Nam được áp dụng trong những năm gần đây. Thậm chí, người ta còn có thể dán một số viên từ (nam châm) tại một số điểm huyệt ở lòng bàn chân để có được tác dụng chữa bệnh mong muốn. Đắp bột hạt tiêu sọ vào huyệt Dũng tuyền ở gan bàn chân cũng đã được nói đến nhằm mục đích chữa bệnh viêm cầu thận mạn.

Ở Việt Nam hiện nay đang phổ biến một số các dụng cụ như con lăn, đệm gai … để tác động lên đôi bàn chân với mục đích dự phòng và chữa bệnh. Bạn có thể tìm mua tại các cửa hàng dịch vụ y tế ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh những dụng cụ này.

Theo quan điểm của y học cổ truyền, để chân trần tiếp xúc trực tiếp với mặt đất cũng có tác dụng điều hoà âm dương.

Nhưng có lẽ, để có hiệu quả kết hợp được điện sinh học, tốt hơn cả là bạn hãy tự xoa bấm lấy đôi bàn chân của mình. Mỗi ngày dành cho công việc này 5-10 phút chắc chắn sẽ mang lại cho bạn sức khoẻ, niềm vui và hạnh phúc.

Người ta phát hiện mỗi cơ quan trong cơ thể đều có một vùng tương ứng đại diện ở bàn chân. Khi cơ quan nào đó mắc bệnh thì ở bàn chân các bộ phận tương ứng với nó có những biểu hiện khác thường như đau, sưng tấy. Để giúp bạn tự xoa bấm phòng và chữa bệnh, sơ đồ 3 cung cấp cho bạn các vùng phản xạ có liên quan đến các cơ quan trong cơ thể và cả bộ xương của con người trên đôi bàn chân, cả hai bàn chân đều có các vùng tương ứng với các cơ quan trong cơ thể, tuy nhiên cũng có những vùng khác nhau đặc trưng cho bàn chân trái hay bàn chân phải. Ví dụ như vùng ruột thừa, thần kinh chi phối khoang bụng, tuyến sinh dục, túi mật chỉ có ở chân trái. Ngược lại, vùng phản xạ tim, lá lách… lại chỉ có ở chân phải.

Người ta cho rằng bàn chân là hình ảnh thu nhỏ của con người, là nơi phản chiếu tình trạng sức khoẻ của con người.

Cách tác động bàn chân chữa một số bệnh

Bạn là người bị cao huyết áp chăng? Hãy ngâm chân nước nóng và xoa bóp các vùng như hình vẽ. Điều đó sẽ giúp cho huyết áp của bạn ổn định trong thời gian ngắn.
Với người mắc các bệnh như đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim, cao huyết áp, huyết áp thấp, loạn nhịp tim… hãy xoa bóp các vùng như vùng phản xạ của tim ở mép ngoài ngón chân út của bàn chân trái.

Xoa bấm các vùng phản xạ đầu, não, thận, tuyến thượng thận… sẽ giúp cho bạn tăng cường lưu lượng máu não.

Gánh nặng công việc làm bạn mệt mỏi chăng? Hãy ngồi ngay tại bàn làm việc của bạn, dùng tay hoặc hai chân bạn tự xát với nhau trong 1-2 phút để làm nóng ấm đôi chân của bạn. Tiếp đó xoa bóp nhẹ nhàng các vùng phản xạ não, tuyến thượng thận … trong vài phút. Chắc chắn cảm giác mệt mỏi sẽ nhường bước cho sự thanh thản, thoải mái cả về tinh thần cũng như thế xác.

Tác động bàn chân chữa một số bệnh
Tác động bàn chân chữa một số bệnh

Một số vấn đề lưu ý khi xoa bóp bàn chân: Không phải lúc nào và trong bất cứ trường hợp nào cũng có thể tác động lên bàn chân để phòng và chữa bệnh. Một số trường hợp cần chú ý:

5 không:

1. Không tác động bàn chân ngay sau khi ăn no, khi uống rượu. Chỉ tác động sau bữa ăn ít nhất một giờ.
2. Không tác động bàn chân khi trên bàn chân có vết thương, viêm nhiễm.
3. Không tác động bàn chân đến mức độ gây đau chân.
4. Không nghỉ thuốc uống trong một số trường hợp như cao huyết áp, huyết áp thấp …
5. Không tác động bàn chân khi mắc các bệnh ung thư, bệnh truyền nhiễm, bệnh tim cấp tính, viêm gan cấp, viêm thận cấp, xuất huyết não, phụ nữ có thai, hành kinh, đang sốt …

2 nên:

1. Nên tác động bàn chân sau khi tắm, sau khi vận động tay không nhẹ nhàng thì có hiệu quả tốt hơn.
2. Nên tác động bàn chân trái trước sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.

Biết rõ bàn chân là yên tâm sống trường thọ mà không bệnh tật gì! Chúc các bạn thành công với những tìm tòi mới của mình trong phòng và chữa bệnh bằng cách xoa bấm bàn chân.

0/50 ratings
Bình luận đóng