Có nhiều tác giả cho rằng những co giật không phải động kinh phần lớn lại là những cơn thần kinh thực vật. Hơn nữa trong quá trình diễn biến của các loại co giật thường kèm theo các rối loạn thần kinh thực vật, gây khó khăn cho chẩn đoán và xử trí.
ĐẠI CƯƠNG
Do mối quan hệ trực tiếp của hệ thần kinh thực vật với các cơ quan trong cơ thể (tình trạng sinh lý bình thường hay bệnh lý của hệ thần kinh thực vật), ở những người trẻ và trung niên phần lớn phụ thuộc vào cấu trúc bình thường và chức năng của cơ quan chi phối Còn ở các bộ phận trung ương hay ngoại vi của hệ thần kinh thực vật không có biến đổi về hình thái và chức phận.
Trái lại ở người già thì mối tương quan đó lại phức tạp. những sai lạc điểu chỉnh trong hoạt động của hệ thần kinh thực vật không phải chỉ là một rối loạn của hệ vòng đồi thị – thể lưới, nơi vẫn phụ thuộc chặt chẽ vào những chức phận não khác, mà cũng còn phụ thuộc vào những biến đổi theo tuổi của những bộ phận trung ương và ngoại vi của hệ thần kinh thực vật và của cơ quan chi phối. Như vậy, không những nó có thể là những kích thích của quá trình hoạt động chức năng không bình thường của hệ thần kinh thực vật mà còn do những phản ứng không bình thường của cơ quan chi phối bởi những biến đổi theo tuổi trong tình trạng hoạt động bình thường của hệ thần kinh thực vật.
Từ những cơ sở này, người ta đã rút ra 3 nguyên nhân của những rối loạn điều chỉnh của hệ thần kinh thực vật sau đây:
- Sự sai lạc điều chỉnh hệ thần kinh thực vật trên cơ sở thuần tuý chức năng (như ở những năm tuổi trẻ).
- Những tổn thương do biến đổi theo tuổi của hệ thần kinh thực vật hoặc ở những trung tâm chỉ huy ở não.
- Những biến đổi do tuổi hay bệnh lý của những cơ quan chi phối mà khả năng sẵn sàng hoạt động chức năng đã bị suy giảm hay những biến đổi bất thường.
NHỮNG THAY ĐỔI GIẢI PHẪU CỦA HỆ THẦN KINH THỰC VẬT
1. Những thay đổi ở trung tâm hệ thần kinh thực vật
Hiện nay đã có nhiều bằng chứng biểu hiện những thay đổi của những neuron thần kinh thực vật từ thời kỳ trước tuổi già và già như ở đồi thị, dưới đồi thị. và chất lưới substantia reticularis (Jacob, Colmant).
- Những thay đổi ở ngoại vi hệ thần kinh thực vật
Theo Slobodin, đã có thể chứng minh những thay đổi về cấu trúc do tuổi ở những neuron hạch thần kinh thực vật ngoại vi, sớm nhất là ở những hạch cơ tim, và còn thấy ở những hạch của những chuỗi hạch thần kinh thực vật cạnh sống của đoạn cổ, ngực và thắt lưng, số lượng tế bào chỉ giảm ít (Takahashi). Takahashi đã xác định ở thần kinh phó giao cảm có các sợi thần kinh: cỡ mảnh (dưới 5 micron) có nhiều và cỡ dày (trên 5 micron) có ít và ở thần kinh giao cảm chỉ có sợi thần kinh mảnh, ở tuổi già, thấy các sợi thần kinh dày của thần kinh phó giao cảm giảm mạnh về số lượng hơn những sợi thần kinh mảnh. Sự giảm sút số lượng những sợi dày phụ thuộc vào độ biến đổi của những tiểu động mạch. Những thay đổi theo tuổi này so với những dây thần kinh thuộc hệ thần kinh thân thể, ví dụ: dây thần kinh hông thì ít rõ nét hơn. Sự tăng sinh tổ chức liên kết của hệ thần kinh thực vật ở tuổi già cũng ít hơn ở dây thần kinh hông.