BƯỚM BẠC QUẢ NANG
Tên khác: Bươm bướm, Hồ diệp.
Tên khoa học: Mussaenda dinhensis Pierre ex Pit.; thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).
Mô tả: Cây nhỡ hay cây gỗ nhỏ 1,5-3m, có lông vàng nằm. Lá có phiến hình ngọn giáo ngược, bầu dục hay trái xoan, nhọn hay tù ở gốc, chóp có mũi dài, dài 10-18cm, rộng 3-6cm, màu xanh ôliu, có lông cứng rải rác ở mặt trên, có lông mềm nằm ở mặt dưới, nhất là trên các gân. Cụm hoa ngù gồm nhiều xim bò cạp. Hoa vàng. Quả thường khô và dạng quả nang, hình xoan ngược hay bầu dục, mang lá đài dài 6-8mm. Hạt rất nhiều và nhỏ.
Bộ phận dùng: Rễ, thân và vỏ (Radix, Caulis et Cortex Mussaendae dinhensisae).
Phân bố sinh thái: Loài phân bố khắp Đông Dương và Trung Quốc. Cây mọc ở chỗ ẩm, sáng, trong rừng thưa và savan cây bụi ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Vĩnh Phú, Hoà Bình và tới Đồng Nai.
Tính vị, tác dụng: Vị ngọt nhạt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm, lợi niệu.
Công dụng: Rễ, thân cũng được dùng như các loài khác chữa bệnh ôn nhiệt, trong ngoài đều nóng, các khiếu không thông. Vỏ dùng chế nước uống cho trẻ em bị bệnh đậu mùa.
Bài thuốc:
1. Chữa bệnh sốt mùa hè đến giai đoạn hôn mê khô khát, táo bón, đái sẻn, tân dịch khô kiệt: dùng rễ Bươm bướm 60g. Hành tăm 20g đều sao vàng, sắc uống một thang thì đại tiểu tiện thông lợi, sốt lùi, nuốt được, uống hết thang thứ hai thì tỉnh. Ba thang thì hết sốt, ăn uống được.
2. Chữa trẻ viêm não B sốt cao, khô khát, hôn mê, không nói: dùng rễ Bươm bướm 30g. Quả hoè hay Hoa hoè 15g, Huyền sâm, Sinh địa, Mạch môn, Ngưu tất, Hạt muồng sao, Dành dành mỗi vị 12g sắc uống. Đồng thời châm chính giữa lưỡi chỗ 1/3 từ cuống lưỡi 2/3 từ chót lưỡi, sâu độ 3mm cho chảy máu ra vài ba giọt. Châm 2 ngày một lần với uống thuốc mỗi ngày một

thang, sau 5-7 ngày có kết quả bệnh nhi nói được.

3. Chữa sưng amigdal ho sốt: dùng rễ Bươm bướm 30g. Huyền sâm 20g, rễ Bọ mẩy 10g, sắc uống.
4. Chữa lao nhiệt nóng âm trong xương: Rễ Bươm bướm một nắm sắc uống (Nam dược thần hiệu).

0/50 ratings
Bình luận đóng